Quyền CEO Eximbank Nguyễn Hoàng Hải nói khoản nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng gây hoang mang dư luận là bài học lớn của nhà băng, sẽ không để tình trạng này lặp lại.
Đại hội cổ đông Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) sáng 26/4 tại TP HCM được nhiều cổ đông quan tâm khi thời gian qua nhà băng này gây chú ý dư luận về trường hợp khách hàng nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng thành 8,8 tỷ sau 11 năm.
“Việc tính lãi thẻ tín dụng gây hoang mang dư luận, chính sách của EIB như thế nào? Tài khoản không hoạt động có tính phí không?”, một cổ đông nêu câu hỏi.
Phản hồi thắc mắc, Quyền CEO Nguyễn Hoàng Hải cho rằng đây là một bài học lớn cho nhà băng. Tác động này nhắc nhở EIB cần xây lại hệ thống, tạo một hình ảnh tốt hơn. Công ty hướng tới cách tính lãi phù hợp với thông lệ thị trường, hài lòng các khách hàng.
“Vụ việc thẻ tín dụng nợ 8,5 triệu thành 8,8 tỷ sẽ không lặp lại một lần nào nữa và các tài khoản thanh toán không hoạt động cũng sẽ không tính phí”, ông Hải khẳng định.
Như VnExpress thông tin, cách tính lãi chồng lãi, phí của Eximbank với thẻ tín dụng từ dư nợ gốc 8,5 triệu thành 8,8 tỷ, theo giới ngân hàng là “bất thường”.
Trước đó, tại buổi họp báo kinh tế, xã hội TP HCM, chiều 21/3, lãnh đạo Eximbank nói cán bộ xử lý đã máy móc gửi thông báo tới khách hàng khi chưa được lãnh đạo duyệt. Do đó, ngân hàng “sẽ không thu khoản nợ 8,8 tỷ” mà sẽ làm việc lại với khách hàng để thống nhất cách xử lý hợp tình và hài hòa lợi ích đôi bên.
Tới nay, Eximbank vẫn chưa công bố lãi suất và các khoản phí áp dụng cho khách hàng Phạm Huy Anh (Quảng Ninh), người có khoản nợ tín dụng 8,5 triệu đồng nhưng thành nợ xấu 8,8 tỷ đồng, sau 11 năm.
Liên quan kế hoạch kinh doanh năm nay, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.180 tỷ đồng, tăng 90,5% so với kết quả thực hiện năm 2023, điều này khiến cổ đông lo ngại khó khả thi. Tuy nhiên, ban lãnh đạo EIB cho rằng kế hoạch này hoàn toàn có cơ sở.
Lý do năm ngoái nhà băng thay vì tăng tốc như các ngân hàng khác, đã chọn đầu tư vào hạ tầng và nội tại để tạo đà bứt phá. Năm nay là năm thừa hưởng thành quả sau khi xây nội tại vững chắc và công ty sẽ trở lại top 10. Quý I năm nay, thị trường tín dụng khó khăn nhất 18 năm qua nhưng lãnh đạo công ty tin rằng từ quý III thị trường sẽ ấm, kết quả sẽ bứt phá và đạt kỳ vọng của cổ đông.
Liên quan đến giá cổ phiếu, nhiều cổ đông cho rằng EIB đang thụt lùi so với các ngân hàng khác. Thừa nhận điều này, bà Đỗ Hà Phương – Chủ tịch EIB cho rằng nguyên nhân phụ thuộc vào cung cầu và tâm lý nhà đầu tư. Hiện, chỉ số tài chính của EIB tăng trưởng đồng đều, chỉ số an toàn hoạt động đạt đúng theo quy định. Hiệu quả của ngân hàng cũng đang dần cải thiện, NIM (tỷ suất lợi nhuận thuần từ lãi vay) đã tăng 40 điểm cơ bản nên bà hy vọng sắp tới giá cổ phiếu sẽ phản ánh hết giá trị ngân hàng.
Về phương án bán vốn cho cổ đông nước ngoài, lãnh đạo EIB cho biết nhà băng vẫn đang trong giai đoạn đi tìm một cổ đông tầm vóc lớn trên thế giới để giúp ngân hàng thay đổi cục diện, vươn tầm quốc tế. Thông tin này (nếu có) sẽ trình cổ đông ở những cuộc họp sau khi mọi thứ chín muồi, lãnh đạo nhà băng nói.
Cổ đông hôm nay cũng đã thông qua miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với bà Lê Thị Mai Loan. Trước đó, bà Loan xin từ chức vì lý do cá nhân ngày 31/1.
Thay bà Loan là ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch Công ty cổ phần Bamboo Capital. Ông Nam cũng đang đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch tại Công ty cổ phần Bamboo Energy và thành viên HĐQT tại Quản lý quỹ Fides Việt Nam.
Năm nay, tổng tài sản nhà băng được kỳ vọng lên 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tăng 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng. Eximbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng trưởng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.
Lợi nhuận 2023 của ngân hàng là 2.146 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, Eximbank còn 1.949 tỷ đồng lợi nhuận để lại lũy kế đến 31/12/2023. Ngân hàng sẽ chia cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 10%. Trong đó, chia bằng cổ phiếu tỷ lệ 7% (1.219 tỷ đồng) và 3% bằng tiền mặt (hơn 522 tỷ đồng).
Thi Hà