Sếp doanh nghiệp tàu thuỷ thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam từng hứa hẹn gì?

Chỉ trong 3 ngày (19-21/9) hàng loạt sự kiện xoay quanh vụ việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam đã diễn ra. Và diễn biến mới nhất, chiều 21/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam.

Trước đó, hai vấn đề nóng đã được nêu ra trong buổi đối thoại giữa cán bộ nhân viên CTCP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam và ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso), đơn vị nắm giữ 65% cổ phần là việc thực hiện lời hứa của chủ đầu tư sẽ tiếp tục làm phim, lấy doanh thu từ phim có làm hay không và sau đó, “đất vàng” số 4 Thuỵ Khuê sẽ dùng làm gì.

Ông Nguyên thông tin rằng, phía công ty đang nghiên cứu kịch bản để làm phim nhưng không thể bỏ tiền tỷ để làm phim chỉ vài người xem. Về việc sử dụng khu đất, lãnh đạo Vivaso cho biết, sẽ cải tạo lại để giới thiệu hãng phim, phía trong xây dựng làm cụm rạp chiếu phim, giới thiệu phim, quảng cáo phim.

Trong khi nghệ sĩ của hãng phim cho biết, anh em nghệ sĩ đã đưa ra nhiều phương án nhưng tất cả đều bị gạt đi do không có chi phí, họ hoàn toàn bất lực bởi chủ trương của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.

Hội Điện ảnh Việt Nam trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện mới đây cũng cho biết, cổ đông chiến lược, Tổng công ty Vận tải thuỷ đã không thực hiện 9 điều đã cam kết.

Cụ thể, trả lương chậm và không đầy đủ cũng như bảo đảm các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp… cho người lao động có trong danh sách lao động thường xuyên của công ty.

Việc nhà đầu tư giải phóng một số nhà xưởng, gom các phòng chuyên môn sáng tác thành một, di dời trang thiết bị kỹ thuật, đạo cụ, phục trang làm phim… cho thấy dấu hiệu của sự “giải tán” chuyên môn để triển khai kinh doanh đơn thuần khiến anh chị em nghệ sĩ hết sức hoang mang, bất an về tương lai cá nhân và sự nghiệp chung.

Hội Điện ảnh cũng cho biết, Vận tải thuỷ đã cố ý bố trí công việc cho nghệ sĩ, người sáng tác không đúng năng lực và chuyên môn khiến anh chị em ức chế sinh chán nản tự bỏ việc.

Cũng theo Hội Điện ảnh, nhà đầu tư đã không có kế hoạch hoạt động ngắn và dài hạn cho thấy sự tập trung thực hiện mục tiêu “gìn giữ truyền thống thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam trong chặng đường sắp tới” như nêu trong Thư ngỏ.

Trước đó, tại Thư ngỏ do ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thuỷ Vivaso gửi các đạo diễn, diễn viên Hãng phim truyện Việt Nam và “đông đảo người hâm mộ điện ảnh”, ông Nguyên đã bày tỏ sự “vinh dự, tự hào” vì sắp được “góp phần nhỏ bé cùng các đạo diễn, nghệ sĩ, biên kịch, hoạ sĩ, quay phim, nhân viên hậu trường tham gia xây dựng, phát triển Hãng phim truyện Việt Nam xứng đáng với những kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh…”.

Ông Nguyên cũng cho biết, bên cạnh đam mê điện ảnh, lẽ dĩ nhiên lợi nhuận là yếu tố quan trọng hàng đầu khi Vivaso bỏ vốn vào Hãng phim truyện Việt Nam. “Tuy nhiên, trước khi quyết định đầu tư, cá nhân tôi đã nhận được nhiều lời khuyên rằng không nên mạo hiểm đầu tư vào Hãng”, ông Nguyên cho hay.

Lãnh đại Vivaso cho biết thêm, nếu tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn hay trông đợi vào quỹ đất tiềm ẩn rủi ro cụ thể, nếu thay đổi phương án khai thác, sử dụng đất dù tốn kém và cần thiết nhưng rất khó khăn, thậm chí ẩn chứa nhiều rủi ro do liên quan đến quy hoạch của Hà Nội và TP.HCM, Vivaso chắc chắn không đầu tư vào Hãng phim truyện Việt Nam.

“Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, Hãng vẫn sở hữu một nền tảng tốt để có thể phục hồi, phát triển và hoàn toàn có thể đem lại lợi nhuận từ chính ngành nghề chính: Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm điện ảnh”, ông Nguyên nêu trong thư ngỏ.

Bên cạnh đó phía nhà đầu tư chiến lược cũng cam kết bố trí việc làm đúng năng lực, chuyên môn công tác của người lao động và thực hiện đúng chính sách, chế độ với người lao động.

Bất ngờ, ông chủ thực sự của Hãng phim truyện Việt Nam lại là một đại gia bất động sản

Bài viết mới