Sếp chứng khoán liều mạng bán khống cổ phiếu

Ngày 24-8, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên phúc thẩm xét xử theo kháng nghị của VKSND cùng cấp đối với vụ án “Sử dụng trái phép tài sản” xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán Viễn Đông.

Sau khi bản án được tuyên, VKSND Cấp cao đã kháng nghị yêu cầu xử phúc thẩm đổi tội danh từ “Sử dụng trái phép tài sản” sang “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tăng hình phạt đối với các bị cáo Pham Thiên Hậu (SN 1980), Nguyễn Ngọc Phước (SN 1976) và Lê Thị Phương Anh (SN 1983).

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm

Nguyễn Ngọc Phước là Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Viễn Đông còn Phan Thiên Hậu là Trưởng phòng môi giới và Lê Thị Phương Anh là nhân viên môi giới công ty chứng khoán này.

Theo đó, các bị cáo đã lợi dụng nhiệm vụ được Công ty CP Chứng khoán Viễn Đông giao đã thực hiện hành vi “Lưu ký khống” để bán cổ phiếu không có thật chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, mặc dù tài khoản 645 không có cổ phiếu ACB nhưng ngày 24-8-2009, Hậu và Phước đã sử dụng nghiệp vụ dùng phần mềm trực tiếp “lưu ký khống” 50.000 cổ phiếu ACB trên thị trường giao dịch chứng khoán. Đã có 40.000 cổ phiếu giao dịch thành công với số tiền gần 1,9 tỉ đồng.

Ngay sau giao dịch thành công, Hậu đã chỉ đạo nhân viên giả chữ ký khách hàng làm thủ tục vay 1,9 tỉ đồng bằng hình thức “ứng trước tiền bán chứng khoán” để thanh toán cho khoản tiền mua chứng khoán trước đó trên tài khoản khác.

Tiếp theo Hậu mua 40.000 cổ phiếu ACB với số tiền gần 1,7 tỉ đồng rồi chỉ đạo nhân viên giả chữ ký khách hàng cầm cố cho Công ty CP Chứng khoán Viễn Đông để lấy hơn 1 tỉ đồng.

Bằng hình thức này, Hậu đã chỉ đạo Phương Anh lưu ký khống các mã cổ phiếu EIB, PMC, DIG, SSI đứng tên nhiều tài khoản khác nhau.

Với thủ đoạn này, từ tháng 9-2009 đến tháng 12-2009, Hậu chỉ đạo Phương Anh lưu ký khống bốn mã cổ phiếu EIB, PMC, DIG, SSI với tổng số cổ phiếu là 159.300 và thu được gần 5,6 tỉ đồng.

VKSND Cấp cao tại TP HCM nhận định Hậu và Phước đã bàn bạc kế hoạch “lưu ký khống” chứng khoán như mượn chứng minh nhân dân của người thân để mở tài khoản, chọn mã cổ phiếu có giá trị để “lưu ký khống” và thỏa thuận tỉ lệ ăn chia là 50/50…

Hậu quả là Công ty CP Chứng khoán Viễn Đông phải bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để mua lại số cổ phiếu mà các bị cáo đã “lưu ký khống”. Công ty cũng đã bỏ ra 4,4 tỉ đồng để mua lại các mã cổ phiếu mà Hậu chỉ đạo Phương Anh “lưu ký khống”.

Như vậy, hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hơn 4,4 tỉ đồng của Công ty CP Chứng khoán Viễn Đông. Việc TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo tội “Sử dụng trái phép tài sản”, xử mức án 3 năm 27 ngày tù đối với Hậu, 2 năm cải tạo không giam giữ với Phước và 2 năm tù nhưng ho hưởng án treo đối với Phương Anh là không có tác dụng răn đe, ngăn ngừa tội phạm.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM đã giữ nguyên quan điểm kháng nghị, đề nghị HĐXX xử phạt Phan Thiên Hậu mức án từ 14 đến 15 năm tù, Nguyễn Ngọc Phước và Lê Thị Phương Anh cùng mức án từ 7 đến 8 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, trong quá trình nghị án, HĐXX đã quay lại phần xét hỏi và cho hoãn phiên tòa để triệu tập đại diện pháp luật của Công ty CP Chứng khoán Viễn Đông vì công ty này cho rằng hậu quả xảy ra là số tiền hơn 8 tỉ đồng chứ không phải là 4,4 tỉ đồng như đã quy kết.

Bán khống chứng khoán sắp được thực hiện tại Việt Nam, nhưng thực hiện như thế nào?

Bài viết mới