Sẽ giảm vai trò của VFA trong xuất khẩu gạo

Đại diện bộ này cho biết bộ đang chịu trách nhiệm quản lý 28 trong tổng số 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công (tương đương 452 thủ tục hành chính từ trung ương đến cấp xã) và 1.216 điều kiện kinh doanh (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô).

Theo Bộ Công Thương , việc cắt giảm thủ tục hành chính là mục tiêu quan trọng và đã được tiến hành trong vài năm qua. Chẳng hạn, năm 2015, bộ đã bãi bỏ và đơn giản hóa 87 thủ tục hành chính (tương đương 24% tổng số thủ tục), cắt giảm được hơn 4,32 tỉ đồng/năm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Năm 2016, bộ tiếp tục bãi bỏ và đơn giản hóa 39 thủ tục hành chính. Đặc biệt, năm 2017, Bộ Công Thương đặt mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính thuộc 17 lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.

Tại hội nghị, đại diện Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) nêu thực tế hoạt động xuất khẩu gạo hiện nay vẫn do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) điều phối, thông qua “ký nháy”, dẫn đến méo mó trong tiếp cận thị trường và đề nghị Bộ Công Thương xem lại quy định này.

Doanh nghiệp sẽ được tự chủ hơn trong xuất khẩu gạo Ảnh: Ngọc Trinh

Doanh nghiệp sẽ được tự chủ hơn trong xuất khẩu gạo Ảnh: Ngọc Trinh

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), thừa nhận VFA còn vai trò trong thủ tục xuất khẩu gạo, song dự thảo nghị định mới nhất liên quan tới vấn đề này, vai trò của VFA sẽ giảm. “Dự thảo tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tự do tham gia xuất khẩu gạo, tự chủ trong ký kết hợp đồng và một số điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng này sẽ bị bãi bỏ. Tuy nhiên, do xuất khẩu gạo tác động đến cân đối an ninh lương thực trong nước, phải bảo đảm dự trữ nên vẫn cần có một số quy định” – ông Tân nói.

Về thắc mắc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang cấp giấy phép cho một số thủ tục có đúng chuẩn mực không, ông Tân giải thích đúng là thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do VCCI triển khai. Tuy nhiên, đây là việc phân cấp, ủy quyền, còn việc quản lý nhà nước vẫn thuộc Bộ Công Thương.

“VCCI chỉ cấp C/O trong các trường hợp không được hưởng ưu đãi. Theo quy định, C/O được cấp để xác nhận xuất xứ hàng hóa nên để DN làm. Nếu đưa về cơ quan nhà nước thì quá nhiều thủ tục và để DN làm thì cần có một nơi đại diện, đó chính là VCCI. VCCI cũng đã cam kết bảo đảm thủ tục thuận lợi cho cộng đồng DN và việc phân cấp, ủy quyền này đã được Quốc hội cho phép” – Vụ trưởng Vụ Pháp chế giải thích.

Cộng đồng DN góp ý việc cải cách thủ tục hành chính không đơn thuần là cắt giảm thủ tục mà còn phải kiểm soát không để phát sinh thêm thủ tục hành chính. Ngoài ra, DN còn phải đáp ứng rất nhiều thủ tục cho nhiều cơ quan khác nhau. “Nhiều thủ tục, giấy tờ đáng lẽ nhà nước có thể trích xuất thông tin từ cổng thông tin điện tử của các cơ quan. Chẳng hạn, giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh có thể truy xuất qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thay vì yêu cầu DN phải nộp bản chứng nhận đó. Từ đó, tiến đến việc trích xuất các thông tin giữa các cơ quan khi DN cung cấp mã số của mình” – đại diện một DN nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng khi nào cơ sở dữ liệu thông tin hoàn hảo, có thể trích xuất từ các nguồn khác nhau thì yêu cầu trích xuất sẽ phải tính đến để giảm bớt thủ tục hành chính.

Những điều kiện ‘trói buộc’ doanh nghiệp – Bài 1: Xuất khẩu gạo

Bài viết mới