FPT là trường hợp cá biệt khi room đã kín 49% nhưng FPT chưa có kế hoạch thực hiện nới room ngoại lên 100% như DMC, BMP (NTP cũng dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để lấy ý kiến cổ đông vào ngày 30/11 để thông qua việc nới room ngoại, mở đường cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào công ty).
Theo đó, đại diện SCIC cho biết, do đã hết room ngoại nên SCIC cũng chỉ có thể bán cho các NĐT nội. Đơn vị trung gian sẽ đứng ra tổ chức chào bán là CTCK MBS.
Về định hướng hoạt động và triển vọng của FPT trong những năm tới, Nguyễn Thế Phương, Phó TGĐ kiêm Giám đốc tài chính FPT tham dự buổi Roadshow do SCIC tổ chức ngày 17/11 cho biết, FPT đang trong quá trình hoàn tất tái cơ cấu theo hướng tập trung nguồn lực vào 2 mảng chính là CNTT và Viễn thông.
Năm 2016, mảng phân phối và bán lẻ đạt hơn 23 ngàn tỷ đồng, chiếm đến 57% tổng doanh số nhưng chỉ góp 18% vào tổng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn. FPT quyết định thoái bán phần vốn tại mảng phân phối và bán lẻ và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 12 năm nay.
Mảng công nghệ đạt gần 10 ngàn tỷ doanh thu đóng góp 25% vào tổng doanh số của tập đoàn FPT năm 2016 và góp 37% vào lợi nhuận trước thuế của FPT. Chiến lược của FPT trong những năm tới là duy trì vị thế nổi bật trong các hoạt động kinh doanh xuất khẩu phần mềm và tích hợp hệ thống, giải pháp phần mềm, dịch vụ CNTT.
Mục tiêu chiến lược của FPT hướng tới là doanh thu toàn cầu hoá tăng trưởng 30%/năm. FPT cũng sẽ tập trung hướng đến việc nắm bắt các xu hướng công nghệ mới bao gồm AI, BIG Data, IoT trong việc tiếp cận khách hàng mới. Đồng thời, chiến lược M&A sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của FPT.
Ở lĩnh vực viễn thông, đây là mảng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao của FPT thông qua Công ty thành viên là FPT Telecom và mảng nội dung số của FPT Online. Doanh số của mảng này mang về 6.666 tỷ đồng chiếm 16% tổng doanh thu nhưng góp đến 40% vào lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn.
Mục tiêu của FPT là tiếp tục nâng cấp hạ tầng và mở rộng vùng phủ để khai thác tiềm năng từ tỷ lệ thâm nhập Internet băng thông rộng cố định còn ở mức thấp tại VN; Phát triển tuyền hình trả tiền và đầu tư cho R&D để đưa ra các sản phẩm mới, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT…Ngoài ra, ở mảng nội dung số, FPT cũng đặt kế hoạch đầu tư vào các trang mới, các dịch vụ trên di động…
Nói thêm về kế hoạch thoái vốn của SCIC tại FPT Telecom (FOX), đại diện SCIC cho biết, nhà nước vẫn phải nắm giữ trên 50% đối với mảng viễn thông đến năm 2020 nên chưa có kế hoạch gì về việc thoái vốn tại đây. Hiện tỷ lệ nắm giữ của SCIC tại FPT Telecom là 50,17%, FPT đang sở hữu 45,66%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT đã tăng 55% kể từ đầu năm trước những kỳ vọng từ hoạt động tái cấu trúc sẽ giúp DN tăng hiệu quả và hiệu ứng từ SCIC thoái vốn.