Sau thương vụ Sabeco: Không lo mất thương hiệu, lo dùng vốn hiệu quả

Như vậy là sau 1 năm lên sàn chứng khoán, Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã thoái vốn thành công khi bán trên 53,59% cổ phần cho nhà đầu tư, đứng sau đó là Tập đoàn Thaibev của Thái Lan. Ngay lập tức, nhiều ý kiến, trong đó có cả một số chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại về chuyện mất thương hiệu quốc gia Sabeco với 140 năm lịch sử. Thế nhưng, chuyện mất thương hiệu không đáng lo. Thay vào đó, điều quan tâm hơn lúc này là sử dụng số tiền gần 110.000 tỷ đồng này như thế nào cho hiệu quả.

Thương hiệu Sabeco đã có 140 năm lịch sử (Ảnh minh họa: KT)
Thương hiệu Sabeco đã có 140 năm lịch sử (Ảnh minh họa: KT)

Sau khi thương vụ thành công, trên mạng xã hội và một số trang web xuất hiện những bình luận rằng lo lắng thương hiệu “bia Sài Gòn”, “bia 333”, Sabeco sẽ không còn. Cũng có người cho rằng không nên bán nhiều như thế, vì đây là doanh nghiệp lớn, làm ăn có lãi, đóng ngân sách gần chục nghìn tỷ mỗi năm…

Thế nhưng, thực sự đây không hẳn là điều đáng lo ngại.

Nhìn vào mức giá mà nhà đầu tư chi ra là 320.000 đồng/cổ phiếu Sabeco, cao gấp 3 lần mức giá khi cổ phiếu Sabeco lên sàn cách đây một năm, ngay các nhà kinh tế cũng dùng từ “đắt đỏ” để nói về giá này. Việc sẵn sàng trả giá cao cho thấy nhà đầu tư rất hiểu thị trường Việt Nam ưa chuộng sản phẩm của Sabeco như thế nào; hiểu từng nhãn hiệu bia Sabeco đã được định vị ra sao; và hiểu nhu cầu của thị trường gần 100 triệu dân có thể mang lại lợi nhuận cho họ trong tương lai. Đó là những lợi thế rất lớn mà nhà đầu tư không “dại gì” sớm nghĩ tới việc thay đổi hoặc bỏ đi thương hiệu của Sabeco, một doanh nghiệp tồn tại 140 năm. Do đó, chuyện lo mất thương hiệu quốc gia chưa phải là vấn đề đặt ra ngay lúc này.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng mới đây, đánh giá cao thành công của thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh đến những nỗ lực mạnh mẽ của thường trực Chính phủ, các cơ quan liên quan. Ông cho rằng, việc quan trọng tiếp theo là sử dụng nguồn tiền này như thế nào cho minh bạch, hiệu quả. Qua đó, cũng là cách để khẳng định chủ trương thoái vốn từ Sabeco là đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương vụ thoái vốn Nhà nước tiếp theo.

Nhìn từ việc thoái vốn Nhà nước thành công tại Sabeco, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng, Chính phủ đã thể hiện sự nhất quán trong việc triển khai chính sách thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. Bước đi tiếp theo là cần tăng tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu này. Trong đó, cần ưu tiên vốn cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình cấp bách khác của Chính phủ.

Khẳng định lại vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến quyết tâm của Chính phủ trong quá trình thoái vốn Sabeco. Chính việc tiến hành chào bán công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, đã tạo lòng tin của nhà đầu tư, mang lại nguồn thu hiệu quả từ thương vụ này. Nguồn thu này góp phần quan trọng thực hiện chỉ tiêu thu về 60 ngàn tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội giao.

Trước đó, tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 cách đây ít hôm, nhấn mạnh đến thành công của thương vụ thoái vốn tại Sabeco, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là thương vụ lớn được cả Châu Á và thế giới quan tâm và khẳng định, thành công này là bởi nhà đầu tư có niềm tin thị trường, niềm tin xã hội vào Chính phủ và kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam.

Thực tế, quá trình bán vốn nhà nước tại Sabeco đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, từ tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ ngành về chủ trương tiếp tục bán vốn nhà nước tại Sabeco và nhiều doanh nghiệp lớn khác theo kế hoạch đã đề ra. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, đấu giá cạnh tranh, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Một quyết định đúng đắn và quan trọng của Thủ tướng Chính phủ là để đảm bảo công khai, minh bạch và có lợi cho nhà nước, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước. Tránh trường hợp định giá cổ phần không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn nhà nước. Nhìn vào kết quả thương vụ cho thấy, thương vụ đã mang về cho ngân sách nhà nước trên 110 nghìn tỷ đồng. Nếu cũng bán trên 53% cổ phần nhưng ở thời điểm mới lên sàn cách đây 1 năm, thì lượng tiền thu về chỉ bằng 1/3 hiện nay.

Có lẽ, tâm lý lo mất thương hiệu, tâm lý “nuối tiếc”, “níu giữ” vẫn còn trong tư duy của một số ít người sau thương vụ này. Tuy nhiên, nhìn từ thành công của các thương vụ bán cổ phần của Vinamilk và Sabeco hay một số doanh nghiệp Nhà nước khác cho thấy, đây là điều phải làm và cần tiếp tục làm. Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần nhấn mạnh việc “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa”. Thay vào đó “cái gì mà tư nhân làm được thì để tư nhân làm” bởi “chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân”. Tại nhiều diễn đàn, cuộc họp, Thủ tướng đều quyết liệt chỉ đạo thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần phải nắm giữ hoặc không nắm cổ phần chi phối, kể cả doanh nghiệp làm ăn có lãi.

Với việc các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần thành công trong một số thương vụ thoái vốn Nhà nước gần đây, cũng có ý kiến lo ngại về việc thu thuế khó khăn hơn. Bởi từ thực tế trên thế giới, xuất hiện không ít doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế. Tuy vậy, đây là bài toán mà tất cả các nước đều gặp phải và lời giải thuộc về các bộ ngành, Chính phủ trong việc đưa ra biện pháp chống chuyển giá, trốn thuế. Không chỉ quản lý các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp tại Việt Nam mà ngay cả các doanh nghiệp ứng dụng 4.0 có trụ sở ở nước ngoài như Uber, Grab, đang hoạt động tại Việt Nam, việc kiểm soát khó khăn, phức tạp hơn thì chúng ta cũng phải tìm ra biện pháp quản lý, thu thuế, để tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp khác./.

Bán Sabeco, “thương hiệu quốc gia” sẽ ra sao?

Bài viết mới