Trong lĩnh vực tài chính chứng khoán, tháng 5 thường được coi là giai đoạn không đem lại nhiều may mắn và giới đầu tư đã đúc kết rằng “Sell in May and go away” với hàm ý đây là lúc nghỉ ngơi, không nên đầu tư vì dễ thua lỗ.
TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ khi diễn biến trong tháng 5 vừa qua không mấy tích cực với nhiều phiên giảm sâu liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch 31/5, VnIndex dừng tại 971,25 điểm, tương ứng mức giảm 7,52% so với đầu tháng và nằm trong top 10 chỉ số giảm mạnh nhất tháng. Trước đó, trong tháng 4, VnIndex đã giảm gần 11% và là chỉ số chứng khoán “tệ” nhất Thế giới.
Thống kê kể từ khi thành lập tới nay, chỉ số VnIndex có tới 11 lần giảm điểm trong tháng 5, trong khi chỉ có 7 lần tăng điểm và điều này phần nào cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường trong khoảng thời gian này.
TTCK Việt Nam có biến động dữ dội nhất Thế giới trong 5 tháng
Quý 1 năm nay, VnIndex đã ghi nhận mức tăng 22% lên 1.200 điểm, qua đó trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất Thế giới trong cùng giai đoạn.
Tuy vậy, kể từ đầu tháng 4 đến nay, diễn biến thị trường không như mong đợi với 2 tháng giảm sâu liên tiếp, xóa tan mọi thành quả đạt được từ đầu năm. Tính tới hết tháng 5, chỉ số VnIndex đã mất tới 19,35% so với đỉnh 1.200 điểm được thiết lập cách đó không lâu.
Việc sụt giảm mạnh chỉ trong thời gian ngắn một lần nữa đưa VnIndex “lên top” Thế giới khi là chỉ số chứng khoán có mức giảm mạnh nhất từ đỉnh trong năm 2018, trái ngược hoàn toàn với đỉnh cao trong quý 1.
TTCK Việt Nam biến động không mấy tích cực thời gian gần đây
Có nhiều lý do để giải thích cho những biến động không tích cực của TTCK Việt Nam trong giai đoạn qua. Đầu tiên là mức định giá thị trường đã quá cao (P/E TTCK Việt Nam đầu tháng 4 đạt gần 22), dẫn tới áp lực chốt lời mạnh để về vùng giá trị hợp lý so với mặt bằng khu vực. Bên cạnh đó, áp lực bán ròng của khối ngoại cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường trong 2 tháng qua.
Một yếu tố quan trọng khác là nhiều thương vụ niêm yết, IPO lớn như Vinhomes, Techcombank đã khiến một lượng tiền không nhỏ bị rút ra khỏi thị trường. Vấn đề margin tại các CTCK “căng cứng” hay những lo ngại về lãi suất tại Mỹ tăng mạnh, cũng như các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ đã khiến thị trường ít nhiều bị ảnh hưởng.
Tháng 6, hy vọng mới dần mở ra?
Sau gần 2 tháng chịu áp lực điều chỉnh mạnh, diễn biến TTCK Việt Nam dần “dễ thở” hơn trong những ngày cuối tháng 5. Việc thị trường giảm sâu đã khiến mặt bằng định giá thị trường về mức khá hấp dẫn (P/E cuối tháng 5 khoảng hơn 17) đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy trở lại thị trường.
Trong 3 phiên giao dịch cuối tháng 5, chỉ số VnIndex có tới 2 phiên tăng trên 20 điểm giúp tâm lý giới đầu tư bớt phần bi quan. Không chỉ tăng mạnh về điểm số mà thanh khoản thị trường cũng được cải thiện đáng kể với những phiên khớp lệnh trên 4.000 tỷ đồng (tính riêng HoSE).
Giao dịch khối ngoại cũng là điểm đáng chú ý khi áp lực bán ròng đã “hạ nhiệt” đáng kể trong những ngày cuối tháng 5. Nếu như loại trừ lực bán từ một vài cổ phiếu như VHM, VIC thì thực ra khối ngoại đã trở lại mua ròng trong những ngày gần đây. Trong phiên giao dịch 1/6, khối ngoại cũng đã mua ròng hơn 30 tỷ đồng và nếu xu hướng mua ròng tiếp tục duy trì sẽ là động lực hỗ trợ cho thị trường bứt phá.
Lúc này, tình hình margin trên thị trường không còn là vấn đề lớn như cách đây 2 tháng và do đó nếu thị trường không có nhiều biến cố lớn bất ngờ thì không lo thiếu tiền vào thị trường.
Những ngày gần đây, nhiều tổ chức lớn đã đánh giá TTCK Việt Nam đang ở vùng giá hấp dẫn để đầu tư. Ông Bill Stoops, giám đốc đầu tư Dragon Capital, quỹ đầu tư ngoại lớn nhất trên TTCK Việt Nam mới đây đã trả lời trên CNBC rằng “đây là thời điểm tuyệt vời để mua cổ phiếu Việt Nam”.