Bao nhiêu hãng gọi xe công nghệ “cộng lại” để đối đầu với Grab?
Báo cáo của Temasek (Singapore), ước tính, thị trường đi chung xe của Đông Nam Á có thể tăng gấp 4 lần về giá trị sau 7 năm tới, đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025. Grab đang là cái tên đứng đầu tại khu vực này với mức độ bao phủ tại 198 thành phố.
Tại Việt Nam, cuộc cạnh tranh trong thị trường này đang ngày càng khốc liệt, bao gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này là dễ hiểu khi Việt Nam được đánh giá là thị trường tốt về lượng xe, khách hàng và loại hình dịch vụ.
Theo sau VATO, MVL, mạng xã hội những ngày gần đây lan truyền về hãng gọi xe mới với tên gọi ABER, tất cả đều hy vọng dành lại thị phần từ “người khổng lồ”, tuy nhiên các hãng mới này chưa để lộ bất cứ thông tin nào cụ thể.
Sau thông tin Uber nhận 27,5% cổ phần của Grab để giải phóng nguồn lực khỏi các thị trường đang kinh doanh sa sút tại Đông Nam Á và Go-Jek tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 500.000 USD để gia nhập bốn thị trường mới, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines. Các doanh nghiệp trẻ khu vực này “đứng ngồi không yên” trước miếng bánh gọi xe dần độc quyền bởi Grab.
Tình hình đang trở nên nóng hơn khi gần đây Grab Việt Nam chính thức áp dụng chính sách hủy chuyến với khách hàng, chính sách mà lúc chưa dọn đi, Uber đã triển khai âm thầm nhưng không bắt buộc khách liên kết với thẻ tín dụng. Mặt khác, Grab vẫn đang giải quyết đơn kiện từ việc tăng mức chiết khấu từ 15% đến trên 28% mà chưa có sự trao đổi, thỏa thuận và thống nhất với giới lái xe.
Áp lực 2 chiều dành cho nhà “Grab” vẫn chưa đủ, khi thông tin gần đây các hãng gọi xe khác, cả cũ và thậm chí rất mới trên thị trường sẵn sàng giảm mức chiết khấu với dịch vụ ở mức tối thiểu, hay MVL ứng dụng công nghệ Blockchain và cam kết không thu phí tài xế. Vậy Grab Việt Nam đang đo lường những áp lực này ở mức độ cảnh báo nào?
Bài toán thị trường đối với các start-up trẻ
Thông tin tổng hợp từ các nguồn về “tân binh” ABER, ứng dụng có tên gọi liên tưởng đến đối thủ trước đây của Grab đã chạy thử nghiệm tại TP.HCM. Được biết, ABER sẽ sớm ra mắt chính thức tại TP.HCM vào ngày tháng 6 và tại Hà Nội 1 tuần sau đó.
Về cơ bản, hãng gọi xe mới này sẽ có các chức năng như các ứng dụng gọi xe công nghệ truyền thống, phát triển dựa trên nền tảng của một ứng dụng khác đang phát triển tại Đức. Một số modul nâng cấp hơn như việc tài xế có thể chuyển tiền trong tài khoản cho nhau, khách hàng linh hoạt chọn hình thức xe và tài xế, thêm dịch vụ vận chuyển bằng xe tải… Nguồn đầu tư chưa được tiết lộ nhưng nhiều khả năng đến từ một nhóm doanh nhân giấu tên hoạt động trong lĩnh vực thương mại và tài chính.
Các chính sách về giá cũng như quyền lợi dành cho tài xế và khách hàng vẫn là dấu hỏi lớn mà thị trường đặt ra với hãng này.
Theo các chuyên gia, để đối đầu với người khổng lồ, ngoài chiến lược chiết khấu hay dịch vụ, đòi hỏi các hãng mới phải nỗ lực vạch ra các chiến lược về Marketing dài hạn và khác biệt trong việc nâng cao trải nghiệm của người dùng. Đặt ra và trả lời được được các câu hỏi hóc búa về bài toán đầu tư như Uber kiên trì hơn 5 năm tại thị trường Việt Nam và chỉ để định nghĩa “gọi xe công nghệ” là gì. Các hãng đi sau sẽ càng nhiều lợi thế nhưng sẽ không gặp không ít thách thức từ “người dẫn đầu” với cái tên đã rất quen thuộc với người dùng.
Mai Linh, VATO và các hãng xe công nghệ mới vẫn đang chạy đua để đạt số lượng người dùng và số lượng tài xế đăng ký, về cơ bản các tài xế có thể tận dụng càng nhiều ứng dụng để nâng cao hiệu suất mỗi ngày, để có được số lượng tài xế trung thành hay đạt được mức độ phủ sóng thị trường đòi hỏi nhiều cố gắng mang tính “lột xác” từ các hãng gọi xe truyền thống và hiện đại.
Về phía tài xế và người dùng thì vẫn đang kỳ vọng vào các cuộc chạy đua sôi động này.
“Nhờ cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ cung cấp dịch vụ tốt hơn. Mọi doanh nghiệp phải ganh đua để tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng”, ông Soelistyo, Chủ tịch Go-Jek nói.