CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (MTM) đã công bố BCTC quý 2/2017 và văn bản giải trình trong đó có nhiều “nỗi niềm” xoay quanh vấn đề liên quan đến công nợ hiện nay của công ty.
Quý 2 không SXKD, lỗ 859 triệu đồng
Trong quý 2/20017, Công ty không có hoạt động SXKD, không phát sinh doanh thu nhưng vẫn phát sinh chi phí như khấu hao TSCĐ, chi phí quản lý và chi phí khác dẫn đến lỗ 859 triệu đồng. Nguyên nhân lỗ là do trong kỳ Công ty chỉ tập trung vào công tác đòi nợ, đối chiếu công nợ, làm việc với các cơ quan chức năng về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty.
Tuy nhiên, tất cả các đối tượng công nợ đều từ chối xác nhận công nợ với cùng một lý do là chỉ mua hóa đơn của MTM để hợp thức hóa chi phí đầu vào chứ không có mua bán hàng hóa kèm theo, nên không có cơ sở đòi nợ. Đặc biệt, có một số đối tượng công nợ đã tự xóa nợ với MTM bằng thủ thuật viết phiếu chi khống để trả nợ cho MTM như CTCP đầu tư và phát triển doanh nghiệp Việt Nam (FID) số tiền gần 30 tỷ đồng và Công ty cổ phần đầu tư VCI Việt Nam (Công ty có quan hệ mật thiết với FID) số tiền 60 tỷ đồng.
Có liên đới với hàng loạt công ty khoáng sản như KHB, KSK, KTB, PTK, KHL…
Toàn bộ dòng tiền vốn góp của MTM là 268,4 tỷ đồng thì có 120 tỷ đồng chuyển sang TCT CP KS và LK Bắc Cạn rồi rút ra với danh nghĩa đầu tư, góp vốn, có 60 tỷ đồng chuyển sang Công ty cổ phần đầu tư VCI Việt Nam (một Công ty có quan hệ mật thiết với FID) với danh nghĩa tạm ứng/ trả trước tiền mua hàng rồi rút ra và phần còn lại chuyển sang FID rồi rút ra với danh nghĩa mua quặng sắt, đá hạt. Thực chất FID xuất hóa đơn cho MTM (không có hàng hóa) nhằm mục đích rút ra vốn góp của MTM, đồng thời MTM có đầu vào để xuất hóa đơn đầu ra (không có hàng hóa) cho KHB, KSK, KTB, PTK, KHL… nhằm tạo công nợ ảo của MTM để lừa đảo khi bán chứng khoán MTM của nhóm người có liên quan.
MTM trước khi đăng ký giao dịch trên sàn Upcom chỉ là một doanh nghiệp nhỏ với quy mô vốn dưới 3 tỷ đồng và là chủ dự án đầu tư khai thác mò chì kẽm đa kim tại làng Món – Đồng Nang thuộc xã Hạ Sơn – Quỳ Hợp – Nghệ An. Đây là một dự án chỉ có trên giấy và đã hết hạn khai thác trước ngày 31/12/2014 do MTM không triển khai dự án. Tuy nhiên, một nhóm người có ý định lừa đảo là Ban lãnh đạo tại các Công ty như KSS-KTB- KSK-KHB-FID là các doanh nghiệp đang niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán đã mua lại MTM (lúc này chỉ là doanh nghiệp xác chết, không hoạt động) để xào xáo thành một MTM có quy mô vốn 310 tỷ đồng để đưa lên sàn chứng khoán nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư khi bán cổ phiếu MTM trên TTCK.
Để có được số liệu doanh thu, chi phí, vốn góp, tài sản của MTM tương ứng với quy mô vốn 310 tỷ đồng thì nhóm người trên đã câu kết với các đơn vị liên quan để xuất hóa đơn khống nhằm tạo số liệu công nợ phải thu, phải trả khống của MTM, các cá nhân này chính là cổ đông cũ hoặc những người được hưởng lợi khi bán cổ phiếu MTM.
Do đó, số liệu công nợ tại MTM và các đơn vị liên quan như FID, KSK, KHB, KTB, TPK … chỉ là công nợ ảo, công nợ không có thật do chỉ xuất hóa đơn mà không có hàng hóa kèm theo. Số liệu công nợ trong sổ sách kế toán của các đơn vị liên quan đến MTM chỉ là con số kế toán nhưng không có giá trị pháp lý để đòi nợ. Khi MTM đến đòi nợ thì các đơn vị liên quan chỉ cần dùng thủ thuật viết một phiếu chi tiền mặt khống cho MTM để xóa nợ như phiếu chi của FID là xong.
Nỗ lực đòi tiền cho cổ đông hiện hữu
Hiện nay, Công ty đã gửi hồ sơ đến Cơ quan An ninh điều tra (A92) – Bộ Công An đề nghị điều tra, khởi tố các nghi can đã có hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty số tiền là 159,756 tỷ đồng (gồm các ông Lê Văn Cương, Vũ Đại Dương, Dương Thị Vân, Thái Thị Hồng Thủy, Tống Thị Loan, Nguyễn Thu Trang, và Vũ Thị Vinh). Tuy nhiên, việc thu hồi toàn bộ số tiền chiếm đoạt trên với Ban lãnh đạo cũ là không thể, do đây chỉ chỉ là những người chịu trách nhiệm vì đứng tên trên các chứng từ rút tiền.
Khoản tiền vốn góp vào MTM là 268,4 tỷ đồng và đã kịp rút vốn ra là của một nhóm người khác (cụ thể là 23 người có tên trong danh sách cổ đông cũ trước khi cổ phiếu MTM được giao dịch). Khoản tiền bán cổ phiếu MTM mà 23 người này đã bán chứng khoán MTM cho các cổ đông hiện hữu trên sàn chứng khoán nếu được cơ quan An ninh điều tra (A92) kết luận là lừa đảo thì họ phải trả lại toàn bộ số tiền bán cổ phiếu MTM cho cổ đông hiện hữu hiện nay.
Việc thu hồi dòng tiền này về Công ty để trả lại cho Cổ đông hiện hữu là hoàn toàn có thể thực hiện được, vì dòng tiền mua bán cổ phiếu MTM là rõ ràng, có lịch sử giao dịch, có tên, có địa chỉ cụ thể lưu tại các Công ty chứng khoán.
Do đó, trong thời gian tới, Ban lãnh đạo Công ty sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra (A92) và các cơ quan chức năng để thu hồi số tiền lừa đảo, chiếm đoạt tài sản về cho các Cổ đông. Nếu cơ quan An ninh điều tra bỏ xót tội phạm, không điều tra, khởi tố các nghi can này thì Công ty sẽ bị mất trắng toàn bộ 159,756 tỷ đồng, dẫn đến KQKD năm 2017 sẽ lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ là 310 tỷ đồng.
Không thu được nợ, kế hoạch tương lai sẽ chỉ là “bánh vẽ”
Trong một công bố trước đó, MTM đã quyết định liên quan đến việc chuyển trụ sở công ty, đổi tên, tổ chức lại bộ máy, thu hồi công nợ. Mục tiêu đến cuối năm 2018 phải thu hồi được trên 100 tỷ đồng công ty và tài sản thiếu chờ xử lý; MTM sẽ dùng số vốn thu hồi được để mua bán, sáp nhập 1 – 2 công ty trong ngành chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng và bao bì giấy; mua 1 công ty trong nhóm ngành xây dựng, tư vấn xây dựng; mua 1-2 công ty trong ngành sản xuất, buôn bán đồ nội thất, điện gia dụng và văn phòng.
Đồng thời cũng mua 1-2 công ty về chăn nuôi, trồng trọt; tương tự cho nhóm ngành dịch vụ nhà khách, nhà hàng. Ngoài ra, công ty phấn đấu trở thành Công ty đại chúng có uy tín, tỷ lệ cổ tức trả hàng năm là trên 5% từ năm 2020 trở đi. Tuy nhiên tất cả sẽ chỉ là “bánh vẽ” nếu khoản nợ trên không được thu hồi.