Thị trường chứng khoán khởi sắc và từng bước trở lại thời kỳ hoàng kim với thanh khoản tăng 60% cùng kỳ năm trước được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận cho các CTCK.
Dường như nhận ra được điều này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh dạn đầu tư vào các CTCK Việt Nam. Mới đây nhất chúng ta cho thể thấy những nhà đầu tư đến từ Trung Quốc bắt đầu những chiến dịch ‘thâu tóm’ mở rộng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.
Mới đây, Công ty cổ phần chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) đã tổ chức ĐHCĐ bất thường thông qua việc Miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT, bầu Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ (2017-2022). Theo đó HĐQT IVS miễn nhiệm Thành viên & Chủ tịch HĐQT đối với ông Nguyễn Duy Toại, bầu Chủ tịch mới thay thế nhiệm kỳ năm 2017 – 2022 là ông Hao Dan – Quốc tịch Trung Quốc. Ông Hao Dan là một cổ đông chiến lược mới đền từ Tập đoàn đầu tư Hồng Triết Thượng Hải, đây là tập đoàn quản lý nhiều Quỹ đầu tư khá lớn tại Trung Quốc với quy mô vốn lên đến hàng trăm triệu USD.
Trước đó vào thời điểm năm 2013, IVS được cho là nhận chuyển 10.000 tài khoản nhà đầu tư từ Chứng khoán Tràng An (TAS). Trong số các tài khoản chứng khoán chuyển sang IVS này số lượng nhà đầu tư đến từ Trung Quốc là rất lớn do ông Dương Hiểu Đông, Chủ tịch TAS là người Trung Quốc.
Bên cạnh IVS chúng ta còn có thể kể đến CTCK Hòa Trung Việt Nam (HZS). HZS có vốn điều lệ hơn 75 tỷ đồng (tương đương 3,3 triệu USD) và đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn Hoà Trung (Bắc Kinh, Trung Quốc). Trước đây, HZS chính là Công ty chứng khoán Tầm Nhìn và đã được các cổ đông của Tập đoàn Hòa Trung mua lại. Dự kiến năm 2019, HZS tiếp tục tăng vốn điều lệ lên một mức mới nhằm đẩy mạnh quy mô hoạt động với các nghiệp vụ chứng khoán như môi giới, tư vấn M&A và tham gia vào thị trường phái sinh…
Bài học từ các CTCK vốn Hàn Quốc
Nhắc đến nhà đầu tư nước ngoài góp vốn hay thâu tóm CTCK Việt Nam phải kể đến Hàn Quốc. Đã có một khoảng thời gian nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc dồn dập đổ bộ thâu tóm các CTCK Việt Nam khi nhận ra được sự ‘màu mỡ’ của thị trường này. Các CTCK này có thể kể đến là Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV), CTCK Woori CBV, CTCK KIS Việt Nam…
Tuy nhiên, sau những kỳ vọng và hào hứng ban đầu thì các công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc lại khá chật vật trên thị trường chứng khoán Việt Nam do không hiểu thị trường nội địa như các công ty chứng khoán trong nước. Trong số các công ty kể trên thì KIS có lẽ là sáng sủa nhất nhưng so với CTCK top trên thì lại không đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2017, KIS lãi sau thuế gần 7 tỷ đồng, giảm đến 86% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân trước mắt có thể nhìn thấy rõ nhất là việc các CTCK được thâu tóm thì phần lớn có quy mô khá nhỏ, mạng lưới khách hàng còn yếu kém, bên cạnh đó, bộ máy của các ông chủ mới chưa kịp thể hiện gì nhiều trong bối cảnh phân khúc này ngày càng có sự tách biệt giữa các CTCK lớn và nhỏ. Thị phần môi giới thì top 10 CTCK trong 6 tháng đầu năm 2017 đã chiếm đến chiếm 69,65% thị phần cả nước, các CTCK còn lại “chia sẻ” 31,53% thị phần, chỉ riêng điều này cũng có thể nói lên việc CTCK nhỏ đang gặp khó khăn như thế nào.
Như vậy, để có được thành công nhất định thì các ông ‘chủ’ đến từ Trung Quốc nói riêng và nhà đầu tư ngoại nói chung sẽ còn rất nhiều điều phải làm mới có thể giúp các CTCK nhỏ này nâng cao vị thế trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện nay.