Sau gần 7 thập kỷ chia cắt, kinh tế Triều Tiên – Hàn Quốc khác nhau như thế nào?

Những ngày qua thế giới lại dậy sóng vì những vụ thử tên lửa, bom nhiệt hạch và cả những phát ngôn mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Chính phủ của Tổng thống mới lên nắm quyền ở Hàn Quốc Moon Jae-in liên tục tuyên bố sẽ sử dụng cả các lệnh cấm vận và những cuộc đối thoại để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Ngày 25/6/1950, chiến tranh Triều Tiên chính thức nổ ra, chia cắt bán đảo Triều Tiên thành 2 miền Nam Bắc. Cho đến nay, tức 67 năm sau, hòa bình vẫn chưa thực sự trở lại. Triều Tiên và Hàn Quốc rẽ theo 2 hướng ngược chiều nhau và trở nên khác nhau hơn bao giờ hết.

Những biểu đồ dưới đây sẽ cho thấy sự khác biệt ấy cũng như chỉ ra những thách thức và cả lợi ích trong trường hợp 2 miền Triều Tiên thống nhất, dù viễn cảnh thống nhất vẫn còn khá xa vời khi mà cả hai bên cũng như những nước có tác động lớn đến khu vực (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ) đều chưa đạt được đồng thuận.

Nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất, tổng số dân sẽ lên đến 76 triệu người, hứa hẹn mang lại sự thịnh vượng nhiều hơn (ít nhất là trong dài hạn). Dân số của Hàn Quốc đang bị già hóa và ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, trong khi Triều Tiên có dân số khá trẻ và cũng có tỷ lệ sinh cao hơn. Tuy nhiên, người dân Triều Tiên không được hưởng chế độ y tế tốt bằng người Hàn Quốc.

Khoảng cách kinh tế giữa hai miền bán đảo Triều Tiên ngày nay lớn hơn rất nhiều so với khoảng cách giữa Đông Đức và Tây Đức khi bức tường Berlin sụp đổ. Tình hình sẽ càng tồi tệ hơn trong năm nay bởi vì Triều Tiên đang chịu sức ép cấm vận từ cộng đồng quốc tế và còn gặp phải hạn hán.

Một báo cáo được Hàn Quốc công bố năm 2015 ước tính kể cả trong kịch bản 2 miền thống nhất vào năm 2026 và trước đó Seoul đã tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng, sẽ tốn khoảng 2.800 tỷ USD để đẩy tăng GDP của Triều Tiên lên mức bằng 2/3 GDP của Hàn Quốc. Con số này lớn gấp 8 lần ngân sách của Hàn Quốc cho năm tài khóa 2017.

Triều Tiên là nước rất giàu tài nguyên thiên nhiên với đủ loại từ than đá đến đất hiếm. Nguồn tài nguyên này sẽ hỗ trợ tốt cho ngành công nghiệp của Hàn Quốc.

Xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng ở Triều Tiên sẽ là 1 thách thức khổng lồ. Hệ thống đường sắt ở đây quá cũ kỹ trong khi đường cao tốc thì khá hiếm hoi. Tuy nhiên đây sẽ là 1 cơ hội tuyệt vời cho các công ty xây dựng của Hàn Quốc, đồng thời tạo ra 1 lượng việc làm lớn cho người Triều Tiên.

Nếu 2 miền thống nhất, cả hai bên sẽ cắt giảm được 1 khoản lớn chi tiêu cho quân sự, chuyển sang đầu tư vào những lĩnh vực khác ví dụ như an sinh xã hội. Theo báo cáo được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố năm 2016, chi tiêu quân sự chiếm khoảng 14 đến 23% GDP của Triều Tiên trong giai đoạn 2004-2014. Đối với Hàn Quốc, tỷ lệ chỉ là 2,6% trong cùng kỳ.

“Vén màn” cuộc sống ở đất nước bí ẩn nhất thế giới

Bài viết mới