Sau 20 năm gia công cho Ý, Nhật, anh thợ miền Tây này quyết tâm khởi nghiệp: Bán giày 4 triệu cho người Việt không hề đắt, vì cái chúng tôi cạnh tranh là chất lượng

Từ lâu, sản xuất da giày luôn là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Thế nhưng, ngành công nghiệp da giày Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên gia công, thay vì có những thương hiệu dám đứng ra khởi nghiệp, tạo dựng tên tuổi riêng.

Bởi lẽ, ai cũng biết khởi nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là đi gia công cho các tên tuổi lớn. Đặc biệt là với dòng sản phẩm da giày thủ công – đòi hỏi phải có tay nghề cao, kỹ thuật tốt, nguyên phụ liệu chất lượng, người Việt Nam kém lợi thế so với các tên tuổi tại Nhật hay Châu Âu.

Không chấp nhận thực trạng đó, Lê Huy Tiến sau này đã quyết tâm khởi nghiệp với thương hiệu CNES – hiện đang là đơn vị sản xuất giày thủ công quy mô bậc nhất tại Việt Nam, với mong muốn đưa tên tuổi của người Việt tới đông đảo bạn bè quốc tế.

Chào anh Tiến, xin anh cho biết động lực nào đã thúc đẩy anh khởi nghiệp với thương hiệu giày Việt, sau hơn 20 năm gia công cho Ý, Nhật?

Bản thân tôi xuất phát điểm là một người thợ, tôi có cái đam mê của riêng mình. Mà đi gia công thì cả đời mình vẫn chỉ là người làm thuê, cái đam mê đó tất nhiên sẽ luôn bị giới hạn. Nên khởi nghiệp rồi, tôi có thể tự do sáng tạo, làm ra những sản phẩm của riêng mình.

Không biết các ngành nghề khác thế nào, chứ riêng ngành đóng giày thủ công, tôi thấy tay nghề và trình độ người Việt chẳng hề thua kém Nhật, hay Ý. Nhưng tới giờ, chúng ta vẫn chưa có một thương hiệu thực sự mạnh của Việt Nam được đông đảo bạn bè quốc tế biết tới. Cho nên, tôi muốn thử sức với CNES, để kiểm chứng xem thực lực của mình tới đâu.

Khởi nghiệp luôn là một cuộc chơi đầy rủi ro, vậy anh đã lường được hết những khó khăn sẽ gặp phải chưa?

Tôi cho rằng, dù là gia công giày, hay khởi nghiệp đều có những khó khăn riêng. Trước đây, khi đi gia công giày cho người nước ngoài, tôi luôn phải đau đầu về vấn đề tài chính. Vì máy móc hầu như phải đầu tư liên tục, mà giá thành của những trang thiết bị như vậy luôn rất đắt đỏ. Hết huy động vốn từ gia đình, tôi còn phải chạy vạy mượn tiền bạn bè, bà con để làm.

Còn bây giờ, khi xưởng giày thủ công đã hoạt động tốt rồi, tôi phải đối mặt với một bài toán khác, đó là cân đối giữa số đơn hàng và năng lực sản xuất. Bởi trong ngành giày, quan trọng nhất là luôn duy trì được số đơn hàng ổn định. Thiếu đơn hàng đồng nghĩa nhân công sẽ nhàn rỗi, mình phải bù tiền. Mà không có việc lâu ngày họ sẽ nghỉ, nghỉ rồi tìm lại người rất khó. Bởi để đào tạo được một lứa thợ có tay nghề, trình độ cao, có khi phải mất tới 1-2 năm.

Doanh nhân Lê Huy Tiến tại xưởng giày đặt tại huyện Hóc Môn

Doanh nhân Lê Huy Tiến tại xưởng giày đặt tại huyện Hóc Môn

Vậy anh đã giải quyết bài toán này thế nào?

Chúng tôi trước nay có 2 hướng đi vẫn luôn duy trì. Một là nhận các đơn hàng trong nước, với mục đích đào tạo tay nghề cho thợ. Thời điểm ban đầu, tôi bán trong nước không được nhiều. Sau này, khi thu nhập của người dân đi lên, họ nhận thức được việc ăn ngon mặc đẹp, doanh số mới có dấu hiệu khởi sắc. Khởi nghiệp với giày thủ công CNES, chính là tôi muốn đẩy mạnh thị trường trong nước.

Hướng thứ hai, vẫn là hướng chủ đạo – gia công cho nước ngoài. Bạn hàng của chúng tôi là các thương hiệu giày của Nhật, Ý, Châu Âu nói chung. Về hướng đi này, tôi có phần yên tâm hơn, vì đây đều là các bạn hàng lâu năm, họ có chữ tín và rất tôn trọng mình.

Nhìn chung, khi kết hợp hai hướng đi này, xưởng hoạt động ổn, doanh số, đơn hàng về đều, nhân công không bị rơi vào tình trạng nhàn rỗi, không có việc để làm. Tôi tạm lấy đó làm hài lòng.

Làm ăn lâu với các đối tác nước ngoài vốn khó tính, chắc hẳn anh đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm?

Đúng vậy. Các khách hàng nước ngoài rất khó tính. Đặc biệt là khách Nhật. Cái họ muốn không phải là một đôi giày thủ công thông thường, mà là sự hoàn hảo, mọi thứ phải chuẩn, phải đúng, phải chỉn chu trong từng khâu.

Trong khi đó, khách Châu Âu sẽ dễ tính hơn một chút. Vì cái họ hướng tới là tính thời thượng, nên sản phẩm có lỗi nhỏ vẫn có thể bỏ qua.

Nhờ đó, mình học được cả 2 điểm tốt của các bạn hàng. Người Nhật rèn cho mình sự kĩ càng, tỉ mỉ. Còn người Châu Âu thì cho mình tư duy về làm thời trang, làm thế nào để sản phẩm hợp thời và bắt kịp xu hướng. Họ đặt hàng là mình biết thế giới đang chạy theo trào lưu gì, mình làm theo và họ cũng không hề giấu diếm.

Với chừng ấy thời gian, có vẻ như anh đang sở hữu rất nhiều lợi thế khi tiến vào thị trường Việt Nam với thương hiệu giày CNES?

Tôi nghĩ không hẳn như vậy. Việt Nam là quê nhà, nhưng với CNES lại chẳng khác nào sân khách. Vì kinh nghiệm bán hàng của chúng tôi ở thị trường giày thủ công Việt Nam gần như bằng không. Nhất là khi sản phẩm của CNES được đặt ở tầm giá cao, khoảng 2-4 triệu đồng một đôi.

Cái tên CNES ở thời điểm hiện tại còn khá mới mẻ, chưa nhiều người biết đến. Mà thói quen mua giày của phần đông người Việt là quan tâm nhiều tới mẫu mã, ít để ý tới kĩ thuật, chất lượng hay nguyên liệu.

Cùng một mẫu mã, các dòng giày đại trà ở Việt Nam có thể chỉ rẻ bằng một nửa chúng tôi. Rất khó để cạnh tranh về giá. Mà nói về chất lượng, thì càng khó để người ta tin tưởng. Vì chỉ có thời gian mới khẳng định được điều này.

Một mẫu giày đặc trưng của thương hiệu khởi nghiệp CNES do Lê Huy Tiến sáng lập

Một mẫu giày đặc trưng của thương hiệu khởi nghiệp CNES do Lê Huy Tiến sáng lập

Vậy theo anh, CNES cần bao nhiêu thời gian để khẳng định được giá trị của mình?

Rất khó để trả lời một mốc thời gian cụ thể. Nhưng nếu nói về sản phẩm, tôi cho rằng, chỉ cần đi một đôi giày từ 2-3 năm là người tiêu dùng sẽ nhận ra được giá trị thật. Sau từ 2-3 năm, nếu đôi giày không hư hỏng gì, đó hẳn là một đôi giày tốt. Mà đi không hư thì người ta sẽ tin tưởng.

Ở CNES, chúng tôi thậm chí tạo ra những đôi giày đi 10 năm cũng không sao, là loại chuyên dùng cho các buổi tiệc. Khi đã trải nghiệm rồi, người ta sẽ nhận ra một đôi giày tốt là một đôi giày bền bỉ với thời gian.

Do đó, tôi cho rằng, mức chi trả 2-4 triệu đồng cho một đôi giày mà CNES bán ra không hề đắt. Giày CNES sử dụng da bê của Pháp, được nhập từ chính 2 xưởng thuộc da của thương hiệu Hermes – thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới, nên chất lượng thực sự tốt.

Thu nhập của người dân đang ngày một cao hơn. Thêm nữa, cũng không ai mua giày thủ công liên tục, một năm mới mua một đôi. Tính ra, khoản chi trả này vẫn rẻ hơn quần áo, mỗi tháng bạn chỉ cần trích ra khoảng 200.000 đồng là mua được một đôi giày.

CNES làm giày thủ công, lại hướng tới dòng sản phẩm đắt tiền, anh có đang tự làm khó mình? Tại sao anh không chọn những hướng đi dễ thở hơn, như các sản phẩm đại trà đang bán trên thị trường?

Đầu tiên, tôi khởi nghiệp với thương hiệu CNES vì tôi là người yêu giày, muốn làm các sản phẩm chất lượng và hoàn hảo. Nhưng lực mình yếu nên phải biết tự lượng sức, chỉ tập trung làm số lượng vừa phải, cần tỉ mỉ.

Trong ngành giày, dù là sản xuất dòng sản phẩm cao cấp, hay sản phẩm đại trà đều cần bỏ vốn ra rất nhiều. Cho nên, chỉ các ông lớn có tiềm lực mạnh mới làm được. Bản thân máy móc chuyên dụng cũng đầu tư rất tốn kém. Mình có đam mê, có yêu thích tới mấy cũng không dám đầu tư như vậy.

Nên thực ra làm giày thủ công là dễ cho mình. Càng làm sẽ càng bền. Và bền nhất là làm dòng sản phẩm cao cấp, truyền thống, vì người ta đi mãi cũng có bỏ đâu. Còn dòng giày đại trà thì có tính cạnh tranh cao hơn, mình làm được, họ cũng làm được.

Nói vậy có nghĩa anh sợ phải cạnh tranh với các thương hiệu khác?

Tôi cho rằng cạnh tranh là điều tốt, vì có cạnh tranh mới có những sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng. Cạnh tranh ở đây có thể là về nghiên cứu mẫu mã, về chất lượng, về giá thành… Có một thực tế là người tiêu dùng đang ngày một thông thái hơn. Họ sẽ biết được sản phẩm nào thực sự tốt để mà lựa chọn. Và chỉ có cạnh tranh mới giúp bạn tạo ra các sản phẩm tốt hơn được.

Bí quyết ở đây là gì, thưa anh?

Ngày tôi còn bôn ba ở Nhật, thầy của tôi từng dạy rằng, làm giày thủ công thì khâu phức tạp nhất là quản trị, đặc biệt là con người. Làm tốt yếu tố này, sản phẩm sẽ tự khắc tốt lên.

Điều này có nghĩa, anh là chủ xưởng, anh phải làm sao cho người thợ của mình được thoải mái nhất, đưa ra mức sống, mức thu nhập tốt là giữ được người lâu. Điểm mấu chốt là anh phải trả công đúng với thực lực của họ, cho họ môi trường tốt để làm việc.

Tôi biết, làm ngành giày thủ công sẽ cực hơn các ngành khác, nên nhiều người bỏ dở là điều dễ hiểu. Ban đầu, người làm việc ở xưởng nghỉ nhiều lắm. Nhưng kể từ giai đoạn 2008, tôi tách ra làm riêng, đầu tư trang thiết bị, đầu tư vào môi trường cho họ, nên họ theo nhiều lắm.

Giờ cứ khâu làm việc nào ít bụi bặm, ít tiếng ồn là tôi tống họ vào phòng máy lạnh làm việc hết. Nhiều người thấy làm việc ở xưởng mát, họ ngủ lại luôn. Thậm chí, họ kiếm thêm việc để làm, vừa tăng ca, vừa có thêm thu nhập, lại vừa mát, ai chả thích.

Xưởng giày của Lê Huy Tiến hiện có trên 150 nhân công, cho năng suất 300 đôi giày thủ công mỗi ngày

Xưởng giày của Lê Huy Tiến hiện có trên 150 nhân công, cho năng suất 300 đôi giày thủ công mỗi ngày

Người thợ theo anh như vậy, anh có truyền nghề cho họ?

Tất nhiên là tôi truyền nghề chứ. Bởi làm thủ công, mình phải dạy họ, cho họ tài liệu, nắm được quy trình, thì họ mới sản xuất được. Hầu như làm giày thủ công có kĩ thuật gì, tôi đều truyền cho đội ngũ bên dưới hết.

Nhiều người sợ mất nghề, chứ tôi thì không. Vì mình không làm thì sẽ có người khác làm, ngành giày thủ công này cũng rộng lắm. Nhân viên của tôi ai ra làm riêng được tôi càng mừng cho họ.

Tôi cho rằng, tư tưởng giữ nghề không còn hợp với thời đại này nữa. Nếu ai cũng giữ bí kíp gia truyền, thì không thể làm lớn được. Vì cái gì cũng giữ cho mình, thì ai sẽ là người làm. Tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều đối tác, mình cần kinh nghiệm, kĩ thuật gì họ cũng truyền cho mình hết. Rồi mình lại đem những kiến thức đó truyền lại cho anh em bên dưới.

Đây có phải là lý do anh tự tin khởi nghiệp với thương hiệu giày CNES tại Việt Nam?

Như tôi đã nói, làm giày thủ công thì khâu phức tạp nhất là quản trị, đặc biệt là con người. Làm tốt được khâu này, mình có thể tạm yên tâm một phần.

Phần còn lại là năng lực của bản thân. Như xưởng của tôi đặt tại huyện Hóc Môn, có thể sản xuất được 300 đôi giày thủ công mỗi ngày. Năng lực sản xuất như vậy trên thế giới rất hiếm. Mỗi nước thường chỉ có 1-2 công ty làm được.

Với năng lực hiện có, tôi tin rằng tương lai của CNES sẽ khả quan, nhất là khi hệ thống đại lí sắp tới sẽ được mở rộng trên nhiều tỉnh thành. Mục tiêu của tôi là đi đến tỉnh nào, người ta cũng mua được giày CNES, nhưng đó là tương lai xa. Còn ở thời điểm này, TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Nha Trang sẽ là những thị trường chính.

Tới giờ tôi vẫn nhớ như in câu nói của thầy giáo người Nhật: chất lượng luôn chiến thắng.

Theo tôi, chất lượng chính là yếu tố quyết định sự thành bại của một công ty khởi nghiệp. CNES ngày hôm nay có thể bé nhỏ, có thể theo chân, học theo các bạn hàng nước ngoài, có thể chịu lép vế, nhưng tôi tin chất lượng sẽ đưa chúng tôi đến với thành công.

Xin cảm ơn anh. Chúc anh sẽ thành công với dự định của mình trong tương lai!

Cha đẻ cuốn ‘Quốc gia khởi nghiệp’ và CEO DesignBold chỉ ra điều Chính phủ nào cũng nên làm để cộng đồng startup phát triển lớn mạnh

Bài viết mới