Sau 15 năm, Trung Quốc mới sắp có Thống đốc Ngân hàng Trung ương mới

Trung Quốc có thể sắp bổ nhiệm vị Thống đốc mới đầu tiên sau 15 năm của Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC). Hãng tin CNBC cho rằng, người được chọn cho “ghế nóng” sẽ thể hiện những dự định của Bắc Kinh đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong những năm tới.

Ông Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc PBoC, được cho là sắp về hưu. Ông đã nắm giữ cương vị này từ năm 2002, trở thành vị Thống đốc cầm quyền lâu nhất trong số lãnh đạo ngân hàng trung ương của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20). Trong thời gian ông Chu làm Thống đốc PBoC, Trung Quốc đã trải qua 3 đời Chủ tịch nước và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng trải qua 3 đời Chủ tịch.

Một trong những thành tựu lớn nhất của Thống đốc Chu Tiểu Xuyên là chấm dứt sự neo buộc trực tiếp của tỷ giá đồng Nhân dân tệ vào đồng USD, theo đó cho phép các lực lượng thị trường đóng một vai trò lớn hơn trong việc xác định tỷ giá đồng tiền của Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Chu, năm nay 69 tuổi, cũng thúc đẩy đồng Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền được sử dụng rộng rãi hơn trên thế giới và được công nhận là một đồng tiền dự trữ. Đôi khi, ông Chu gây tranh cãi vì sự ủng hộ mà ông dành cho cải cách tài chính – điều khiến ông trở thành một người có lối nghĩ bạo dạn trong hàng ngũ các quan chức cấp cao của Trung Quốc.

Ông Chu, một người có bằng kỹ sư và thạo tiếng Anh, được giới tài chính quốc tế nể trọng. “Ông ấy có một hình ảnh quốc tế, nhờ sự trấn an mà ông ấy đã dành cho thị trường quốc tế. Mọi người đều nghĩ ông ấy rất đáng tin cậy và luôn lắng nghe ông ấy”, giáo sư chính trị Trung Quốc Kerry Brown thuộc trường King’s College ở London nhận xét.

Gần đây, Bắc Kinh đã siết chặt kiểm soát tỷ giá đồng Nhân dân tệ để ngăn biến động thị trường và rủi ro tài chính. Những lời kêu gọi Trung Quốc cải cách thị trường tài chính vẫn còn đó, nhưng các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang xác định xem cách làm nào là tốt nhất. Theo ông Andrew Polk, chuyên gia kinh tế thuộc công ty nghiên cứu Trivium China có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc đang “mất dần niềm tin vào mô hình của phương Tây, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”.

Không giống như ngân hàng trung ương ở các nước phương Tây, PBoC không có toàn quyền quyết định chính sách. Thay vào đó, Hội đồng Nhà nước, cơ quan điều hành cấp cao nhất của nước này, đưa ra tiếng nói cuối cùng. Tuy vậy, PBoC thực sự đã trở nên độc lập hơn dưới thời Thống đốc Chu Tiều Xuyên.

Trong số các ứng cử viên thay thế ông Chu, có hai gương mặt tiêu biểu là ông Guo Shuqing, người hiện người hiện đứng đầu Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc, và ông Jiang Chaoliang, người giữ chức Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc từ tháng 10 năm ngoái. Ngoài ra, danh sách ứng viên còn có ông Liu Shiyu, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, và ông Yi Gang, Phó thống đốc PBoC.

Trong đó, ông Jiang có thế mạnh là ảnh hưởng chính trị, nhưng ông Guo lại thạo tiếng Anh và được giới tài chính quốc tế biết đến nhiều hơn.

Tham vọng bá chủ ngành ô tô toàn cầu của Trung Quốc

Bài viết mới