Dính kiện cáo khi mang đất hết hạn cho thuê
Thông tin được đưa ra tại bản cáo bạch công bố thông tin doanh nghiệp cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam tháng 3/2016.
Hai trong số 4 khu đất mà VFS đang nắm giữ dính tranh chấp về việc cho thuê lại đất đai với cá nhân và công ty khác.
Cụ thể, khu đất số 4 Thuỵ Khuê đến năm 2002 đã hết hạn thuê đất theo hợp đồng số 561 – 245 được kí ngày 30/12/1999 với diện tích 5443,5 m2.
Tuy nhiên, dù sắp hết hạn thuê đất, VFS vẫn ký hợp đồng cho thuê Nhà in tráng từ năm 2002 đến năm 2006 và vào tháng 7/2003 là hợp đồng cho thuê Nhà thủy phi cơ có thời hạn đến năm 2008 với bà Nguyễn Lệ Thủy (trú tại số 10 Thụy Khê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ).
Sau đó, hai hợp đồng này được ký gộp thành một Phụ lục Hợp đồng cho thuê nhà số 129/HĐ ngày 17/7/2006 với thời hạn thuê nhà đến ngày 1/1/2018. Trong khi đó, từ năm 2003 đến nay, VFS chưa có quyết định cho thuê đất và hợp đồng thuê đất tại khu đất này.
Mang đất cho thuê đi thuê lại, đến 6/6/2013, VFS phải kiện chính cá nhân sử dụng đất của mình để “đòi nhà đất cho thuê và thanh toán tiền nợ gốc và tiền lãi chậm trả”. Bởi trong quá trình thuê nhà tráng in, bà Thủy đã vi phạm hợp đồng thuê, nợ tiền nhà trên 25 tháng liên tiếp với tổng số tiền nợ đọng tính đến ngày 30/09/2014 là gần 4 tỷ đồng.
Chỉ rõ VFS sử dụng đất không đúng mục đích, tháng 12/2012, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có công văn số yêu cầu VFS thu hồi diện tích nhà Thủy phi cơ để sử dụng đúng múc đích ban đầu. VFS đã yêu cầu bà Thủy chấm dứt hợp đồng vì lý do khách quan và cam kết bồi thường thiệt hại cho bà Thủy do việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê đối với nhà Thủy phi cơ. Tuy nhiên, bà Thủy chưa chấp nhận và sự việc vẫn treo đấy, chưa được giải quyết.
Khu đất vàng số 4 Thụy Khuê của VFS. (Ảnh: Vietnamnet).
Với khu đất số 6 Thái Văn Lung, TP.HCM, theo cáo bạch của VFS, khu đất này do VFS thuê của TP HCM với diện tích 1.208,7 m2 tới 31/12/2007 theo Hợp đồng thuê được kí vào năm 2003.
Ngay khi ký hợp đồng thuê đất, ngày 17/7/2003, VFS đã kí hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Xây dựng thương mại và du lịch Sài Gòn. Dù VFS chỉ được thuê đất tại số 6 Thái Văn Lung tới 2007 nhưng thời hạn của hợp đồng hợp tác kinh doanh này lên tới 30 năm.
Theo đó, VFS góp vốn bằng quyền sử dụng khuôn viên số 6 Thái Văn Lung còn Công ty TNHH Xây dựng thương mại và du lịch Sài Gòn lo nguồn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất để kinh doanh các hoạt động dịch vụ văn hóa tổng hợp và tổ chức các hoạt động dịch vụ giao lưu văn hóa. Quyền lợi của VFS trong hợp đồng hợp tác kinh doanh là được hưởng lãi chia hàng tháng tối thiểu không dưới 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tại khu đất số 6 Thái Văn Lung có 2 khối nhà gồm một khối nhà 4 tầng trên diện tích 74 m2 do VFS xây dựng, nằm ở một phần mặt tiền, dùng làm phòng dựng phim, phòng lồng tiếng, phòng nghỉ cho đạo diễn… Khối nhà 11 tầng trên diện tích 1.134 m2 do Công ty TNHH Xây dựng, thương mại và du lịch Sài Gòn xây dựng và cho 20 đơn vị (có cả nước ngoài) thuê làm văn phòng.
Giữa VFS và Công ty TNHH Xây dựng, thương mại và du lịch Sài Gòn đã xảy ra bất đồng khi thực hiện hợp đồng thuê đất này. Trong công văn số 5386/BTC-QLCS tháng 4/2014, Bộ Tài chính đề nghị giao 1 phần diện tích đất cụ thể là khối nhà 11 tầng cho Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Du lịch Sài Gòn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tuy nhiên, do sử dụng không đúng mục đích, TP. HCM đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao lại toàn bộ khu nhà, đất số 6 Thái Văn Lung cho thành phố quản lý và cho VFS và Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Sài Gòn thuê, để chờ thực hiện theo quy hoạch chung của Thành phố.
Hai khu đất khác của VFS ở Hoàng Hoa Thám và Đông Anh (Hà Nội) được đồng ý tiếp tục quản lý và sử dụng. Tuy nhiên đến nay, đơn vị này vẫn chưa hoàn thiện giấy tờ, thủ tục pháp lý với các khu đất nói trên.
Bên cạnh đó, thông tin từ VFS cũng cho biết đơn vị này hiện còn phải trả tiền thuê đất hơn 2,8 tỷ đồng tại số 4 Thụy Khuê và 584 triệu đồng tại số 6 Thái Văn Lung. Nhưng vào tháng 12/2015, Chi Cục Thuế Quận Tây Hồ gửi văn bản yêu cầu VFS nộp tiền thuê đất hơn tổng số hơn 5,7 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, trong đó tiền thuê đất hơn 4,4 tỷ đồng và số tiền chậm nộp hơn 1,3 tỷ đồng. Đặc biệt, Cục Thuế chỉ ra số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế nợ thế tới hơn 4,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, VFS chưa đồng ý với số liệu đưa ra của Chi Cục thuế Quận Tây Hồ, vì vậy, đang có ý kiến đối với Cơ quan có thẩm quyền để xem xét miễn giảm số tiền thuê đất truy thu trên.
Vi phạm Luật đất đai
Với thực trạng đất đai tại VFS, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng đơn vị này đã vi phạm Luật Đất đai khi cho thuê lại với mục đích sử dụng khác nhà nước giao ban đầu.
Trả lời trong cuộc họp báo về Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mới đây, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, theo quy định doanh nghiệp nhà nước chỉ được sử dụng đất đai trong ngành nghề chính, không được dùng để kinh doanh ngành khác trừ khi có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng khác.
Phó Cục trưởng cho rằng vấn đề tại VFS phải chiếu theo Luật Đất đai. Để hết thời hạn thuê đất và xảy ra tranh chấp là trách nhiệm của địa phương trong quản lý đất đai. “Nếu mảnh đất đó không đủ giấy tờ hợp pháp phải trả về cho địa phương, không được đưa vào phương án cổ phần hóa”, ông Tiến nêu quan điểm.
Đại diện Bộ Tài chính cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch – Bộ chủ quản của VFS trong việc quản lý tài sản tại đơn vị này. Tới đây, Luật về quản lý tài sản công sẽ quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bên liên quan.
Riêng trường hợp sử dụng đất của VFS, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết TP Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra và sẽ sớm có kết luận.
Vấn đề cổ phần hóa tại VFS, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa giao Thanh tra Chính phủ thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/12.