Sacomreal dựa vào đâu để “ngồi cùng bàn” với các đại gia bất động sản khu công nghiệp?

Nắm hơn 1.000ha đất trong tay

Để có thể kinh doanh BĐS khu công nghiệp, điều kiện tuyên quyết phải kể đến là quỹ đất. Trên thực tế, hiện có rất nhiều ông lớn trong ngành đã, đang tiếp tục gia tăng quỹ đất trong tương lai. Trong Top 10 đơn vị phát triển BĐS khu công nghiệp lớn nhất hiện nay đều là những tên tuổi có tiếng, có thể kể tới:

Ông trùm đất Bình Dương Becamex (BecamexIDC) hiện sở hữu hơn 18.500ha đất. Ngoài ra, Becamex còn sở hữu dự án khu đô thị Thành phố mới Bình Dương quy mô tới 4.200ha.

Sonadezi (SNZ) hiện cũng đang sở hữu 2 khu công nghiệp (KCN) quy mô lớn là KCN Biên Hòa 1 quy mô 335 ha, KCN Biên Hòa 2 quy mô 365 ha. Chưa hết, Sonadezi còn tham gia đầu tư một số KCN lớn khác như: KCN Amata quy mô 361 ha, KCN Gò Dầu 184 ha, KCN – Đô thị Châu Đức (Bà Rịa, Vũng Tàu) quy mô 2,200 ha…

Idico hiện cũng đang kinh doanh và vận hành tới 10 KCN trên địa bàn cả nước, trong đó 2 KCN gần sát sân bay Long Thành là Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 5 (Đồng Nai).

Hay đại gia Tín Nghĩa cũng nắm trong tay gần 736 ha đất KCN, tập trung tại KCN Nhơn Trạch 3, KCN Tân Phú, KCN Tam Phước và KCN Biên Hòa. Ngoài ra, Công ty đang triển khai dự án đầu tư đối với 1,390 ha đất.

Một đơn vị mới chào sàn, KCN Hiệp Phước (HPI) với quỹ đất tính đến nay đã xấp xỉ 2,000 ha. Đồng thời, Công ty cũng định hướng tham gia vào các dự án tại Long An với giá trị đầu tư dự kiến từ 500-1,000 ha tại Cần Giuộc, Long An…

Diện tích quỹ đất của một số doanh nghiệp kinh doanh BĐS KCN (đơn vị: héc – ta)

Và với Sacomreal, sau một thời gian dài tích lũy, mới đây Chủ tịch Phạm Điền Trung có tiết lộ quỹ đất Công ty hiện đã vượt 1.000 ha, gồm: Phú Quốc (150 ha), Tây Ninh (34 ha), Đà Nẵng (50 ha), Long An (50 nền biệt thự)… Trong đó, Phú Quốc và Tây Ninh được Sacomreal lựa chọn để phát triển KCN.

Như vậy, đặt lên bàn cân thì quỹ đất của Sacomreal vẫn còn khá khiêm tốn so với nhiều ông lớn. Mặc dù vậy, Sacomreal cũng có thể “ngồi cùng bàn” với nhiều đại gia khác, được xếp vào top những doanh nghiệp kinh doanh BĐS KCN có quỹ đất lớn hàng đầu hiện nay, tương đương với diện tích sở hữu bởi Saigon Invest Group, Kinh Bắc (KBC), Viglacera hay VID Group của đại gia Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Sacomreal và Thành Thành Công là người một nhà

Thành Thành Công là một tập đoàn đa ngành, từ mía đường, du lịch, giáo dục, BĐS, kho bãi – logistic đến năng lượng… Trong lĩnh vực BĐS, hạt nhân của Thành Thành Công khá “đông đảo”, đóng vai trò chủ lực phải kể đến là Sacomreal, Toàn Thịnh Phát…

Thực chất Sacomrael và Thành Thành Công là người trong một nhà. Tính đến cuối 2016, tập đoàn này sở hữu 4,91% Sacomreal và sắp tới dự kiến nâng lên 36%. Hai cổ đông lớn của Sacomreal hiện là Đặng Hồng Anh (con trai ông Đặng Văn Thành – nắm 10.95% vốn) và Thuận Thiên (nắm 6.72% vốn) đều có quan hệ mật thiết với Chủ tịch Thành Thành Công là ông Đặng Văn Thành. Bà Huỳnh Bích Ngọc, vợ của ông Đặng Văn Thành là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị SCR, bà Đặng Huỳnh Ức My (con gái bà Ngọc và ông Thành) sở hữu 0,03% Sacomreal.

Hơn nữa, thời gian qua, Sacomreal cũng đã nhận chuyển nhượng CTCP KCN Thành Thành Công (TTC IZ) – đơn vị sở hữu, khai thác KCN Thành Thành Công Tây Ninh (quy mô 1,020 ha) và hợp tác với Công ty CJ Cầu Tre để thực hiện dự án tại Tân Phú có quy mô gần 10 ha.

Do đó, việc tập trung mở rộng quỹ đất nhiều năm trở lại đây cho thấy toan tính lấn sân sang BĐS KCN đã được Sacomreal thực hiện từ trước. Hồi tháng 4 năm ngoái, trong đợt IPO Tín Nghĩa, TTC Group cũng đã mua vào 35%, trở thành cổ đông lớn thứ hai của đơn vị BĐS KCN này.

Tại ĐHCĐ bất thường của Sacomreal mới đây, các cổ đông đã đồng ý để Thành Thành Công tăng sở hữu lên 36%, theo Chủ tịch Trung là “nhằm hướng đến mục tiêu dài hơi của Công ty trong việc có thể có thêm tiềm lực tài chính đầu tư vào phân khúc này”, tương lai gần Sacomreal cũng sẽ chính thức đổi tên thành TTC Land. Như vậy, sâu sa hơn có thể Sacomreal là nước cờ để Thành Thành Công đi vào phân khúc BĐS KCN?

Lợi thế song song với cảng

Là một đơn vị chuyên kinh doanh BĐS dân dụng với mức vốn hóa hiện khoảng 2.439 tỷ đồng, riêng nợ vay chiếm gần 2.000 tỷ, “chân ướt chân ráo” bước sang một lĩnh vực hoàn toàn mới và không dễ dàng, liệu Sacomreal sẽ có lợi thế cạnh tranh gì so với những đại gia đi trước?

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Phạm Điền Trung cho biết: “Mấu chốt của kinh doanh BĐS khu công nghiệp là phương tiện vận chuyển hàng hóa.

phamdinhtrung

Mấu chốt của kinh doanh BĐS khu công nghiệp là phương tiện vận chuyển hàng hóa, đây có thể xem là tiện ích quan trọng trong lĩnh vực này

Và đây cũng chính là lợi thế hiện tại Sacomreal, khi mà các vị trí kinh doanh BĐS khu công nghiệp theo kế hoạch của Công ty đều gần cảng. Như vậy, tận dụng lợi thế này sẽ khiến chi phí vận chuyển của Công ty được tiết kiệm đáng kể”.

Về lĩnh vực logistic, hiện Công ty đã triển khai một cảng nhỏ và đang tiến hành kinh doanh. Tuy nhiên đối với lộ trình M&A trong lĩnh vực này, ông Trung cho biết đang gom nguồn lực vì yêu cầu khá lớn. Như vậy, để ghi nhận doanh thu và lợi nhuận mảng logistic thì phải đến năm 2019, ông Trung khẳng định.

Ngoài ra, một lợi thế khác theo ông Trung chia sẻ là Thành Thành Công có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực kinh doanh này, nên Sacomreal sẽ được hỗ trợ sau khi hai bên hợp tác cùng phát triển.

Hiện, Công ty đang tích cực thực hiện công tác M&A để tiếp tục mở rộng quỹ đất đầu tư; về nguồn vốn trước mắt vốn tự có sẽ chiếm 40%, số còn lại Sacomreal dự kiến đi huy động từ vốn vay. Dự kiến Công ty sẽ triển khai lĩnh vực mới ngay trong năm 2018, tức cho giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.

Bài viết mới