Tôi vẫn nhớ rất rõ ràng, như mọi chuyện mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Tôi tỉnh dậy trong phòng khách sạn và ngạc nhiên bởi rất nhiều người xung quanh mình, trong đó có bác sỹ của đội tuyển – Lidio Toledo. Họ chẳng hề nói với tôi chuyện gì đang xảy ra, hay tại sao họ lại có mặt trong phòng tôi.
Tôi bảo họ đi ra ngoài, kiếm chỗ khác mà nói chuyện. Tôi chỉ muốn ngủ thôi.
Nhưng không được, mọi người yêu cầu tôi xuống vườn hoa của khách sạn để đi dạo. Họ nói rằng tôi đã bất tỉnh trong 2 phút, và sẽ không ra sân trong trận chung kết World Cup với Pháp tối nay.
Tôi không thể chấp nhận nổi sự thật này. Tôi có bổn phận với tổ quốc, và không muốn bất cứ người Brazil nào thất vọng vì mình. Tôi phải ra sân. Tôi sẽ không để cho HLV có bất cứ quyết định nào khác. Tôi phải được chơi trận đấu này…
Nỗi khiếp sợ dài đằng đẵng
Thậm chí đến tận bây giờ, sau 18 năm, tôi vẫn không thể chịu nổi cảnh quay ấy – cảnh quay từ trận chung kết lượt đi Coppa Italia với Lazio ngày ấy. Mỗi lần tôi biết pha chấn thương ngày ấy được chiếu lại trên truyền hình, chắc chắn là tôi sẽ quay mặt đi. Khi nhìn thấy hình ảnh ấy, cơn đau ngày nào lại chạy xuyên qua thân thể tôi thêm lần nữa.
Mỉa mai thay, tôi dính chấn thương khủng khiếp ấy ngay trong thời điểm tự tin nhất, khi quay lại với sân cỏ sau 6 tháng điều trị một chấn thương nhỏ, và chưa bao giờ nghĩ mình “gặp lại” chấn thương sớm đến vậy. Chấn thương tháng Tư năm 2000 ấy buộc tôi phải phẫu thuật phức tạp hơn, cùng với thời gian hồi phục kéo dài hơn nhiều. Trong khoảnh khắc ấy, cả thế giới trong tôi tan vỡ. Không thể tin nổi…
World Cup 2002 ở Hàn Quốc & Nhật Bản vẫn còn 2 năm nữa, nhưng có đôi lần, nỗi lo sợ lóe lên trong tôi khi nghĩ đến nó. Thời gian phục hồi của tôi sẽ là báo lâu? Đấy là một ẩn số. Bởi đấy là chấn thương chưa từng có cầu thủ bóng đá nào phải đối mặt với nó. Tôi là người duy nhất.
Tám tháng tập phục hồi, cái đầu gối ấy vẫn chưa thể gập lại 90 độ được. Bởi vậy, tôi chẳng thể tập được bất kỳ bài tập bóng đá nào. Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi tiêu tốn gần nửa thời gian tập phục hồi, mà đầu gối thì vẫn chưa thể gập được góc 100 độ. Tôi không gập được đầu gối của mình. Thật khủng khiếp khi tôi nhận thức được điều đó.
Tôi chán nản đến cùng cực. Tôi bị sốc. Lựa chọn duy nhất mà tôi có là tiếp tục tập luyện, dù chẳng biết liệu nó có kết quả hay không, hay chỉ là công dã tràng…
Mạnh mẽ lên nào
Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng nếu mình không cố gắng hết sức, mình sẽ chẳng được chơi bóng nữa. Nếu bỏ cuộc, tôi sẽ treo giày mãi mãi. Bên cạnh cơn đau hành hạ, ý nghĩ phải rời xa bóng đá càng khiến tôi tổn thương.
Vì thế, tôi cố gắng không nghĩ đến nó nữa. Tôi chỉ nhìn về phía trước. Trước mắt tôi chỉ có các buổi tập phục hồi, lịch khám, vật lý trị liệu, các bài tập… cứ lặp đi lặp lại, với mục tiêu duy nhất là cứu vãn lấy sự nghiệp bóng đá của mình.
Tám tháng sau ca chấn thương, tôi quyết định tham khảo ý kiến của các bác sỹ khác trên thế giới, xe, vì sao đầu gối mình mãi không gập được. Tôi sang Mỹ, và một bác sỹ nổi tiếng ở đó bảo rằng cơ hội chơi bóng trở lại của tôi bằng 0. Phương án tốt nhất mà vị bác sỹ này đưa ra là thử một ca phẫu thuật mới, để đầu gối tôi có thể gập được thêm 30 độ nữa, nhưng chơi bóng thì không.
Tôi không bao giờ nghi ngờ ý chí mà mình cần có để quay trở lại chơi bóng. Ngay khi ấy, tôi chuyển sang nghi ngờ khoa học. Như đã nói, ca chấn thương của tôi, y học chưa từng gặp phải. Một bác sỹ tên tuổi thậm chí còn bảo tôi rằng không loại trừ khả năng ngay cả đi lại còn không thể, chứ đừng nói đến đá bóng.
Sự phục hồi chấn thương ấy kéo dài đến mức tôi bắt đầu nghi ngờ chính mình, tôi bị ám ảnh và bắt đầu sự hãi…
Tình yêu bỏng cháy
Tôi luôn yêu VCK World Cup. Không chỉ bởi nó là sự kiện thể thao quan trọng nhất trên thế giới, mà còn là lễ hội độc đáo của các nên văn hóa khác nhau trên toàn cầu.
Những người đem về chức vô địch World Cup cho Brazil đều là những người hùng của tôi: Pele và tất cả những cầu thủ Brazil góp mặt ở Thụy Điển năm 1958; Garrincha và những đồng đội của mình năm 1962; Rivellino, Gerson và Tostao năm 1970; Romario, Bebeto và đồng đội năm 1994; sau đó là Rivaldo, Ronaldinho và các đồng đội của tôi năm 2002.
May mắn thay, khi mùa World Cup 2002 dần hiện ra trước mắt, từng chút, từng chút một, đầu gối tôi ổn hơn. Khá chậm chạp, nhưng rốt cuộc tôi cũng đã có thể bắt đầu tập trở lại. Cơ hội được chơi ở World Cup chưa có gì là chắc chắn cả, bởi xét cho cùng HLV Luiz Felipe Scolari rất khó để gọi một cầu thủ chơi quá ít ở mùa giải vừa qua vào đội tuyển.
Nhưng cuối cùng, sau gần 2 năm vật lộn với chấn thương khủng khiếp ấy, tôi cũng đã trở lại. Tôi bắt đầu ra sân đều đặn trong màu áo Inter Milan. Tháng Ba năm 2002, Big Phil gọi tôi trở lại cho trận giao hữu với Nam Tư trên sân nhà Brazil, tại Fortaleza. Tôi chơi có 45 phút trong lần khoác áo đội tuyển trở lại sau gần 3 năm – nhưng thế đã là đủ để đảm bảo một vị trí ở VCK World Cup.
Tôi biết ơn sự tin tưởng mà Big Phil đã dành cho mình. Ông có thể chọn con đường dễ dàng – gọi một tiền đạo khác, một cầu thủ vừa có một mùa giải trọn vẹn, lành lặn, nhưng ông đã đặt niềm tin vào tôi. Ngày ấy, tôi hứa với ông sẽ làm mọi điều tốt nhất cho Brazil, làm mọi điều để trả ơn ông. “Món nợ” ấy là động lực mới mẻ và lớn lao cho tôi.
Trận đấu đầu tiên với Thổ Nhĩ Kỳ thực sự quan trọng, bởi nó giúp tôi lấy lại toàn bộ sự tự tin mà mình đánh mất gần 4 năm qua. Thổ Nhĩ Kỳ dẫn trước ở phút cuối hiệp đấu đầu tiên, nhưng chỉ 5 phút khi hiệp 2 bắt đầu, Rivaldo cầm bóng đột phá cánh trái trước khi tung đường chuyền vào vòng cấm. Tôi phóng mình đưa bóng vào lưới ghi bàn.
Tôi ghi bàn bằng pha chích mũi giày chân phải. Đây chẳng phải là bàn thắng đẹp nhất mà tôi từng ghi được – dĩ nhiên rồi, nhưng điều ấy chẳng quan trọng. Đó là bàn thắng, là bàn thắng của Brazil ở World Cup.
Trận đấu đầu tiên với Thổ Nhĩ Kỳ thực sự quan trọng, bởi nó giúp tôi lấy lại toàn bộ sự tự tin mà mình đánh mất gần 4 năm qua. Thổ Nhĩ Kỳ dẫn trước ở phút cuối hiệp đấu đầu tiên, nhưng chỉ 5 phút khi hiệp 2 bắt đầu, Rivaldo cầm bóng đột phá cánh trái trước khi tung đường chuyền vào vòng cấm. Tôi phóng mình đưa bóng vào lưới ghi bàn.
Tôi ghi bàn bằng pha chích mũi giày chân phải. Đây chẳng phải là bàn thắng đẹp nhất mà tôi từng ghi được – dĩ nhiên rồi, nhưng điều ấy chẳng quan trọng. Đó là bàn thắng, là bàn thắng của Brazil ở World Cup.
Khoảng khắc trọng tài nổi hồi còi kết thúc trận bán kết, khi chúng tôi chắc chắn góp mặt ở trận chung kết, trong tôi là sự pha trộn giữa niềm vui bùng nổ và sự nhẹ nhõm như giải thoát chính mình.
Nhưng nó không kéo dài, bởi ngay sau đó là cái cảm giác bất an với những gì từng diễn ra 4 năm trước trên đất Pháp khiến tôi lạnh sống lưng mỗi khi nhớ lại. Hơn 1.400 ngày, bóng ma ám ảnh ấy quay lại tìm tôi trong thời khắc quan trọng nhất của sự nghiệp, của dân tộc…
Ngày ấy, sau bữa trưa với cả đội, tôi quyết định đi ngủ. Cơn co giật trong lúc ngủ của tôi ngày ấy đã làm ảnh hưởng đến tinh thần của tất cả các đồng đội trước trận chung kết với Pháp.
Tôi được thông báo rằng sẽ không ra sân. Nhưng tôi không chịu. Tôi nói chuyện với các bác sỹ và HLV Mario Zagallo. Tôi biết tôi xứng đáng được ra sân trong trận chung kết ấy. Tôi thuyết phục đội ngũ y tế rằng nên làm một số xét nghiệm thể lực để đảm bảo về tình trạng của mình. Không có bất cứ điều gì trong tất cả các xét nghiệm. Tuy nhiên, khi chúng tôi chuẩn bị lên đường ra sân, Zagallo nói to và rõ ràng rằng tôi sẽ không đá chính.
Tôi cầm trong tay tất cả mớ kết quả xét nghiệm – trong đó bác sỹ Toledo “bật đèn xanh” và gặp HLV Zagallo ngay trên sân và trình bày: “Tôi ổn. Đây là các kết quả xét nghiệm – chúng cho thấy tôi ổn. Tôi muốn ra sân”.
Tôi đã được chơi trận đấu ấy, nhưng dường như những gì xảy ra với tôi đã lấy mất đi tinh thần của toàn đội. Sau này tôi mới biết, mọi người lo sợ điều xấu nhất xảy ra cho tôi đến nhường nào.
Bỏ lại quá khứ
Quay lại với trận chung kết World Cup 2002, với nỗi ám ảnh 1.454 ngày về trước, tôi sợ phải đặt lưng lên giường sau bữa trưa trước trận.
Tôi cố tình không ngủ, giữ cho mình tỉnh táo. Bởi nhỡ đâu tôi lại lên cơn co giật trong lúc ngủ như 4 năm về trước thì sao. Tôi tìm các đồng đội để tán chuyện, nhưng tất cả mọi người đều đi ngủ trưa, bởi tối nay họ có trận đấu quan trọng nhất đời.
Cuối cùng tôi cũng tóm được Dida – thủ môn dự bị và chúng tôi ngồi buôn chuyện với nhau suốt hơn 1 tiếng đồng hồ.
Khi chúng tôi lên xe đến sân, rốt cục tôi cũng bỏ rơi được sự ám ảnh để tập trung vào trận đấu. Tôi đã có thể để lại tất cả phía sau, để chơi trận chung kết với sự thoải mái chưa từng có suốt 1.454 ngày trước đó.
Đấy là một trận đấu tuyệt vời. Đội Đức rất mạnh, nhưng may mắn là tôi ghi được 2 bàn để đảm bảo chức vô địch cho Brazil và chôn vùi nỗi đau 4 năm trước một lần và mãi mãi.
Tôi được thay ra khoảng 5 phút trước khi hết giờ. Khi trở lại băng ghế dự bị, tôi ôm lấy Rodrigo Paiva – phụ trách truyền thông của đội tuyển, người đã luôn bên cạnh tôi trong suốt hành trình dài dằng dặc ấy.
Tôi bắt đầu khóc, và nấc lên: “Chúng ta đã làm được. Thực sự khó khăn, nhưng chúng ta đã vô địch rồi”.
Tôi gần như đổ sụp bởi ngập tràn cảm xúc. Ngay lúc ấy, tôi là người hạnh phúc nhất trên trái đất. Brazil đã chơi rất tốt, và dù cho trọng tài có bù giờ thêm 100 phút nữa, đội Đức cũng chẳng thể ngăn được chúng tôi bước lên ngôi vô địch.
Tôi ngồi chứng kiến những phút cuối cùng với đôi mắt đẫm lệ. Brazil có thêm một cúp vàng World Cup, nhưng với riêng tôi, nó còn ý nghĩa hơn thế nhiều.
Ngay khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình mãn nguyện. Không chỉ là cúp vàng World Cup, mà tôi còn chiến thắng trong cuộc chiến với chính bản thân mình suốt hơn 2 năm trời. Đó mới là chiến thắng lớn nhất trong sự nghiệp của tôi, trong cuộc đời của tôi.
Vĩ thanh
Bây giờ, nếu đứng yên, tôi không cảm thấy đau đớn. Tôi nghĩ rằng cơ thể mình cầu xin được an yên nốt phần còn lại sau nhiều năm chơi bóng đá, vì vậy tôi phải nhượng bộ nó. Những ngày này, tôi có cơ hội chơi thêm những môn thể thao khác: tập gym, chơi tennis…
Nhưng bất cứ khi nào chạm vào quả bóng, là tôi lại thấy đau. Bóng đá đòi hỏi cơ thể tôi phải vận hành phức tạp hơn mọi môn thể thao khác. Bóng đá cần tốc độ, cần những chuyển động thay đổi đột ngột và sự tăng tốc bùng nổ. Tất cả những điều đó đặt hàng loạt áp lực lên những phần khác nhau của cơ thể. Khi bước ra sân, tâm trí tôi muốn làm, nhưng cơ thể thì chẳng thể theo kịp được nữa.
Tôi luôn nói bóng đá là trường đại học của mình. Tôi không có thời gian để học đại học, nhưng bóng đá dạy cho tôi nhiều hơn bất cứ thạc sỹ, hay tiến sỹ nào. Không có khóa học nào có thể cho tôi những điều mà cuộc đời tôi nhận được từ bóng đá. Tôi luôn biết ơn bóng đá, bởi tất cả những gì nó đem lại giúp tôi trở thành chính mình hiện tại.
Điều lớn nhất mà bóng đá dạy cho tôi biết chính xác mình mạnh mẽ đến dường nào. Cho đến trước khi bị chấn thương để đời ấy, tôi không hề biết. Suốt sự nghiệp của mình, tôi giành được rất nhiều thành tựu và ghi rất nhiều bàn thắng, nhưng để thành thật với chính mình, bóng đá cho tôi nhiều hơn rất nhiều những gì tôi đem lại cho môn thể thao này.