Rác tồn ở cảng: Chuyện “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”!

Mới đây, Chính phủ vừa yêu cầu bốn Bộ Tài chính, Tài nguyên & Môi trường, Công Thương và Giao thông Vận tải khẩn trương rà soát, siết chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động mua bán, chế biến phế liệu nhằm đảm bảo an toàn môi trường.

Rác tồn ở cảng: Chuyện “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”! - Ảnh 1.

Lô hàng phế liệu không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu bị phát hiện. Ảnh: Anh Quân.

Thực tế, chuyện nhập khẩu rác không phải là vấn đề mới mẻ, xa lạ gì cả. Trên thế giới có rất nhiều quốc gia có chính sách, quy định nhập khẩu các loại phế liệu với những mục đích khác nhau. Nhưng suy cho cùng đều nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển và dân sinh, điển hình là hai nước Thụy Điển và Trung Quốc.

Thứ nhất, chuyện về quốc gia “thèm” nhập rác. Đó là Thụy Điển – một điểm sáng, quốc gia đi đầu trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Ở Thụy Điển, chuyện mỗi hộ gia đình có đến 6-7 loại thùng rác trong nhà để phân loại rác từ nguồn là điều khá bình thường.

Ngoài chuyện bảo vệ môi trường có sự phối hợp từ ý thức của người dân, công nghệ xử lý rác thải hiện đại và hiệu quả cũng là điểm đáng chú ý của quốc gia Bắc Âu này. Hệ thống đã giúp cho Thụy Điển trở thành nước đầu tiên trên thế giới tái chế được đến 99% lượng rác thải của mình. Chỉ có 1% rác từ các hộ gia đình bị thải ra môi trường.

Thứ hai, nói về Trung Quốc, cường quốc này bắt đầu nhập khẩu phế liệu từ thập niên 1980 để phục vụ cho ngành sản xuất tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng. Theo đó, một ngành công nghiệp tái chế rác thải quy mô lớn đã hình thành, nhưng việc xử lý không phù hợp và thiếu cơ chế giám sát hiệu quả góp phần đã dẫn tới ô nhiễm nghiêm trọng.

Do đó, Trung Quốc đã bất ngờ tuyên bố dừng nhập 24 loại phế liệu bắt đầu từ năm 2018, Việc này khiến cho nhiều nước, trong đó có Mỹ, EU… đã rơi vào thế bí.

Song song với việc Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu rác thải, phế liệu từ nhựa, nylon. Thì một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan cho thấy tình hình nhập khẩu phế liệu tăng mạnh – một dấu hiệu cho thấy dòng phế liệu đã chuyển hướng đi.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, cả nước có 928 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu, với 49.200 tờ khai, gần 28.000 container rác ngoại đang tồn đọng ở cảng biển.

Nhiều chuyên gia kinh tế lẫn môi trường đều cho rằng, nguyên nhân tồn đọng lượng lớn giấy và nhựa phế liệu tại một số cảng ở Việt Nam là do chính sách siết chặt, không tiếp nhận nhập khẩu hàng phế liệu từ Trung Quốc và một số quốc gia trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn hơn chính là xuất phát từ lòng tham của doanh nghiệp Việt. Vì lòng tham, vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp trong nước đã biến các cảng biển của Việt Nam thành bãi đáp rác thải, nhận tiền từ nước ngoài chở rác về đổ đấy.

GS Phạm Phố nhận định, đây là kẽ hở pháp lý, là sự tắc trách trong khâu cấp phép, quản lý khiến Việt Nam phải hứng chịu hậu quả: “Trước đây, Trung Quốc nhập rác thải từ các nước về tái chế lại rất nhiều, gần đây, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu 24 loại rác thải từ nước ngoài vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Do đó, nhiều doanh nghiệp Việt đã nhận tiền chở rác đi đổ cho các nước buộc phải bỏ trốn vì không xuất được hàng mà tiền xử lý còn đắt hơn gấp nhiều lần công chở”.

Trước hoạt động nhập khẩu phế liệu có nhiều diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, phía cảng nói chỉ làm nhiệm vụ xếp dỡ hàng hóa và nhận tiền. Còn việc cấp phép, cho nhập rác về là thuộc các cơ quan có chức năng khác.

Nói thế chẳng khác nào việc xem xét trách nhiệm với các container rác thải bị ùn ứ là vô cùng khó khăn, không biết ai là người chịu trách nhiệm?!

Như thế cũng có nghĩa, vì lợi nhuận của những đơn hàng nhập rác, người ta sẵn sàng tạo lên sự mập mờ về trách nhiệm đúng như cái kiểu “kẻ ăn ốc người đổ vỏ” đang góp phần vào việc hủy hoại môi trường, giống nòi, hủy hoại chính tương lai của người thân, con cháu mình.

Khẩn cấp chặn rác từ các nước ồ ạt tràn vào Việt Nam

Bài viết mới