Vậy hy vọng và kỳ vọng khác nhau điều gì? Đôi khi nhiều NĐT đa số đều bị nhầm giữa hai khái niệm này. Trước tiên chúng ta nên hiểu kỳ vọng là những tiên đoán cho tương lai được đưa ra từ những phân tích logic. Hy vọng cũng tương tự, nhưng được đưa ra từ những cảm tính cá nhân, cảm xúc của bản thân trong quá trình đầu tư. Đôi khi cảm tính và cảm xúc có thể biến đúng thành sai, sai thành đúng, nó có thể phá bỏ tất cả mọi quy tắc đầu tư chỉ trong một cơn giận dữ hoặc sợ hãi.
Cách đây gần 100 năm, nhà đầu cơ lỗi lạc Jessie Livermore cũng đã từng nhận định: “Kẻ thù số 1 trong đầu tư chính là cảm xúc và sự hy vọng mơ hồ. Chẳng có gì mới trên Phố Wall hay trong thị trường chứng khoán. Những gì đã xảy ra trong quá khứ luôn lặp lại trong tương lai. Đó là bởi bản chất của con người không bao giờ thay đổi và cảm xúc của con người luôn ảnh hưởng xấu tới trí tuệ của họ.”
Điều quan trọng hơn hết, hy vọng là yếu tố chứng minh bạn đang mong đợi vào sự may rủi chứ không phải đầu tư nghiêm túc. Bởi vì bạn mong chờ vào một sự may mắn mơ hồ nào đó, điều này không được chấp nhận trong lĩnh vực này. Bởi bản chất đầu tư là một công việc kinh doanh, dựa trên những kiến thức nền tảng hiểu biết, xác suất, quản lý rủi ro, kết hợp cùng một chiến lược hiệu quả để tạo ra lợi nhuận chứ không phải việc bản thân chỉ cần đẩy số tiền vào thị trường rồi sau đó mong chờ cầu nguyện để giá đi theo hướng mình muốn.
Các phương pháp chúng ta có thể luyện tập để rèn luyện việc tránh đầu tư theo cảm xúc hay hy vọng cá nhân đó là:
Dành thời gian rảnh rỗi tìm hiểu những cổ phiếu đã và đang thắng thế trên thị trường chứng khoán sẽ giúp ta có kinh nghiệm và phần nào thành công hơn trong tương lai
Trên thực tế, việc phân tích các cổ phiếu thành công trong quá khứ cũng cung cấp một cái nhìn tổng quát về viễn cảnh thị trường. Những biến động thị trường hàng ngày, hàng tuần đôi lúc cũng đe dọa cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm. Một cái nhìn toàn diện về quá khứ sẽ giúp phát hiện được xu hướng tương lai của thị trường, từ chu kì này tới chu kì khác, tạo cơ hội phát triển lớn cho các nhà đầu tư.
Các nghiên cứu mang tính học thuật đã cho thấy rõ số tiền mà nhà đầu tư có thể có thêm từ những cổ phiếu giá trị thay vì những cổ phiếu tăng trưởng nóng rồi lại nhanh chóng nguội lạnh, đặc biệt là khi chúng ta kiểm soát kĩ càng chất lượng. Bất kể phương pháp đầu tư của chúng ta là gì đi nữa thì việc nghiên cứu kỹ càng sẽ giúp tăng hiệu suất trong dài hạn.
Có một hệ thống giao dịch được kiểm nghiệm lâu dài qua nhiều chu kỳ của thị trường
Có một câu ngạn ngữ của Lý Tiểu Long vốn được đúc kết về sự nhẫn nại kiên trì trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống “Tôi không sợ người học 1.000 cú đá, tôi chỉ sợ người tập một cú đá 1.000 lần”. Thông thường, mọi NĐT thành công sẽ luôn trung thành với một hệ thống giao dịch mà được chứng minh tính hiệu quả qua các chu kỳ của thị trường, họ chỉ nâng cấp lên để hệ thống hoạt động hiệu quả hơn qua thời gian chứ không bỏ đi hoàn toàn. Bởi họ hiểu rõ không có một chén thánh nào trong giao dịch cả, hệ thống giao dịch của mỗi người chỉ phù hợp trong một số điều kiện thị trường nhất định mà thôi.
Trong khi đó, những nhà đầu tư còn lại rất dễ mất kiên nhẫn khi thấy hệ thống giao dịch hiện tại không hiệu quả. Họ liên tục tinh chỉnh hoặc update hệ thống giao dịch một cách nhanh chóng, hoặc bỏ hoàn toàn để theo đuổi một hệ thống giao dịch mới. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng.
Một hệ thống khi chúng ta theo đuổi một cách lâu dài, dần dần chúng ta sẽ nhận ra được những ưu và khuyết điểm của nó từ đấy sử dụng ngày càng nhuần nhuyễn hơn.
Có kế hoạch và hành động linh hoạt
Một thiên tài trong đầu tư chứng khoán đã từng nhận định: “20% thành công của đầu tư nằm ở quyết sách và 80% còn lại nằm ở hành động”. Trên thực tế điều đó hoàn toàn chính xác, sau khi đã chọn ra một danh mục đầu tư hoàn toàn đúng đắn thì bước tiếp theo để NĐT thành công là có hành động giải ngân và thực hiện giao dịch, đặt lệnh một cách linh hoạt. Vì thị trường vốn không bao giờ cũng hoạt động như cách chúng ta vốn nghĩ nên những NĐT thành công luôn phác thảo ra nhiều kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án để thực hiện những kế hoạch đó.
Không ngại phân tích lại những lần sai lầm trong quá khứ và rút kinh nghiệm
Đầu tư vào cổ phiếu không giống như mua một chiếc ôtô hay điện thoại di động. Thị trường chứng khoán vốn là thị trường luôn vận động không ngừng. Các cổ phiếu được bán theo giá trị của chúng tại thời điểm bán. Đa số nhiều NĐT muốn kiếm được lợi nhuận nhanh chóng, tuy nhiên thực tế điều này rất khó.
Ai bước chân vào thị trường cũng sẽ gặp phải sai lầm từ những quyết định dựa vào cảm xúc, thay vì lại mắc phải vào lần sau, chúng ta có thể dành ra thời gian và sẵn sàng phân tích những sai lầm của mình thật thẳng thắn và khách quan. Khắc phục nhược điểm đầu tư theo cảm xúc vốn là một thử thách và điều đó đòi hỏi nỗ lực phi thường để thay đổi của các nhà đầu tư.