Jesse Livermore, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm nổi tiếng đã kiếm được cũng như thua lỗ hàng triệu đô-la trên thị trường chứng khoán đã từng đúc kết “Chỉ có hai loại cảm xúc trên thị trường là hy vọng và lo sợ. Vấn đề là bạn thường hy vọng khi nên lo sợ và bạn lại lo sợ khi nên hy vọng”. Vậy đã bao giờ chúng ta từng đặt ra câu hỏi, tại sao lại “hy vọng khi nên lo sợ” và làm ngược lại?
Hy vọng khi nên lo sợ và lo sợ khi nên hy vọng…
Thông thường trên TTCK, khi giá cổ phiếu giảm xuống 10% – 15% so với giá mua vào và đang vào downtrend, khi tài khoản “mới chớm” thua lỗ và chúng ta đang hy vọng cổ phiếu sẽ tăng giá trở lại. Đáng lẽ chúng ta nên lo sợ vì rất có thể tài khoản sẽ phải đối mặt với thua lỗ lớn hơn. Điều nên làm lúc này là thực hiện bán đi cổ phiếu để tránh cho việc thua lỗ.
Nhà đầu tư vốn có thể nhanh chóng ra quyết định “tống khứ” chúng ngay từ đầu, nhưng do họ là con người nên thường để cho tình cảm chi phối. Chúng ta không muốn chịu lỗ, nên cứ thế chờ đợi và hy vọng, cho đến khi khoản lỗ này càng lớn và chính tài khoản chúng ta lại phải trả giá đắt, thậm chí đôi lúc cutloss trúng đáy. Cho đến nay thì đó là sai lầm số một mà hầu hết các nhà đầu tư đều từng mắc phải. Theo O’Neil, hãy bán ngay cổ phiếu và xác định chịu lỗ khi giá cổ phiếu giảm 7% – 8% so với thời điểm mua. Việc tuân thủ theo nguyên tắc này sẽ đảm bảo tài khoản tồn tại được đến ngày hôm sau, để ít nhất còn có cơ hội tiếp tục đầu tư vào những cổ phiếu khác trong tương lai.
Một thực tế cũng cho thấy rằng, khi cổ phiếu nắm giữ đang trên đà tăng giá và chúng ta đang kiếm được lợi nhuận, tuy nhiên chỉ một vài rung lắc nhẹ trên thị trường khiến ta lo sợ có thể mất đi phần lợi nhuận đang có. Vì vậy, ta lại bán ra quá sớm. Vốn dĩ TTCK là biến động, những thành tích của những nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp là nhìn theo chu kỳ của doanh nghiệp, hoặc xu hướng của cổ phiếu, chứ không phải nhìn bằng phiên. Vì vậy giá cổ phiếu đang trong trend tăng và có một vài phiên điều chỉnh nhẹ trong ngưỡng hỗ trợ là một điều hết sức bình thường ở TTCK.
Có một nghiên cứu cho thấy, dù đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào, đa phần bộ não con người sẽ hành động dựa trên cảm xúc nhiều hơn lí trí, và thị trường chứng khoán không phải là ngoại lệ. Nhưng thị trường vốn không biết chúng ta là ai? Chính xác là thị trường không quan tâm ta nghĩ gì hoặc muốn thấy điều gì đang diễn ra. Bản tính con người thường được gắn chặt với thị trường, và những cảm xúc như cái tôi, tính cả tin, sự lo sợ và lòng tham vẫn luôn tồn tại hiện hữu.
Các phương pháp chúng ta có thể luyện tập để rèn luyện việc tránh đầu tư theo cảm xúc cá nhân đó là:
Hãy thiết lập các quy tắc mua và bán dựa trên cách thức hoạt động của thị trường
Chúng ta thường thấy các luật sư trước khi đưa ra nhận định thường sẽ phân tích lại quá khứ và sử dụng những tiền lệ. Càng hiểu quá khứ, ta sẽ càng dễ dàng nhận ra những cơ hội trong tương lai. Mỗi NĐT hãy tự thiết lập cho mình những quy tắc mua – bán riêng của bản thân, tìm ra những cổ phiếu nổi bật sau đó áp dụng mô hình phân tích lên chúng để tự đưa ra quyết định. Thay vì nghe những người xung quanh, các quan điểm cá nhân có phần phiến diện, hay các tin đồn rồi từ đó vội vã quyết định mua hoặc bán cổ phiếu mà mình đang nắm giữ.
Dành thời gian rảnh rỗi tìm hiểu những cổ phiếu đã và đang thắng thế trên thị trường chứng khoán sẽ giúp ta có kinh nghiệm và phần nào thành công hơn trong tương lai
Trên thực tế, việc phân tích các cổ phiếu thành công trong quá khứ cũng cung cấp một cái nhìn tổng quát về viễn cảnh thị trường. Những biến động thị trường hàng ngày, hàng tuần đôi lúc cũng đe dọa cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm. Một cái nhìn toàn diện về quá khứ sẽ giúp phát hiện được xu hướng tương lai của thị trường, từ chu kì này tới chu kì khác, tạo cơ hội phát triển lớn cho các nhà đầu tư.
Các nghiên cứu mang tính học thuật đã cho thấy rõ số tiền mà nhà đầu tư có thể có thêm từ những cổ phiếu giá trị thay vì những cổ phiếu tăng trưởng nóng rồi lại nhanh chóng nguội lạnh, đặc biệt là khi chúng ta kiểm soát kĩ càng chất lượng. Bất kể phương pháp đầu tư của chúng ta là gì đi nữa thì việc nghiên cứu kỹ càng sẽ giúp tăng hiệu suất trong dài hạn.
Phân tích lại những lần sai lầm trong quá khứ
Đầu tư vào cổ phiếu không giống như mua một chiếc ôtô hay điện thoại di động. Thị trường chứng khoán vốn là thị trường luôn vận động không ngừng. Các cổ phiếu được bán theo giá trị của chúng tại thời điểm bán. Đa số nhiều NĐT muốn kiếm được lợi nhuận nhanh chóng, tuy nhiên thực tế điều này rất khó. Ai bước chân vào thị trường cũng sẽ gặp phải sai lầm từ những quyết định dựa vào cảm xúc, thay vì lại mắc phải vào lần sau, chúng ta có thể dành ra thời gian và sẵn sàng phân tích những sai lầm của mình thật thẳng thắn và khách quan. Khắc phục nhược điểm đầu tư theo cảm xúc vốn là một thử thách và điều đó đòi hỏi nỗ lực phi thường để thay đổi của các nhà đầu tư.
Luôn luôn quan sát các giao dịch trên TTCK để học hỏi
Có một bí quyết vô giá để dễ dàng phân tích các giao dịch, đó là hàng năm, chúng ta đánh dấu trên một biểu đồ thời điểm mua và bán mọi loại cổ phiếu. Tự đặt lại câu hỏi “ tại sao thời điểm ấy ta lại quyết định mua cổ phiếu và rồi sau đó cổ phiếu đã tăng giá?”, “tại sao lại mắc phải sai lầm với những cổ phiếu khác để rồi phải cutloss?”…
Trên thực tế, việc này sẽ giúp các nhà đầu tư thiết lập được thêm một số quy tắc mới để tránh phạm phải sai lầm về nguyên tắc giao dịch trong thời điểm tương lai.
Vận dụng mọi kiến thức và kinh nghiệm mỗi khi đưa ra quyết định, không nên phụ thuộc nhiều vào cảm xúc
Nhiều người không biết là họ nên mua, bán, hay nắm giữ, và sự không chắc chắn này cho thấy họ không có đường lối chỉ đạo. Đa số mọi người không tuân theo một kế hoạch đã được chứng minh, một tập hợp những nguyên tắc nghiêm ngặt hay những quy luật mua và bán để dẫn dắt họ đi đúng hướng. Khi quyết định mua hay bán, hãy thật tỉnh táo, sáng suốt và vận dụng kiến thức cùng lí trí của bản thân hơn bao giờ hết.