Albert Einstein chỉ 16 tuổi khi lần đầu tiên đến với ý tưởng về thuyết tương đối.
Ông là một người mơ mộng. Lý thuyết mang tính khai phá đã dẫn dắt ông thiết lập nền móng cho ngành vật lý hiện đại này thực ra lại xuất phát từ một trong vô vàn những suy tưởng nổi tiếng của ông.
Điều thú vị ở đây là giai thoại về những phát kiến vĩ đại khởi sinh từ quá trình trầm tư mặc tưởng không hề hiếm. Trong lịch sử, các danh nhân như Charles Darwin hay Friedrich Nietzsche đều cho rằng những suy nghĩ thiên tài của mình được tạo ra từ những khoảng thời gian dài họ miên man với suy nghĩ của mình.
Nhưng điều này dường như trái với suy nghĩ của chúng ta ngày nay khi năng suất làm việc của một người được đánh giá bằng số giờ làm việc và số báo cáo mà người đó tạo ra. Và điều này đưa đến một câu hỏi: Liệu những gì diễn ra với các thiên tài kia có phải là ngẫu nhiên? Nếu không thì điều kiện là gì?
Sức mạnh của những phút trầm tư
Fiona Kerr là một giáo sư ở đại học Adelaide, và bà giải thích cơ chế hoạt động của những phút giây suy nghĩ sâu như sau: “Suy nghĩ vẩn vơ cho phép tâm trí chúng ta được tự do bay bổng. Nhưng nó lại khiến cho kết quả tốt hơn khi phải giải quyết những vấn đề phức tạp hoặc tạo ra những giải pháp và ý tưởng sáng tạo.”
Đã có rất nhiều nghiên cứu ủng hộ cách giải thích này. Chẳng hạn trong lĩnh vực giáo dục, từ những năm 1980 đã có rất nhiều công trình khoa học về suy nghĩ sâu sắc và hiện nay nó được coi là một phẩm chất thiết yếu để làm tốt công việc của một giáo viên.
Về cơ bản, mơ mộng và trầm tư ở mức độ vừa phải giúp ta củng cố ký ức, cho phép các kết nối phi tuyến tính hình thành, vừa giúp ta phân tách và định vị các vấn đề vừa xem xét chúng dưới một lăng kính mới.
Quy luật 2 giờ
Mỗi tuần, thường là vào thứ 5, bạn hãy dành ra 2 giờ chỉ để suy nghĩ.
Đó có thể là vào buổi tối, hãy gạt bỏ mọi mối bận tâm, đặc biệt là các thiết bị điện tử như điện thoại hoặc laptop. Chỉ để trước mặt một cuốn sổ và một cái bút.
Dưới đây là một số câu hỏi mà bạn có thể tập trung suy nghĩ:
• Tôi có thấy hứng thú với những gì mình đang làm không hay chỉ bước đi vô định?
• Liệu những gì phải đánh đổi giữa công việc và các mối quan hệ của tôi có được cân bằng không?
• Làm thế nào để tôi tăng tốc trên con đường đi đến mục tiêu mình đã định?
• Có cơ hội lớn nào tôi có thể theo đuổi mà lại bỏ qua?
• Điều gì nhỏ nhoi nhưng sẽ tạo ra tác động lớn lao?
• Liệu trong 6 tháng tới có điều gì tồi tệ có khả năng xảy ra với tôi hay không?
Suy nghĩ về những câu hỏi này sẽ giúp bạn cân bằng giữa ngắn hạn và dài hạn, nắm bắt được vấn đề khi nó chưa trở thành vấn đề.
Einstein sẽ không thể là Einstein như ta biết nếu không có những suy nghĩ thực nghiệm của mình, cũng như Darwin và Nietzsche, chắc hẳn họ sẽ phải vật lộn với các ý tưởng nếu không có những cuộc tản bộ và nhẩn nha suy nghĩ.
Hai giờ chỉ dành cho suy nghĩ có vẻ khá dài, và có thể khoảng thời gian ngắn hơn sẽ phù hợp hơn với bạn, nhưng hãy dành ra ít nhất một giờ để bắt đầu. Nó cho phép tâm trí bạn được tự do bay nhảy, và nếu bạn đưa ra những câu hỏi hay, nó sẽ càng trở nên sắc bén. Và điều này sẽ càng rõ hơn theo thời gian.
Thực ra dù bận đến mấy, ta cũng dễ dàng tiêu phí thời gian vào những thứ nhảm nhí mà chẳng mang lại giá trị gì nhiều. Nếu một người bình thường có thể dành 2 tiếng mỗi ngày để lướt Facebook, thì vài tiếng một tuần để sắp xếp lại cuộc sống có vẻ không phải là một đòi hỏi quá đáng. Đó là một mức giá khá thấp phải trả để có được một thành quả ổn định và to lớn.
Và biết đâu, nó có thể khiến cuộc sống của bạn thay đổi.