Thị trường ‘ế ẩm’, quý III thấp kỷ lục
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017 của CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa công bố cho thấy, lợi nhuận sụt giảm mạnh do doanh số từ hoạt động bán xe giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, Thaco đạt tổng doanh số 9.608 tỷ đồng trong quý III, giảm mạnh so với con số 14.146 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh số bán xe giảm gần 35% từ 13.617 tỷ về 8.906 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vốn và doanh số của Thaco tiếp tục sụt giảm từ mức 18,85% cùng kỳ rút xuống còn 15,45% trong quý III năm nay. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Thaco trong quý III chỉ đạt mức 785 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 737 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với thực hiện trong quý III/2016.
Trước đó, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2017 của Thaco cho thấy, doanh số của Thaco đã lần đầu ghi nhận sự sụt giảm khá mạnh sau đà tăng trưởng mạnh trong nhiều năm qua. Theo đó, 9 tháng đầu năm, Thaco đạt tổng doanh số 35.122 tỷ đồng, và 3.174 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 15% và 40% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân khiến Thaco có mức giảm lợi nhuận phần nào thể hiện bức tranh chung của thị trường xe hơi trong năm vừa qua. Theo số liệu của VAMA, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 9/2017 giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm đến 28% trong khi xe nhập khẩu tăng 8% so với cùng kì năm ngoái.
Về hiện tượng thị trường suy giảm trong năm 2017, theo giới chuyên doanh thì người tiêu dùng đang chờ đợi thời điểm giảm thuế nhập khẩu ô-tô vào đầu năm 2018 và kỳ vọng giá xe sẽ giảm nhiều hơn. Mặt khác, doanh số của các DN kinh doanh xe giảm trong năm 2017 còn đến từ “cơn bão giảm giá” quét qua hầu hết các thương hiệu cũng như các mẫu xe trên thị trường, bất kể là hãng xe nội hay ngoại nhập.
Nhiều phân tích cho rằng, yếu tố khiến giá xe giảm trong năm 2017 có phần rất lớn từ việc các các doanh nghiệp nhập hàng trong năm 2017 phải chịu thuế suất nhập khẩu 30%. Trong khi sang năm 2018 thuế này về 0% nên các hãng đua nhau giảm giá bán để đẩy hàng.
Kết quả kinh doanh đã chạm đáy?
Cho đến tháng 10 và tháng 11/2017, thị trường bán xe vẫn trong tình trạng suy giảm so với cùng kỳ năm 2016. Báo cáo của VAMA cho thấy, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 11/2017 giảm 10% so với cùng kì năm ngoái, tăng thêm 2% kể từ tháng 9/2016.
Tuy vậy, mức độ sụt giảm đã được rút ngắn sau khi có sự phục hồi về doanh số trong tháng 11, đặc biệt là lĩnh vực lắp ráp trong nước có sự phục hồi mạnh. Từ con số sụt giảm 28% đến cuối tháng 9/2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước chỉ còn giảm 19% tính đến hết tháng 11/2017. Tháng 11 cũng ghi nhận doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 17.697 xe, tăng 14% so với tháng 10 và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.055 xe, tăng 10% so với tháng trước.
Sản lượng bán xe giảm trong 11 tháng 2017, duy trì ở mức thấp trong quý III trước khi tăng trở lại từ tháng 11/2017.
Nhiều dự báo diễn biến thị trường xe hơi năm 2018 sẽ còn cạnh tranh hơn khi hàng loạt các chính sách thuế, phí, kiểm định, luật giao thông có hiệu lực, ảnh hưởng đến giá xe. Trong đó, thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% từ mức thuế 30% của năm 2017 sẽ khiến các dòng xe nhập khẩu từ Thái Lan hay Indonesia sẽ có giá rẻ hơn.
Dù vậy, mức thuế này được đánh giá là sẽ chưa thể tác động mạnh đến thị trường Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực ngay tại thời điểm ký. Việc nhập khẩu xe dự kiến sẽ gặp khó khăn hơn từ 01/1/2018 do yêu cầu khắt khe về kiểm định, đồng nghĩa với việc các dòng xe nhập khẩu sẽ không về ồ ạt như dự tính.
Không những vậy, chính sách thuế và nhập khẩu linh kiện có hiệu lực trong năm 2018 cũng đang ủng hộ Thaco.Việc đưa thuế nhập khẩu linh kiện về 0% áp dụng cho xe con dưới 9 chỗ kèm điều kiện sản lượng chung từ 8.000 xe trở lên và một mẫu xe cam kết phải từ 3.000 xe trở lên được đánh giá là sẽ hỗ trợ tích cực cho các DN lắp ráp có quy mô lớn như Thaco. Ngược lại, các doanh nghiệp lắp ráp có quy mô nhỏ hơn phải chịu thiệt thòi.
Thaco cũng đã có sự chuẩn bị khi hợp tác xây dựng nhà máy Mazda lớn nhất Đông Nam Á ở Chu Lai vào quý I/2017. Được biết, nhà máy mới sản xuất lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda được xây dựng trên diện tích 35ha (trong đó 12ha nhà xưởng) và có công suất 100.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động nửa cuối 2018.
Trong khi đó, hoạt động từ mảng kinh doanh bất động sản dự kiến sẽ đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận của Thaco từ năm 2018. Đến nay, Thaco đang sở hữu 90% vốn của Đại Quang Minh – chủ đầu tư là Khu đô thị cao cấp Sala tại Bán đảo Thủ Thiêm.
Con số tồn kho bất động sản được Thaco ghi nhận trên 10.000 tỷ đồng trên báo cáo tài chính bán niên 2017 vẫn chưa được khai thác nhiều trong quý III/2017 có thể là ‘của để dành’ dùng làm ‘bệ đỡ’ cho lợi nhuận của Thaco từ năm 2018 khi mà hoạt động kinh doanh xe khó có thể duy trì được mức tăng trưởng như những năm trước.