Quy hoạch “thành phố sân bay” Long Thành, coi chừng chuyện… nghĩa trang

Nghĩa trang Văn Điển quy mô chưa đến 20 ha, nhưng là vật cản rất lớn thu hút đầu tư phát triển đô thị hóa xuống phía nam của Hà Nội.

Đó là liên tưởng của đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), khi ông phát biểu về dự án báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành tại Đồng Nai, trong phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội, sáng 13/11.

Cẩn trọng đền bù, không gây khiếu kiện

Theo đại biểu Cường thì vẫn còn thiếu dữ liệu chi tiết để tính toán chắc chắn, chính xác quy mô đất cần thu hồi, tổng bồi thường, phương án hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp, tái định cư. Tác động của dự án cũng chưa được đánh giá đầy đủ.

Đại biểu Cường cũng cho rằng cần tính kỹ được – mất khi quy hoạch hai khu tái định cư như báo cáo khả thi.

Theo báo cáo, trong 2018 – 2019 sẽ xây dựng xong một khu tái định cư với diên tích 280 ha và có 4.823 lô đất trong đó 98% dành để tái định cư cho hơn 4.000 hộ.

Giai đoạn 2019 – 2020 xây dựng tiếp khu tái định với diện tích 282,79 ha phân thành 1539 lô đất và có 30% để tái định cư cho 469 hộ. Phương án này ngoài diện tích tái định cư còn dư ra 1.166 nền đất để xây dựng nhà ở theo mô hình phát triển khu đô thị mới.

Tuy nhiên, ông phân tích: việc xây khu tái định cư có bất cập. Với những khu vực quy hoạch xây dựng đô thị mới thì giá đất trên thị trường thay đổi hàng ngày. Trong khi 4.727 hộ khu tái định cư giai đoạn 1 đã nhận đền bù xong trong giai đoạn 2018 – 2019, thì 469 hộ ở giai đoạn hai đến 2020 mới đền bù đi dời tái định cư. Khi đó, giá đất trên thị trường tăng lên rất nhiều, vậy thực hiện đền bù theo giá thị trường hay giá giai đoạn trước?

Đây là một nguyên nhân gây khiếu kiện trong giải phóng mặt bằng và đền bù tái định cư hiện nay, ông Cường nhấn mạnh.

Thứ hai, kinh nghiệm thế giới cho thấy khi hình thành một sân bay quốc tế lưu lượng 25 triệu – 50 triệu hành khách mỗi năm, kéo theo sự phát triển của các trung tâm thương mại, trung tâm cư trú…, như vậy thường sẽ phát triển thành một dạng “thành phố sân bay”.

Ông Cường nhìn nhận: sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng với lưu lượng tới 100 triệu hành khách mỗi năm, nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, cách Tp.HCM 40 km, cách Biên Hòa 30 km, cách Vũng Tàu 70 km.

Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh vì tỉ lệ đô thị hóa hiện nay chưa đạt 4%, do vậy chắc chắn khu vực sân bay Long Thành sẽ hình thành khu đô thị mới theo hướng dịch vụ và trung tâm phát triển gần sân bay với diện tích hàng ngàn ha.

Từ phân tích này, vị đại biểu Hà Nội cho rằng, việc hình thành khu tái định cư tại Bình Sơn với quy mô 289,79 ha sẽ phá vỡ quy hoạch để hình thành thành phố sân bay hiện đại trong tương lai tại khu vực này.

“Vì thế theo tôi, chỉ nên quy hoạch một khu tái định cư và điều chỉnh lại các quy mô của những lô đất đã quy hoạch tái định cư với diện tích quá lớn từ 250 – 300 m2. Nhiều đại biểu đã cho rằng tái định cư với những lô đất lớn như thế này là không phù hợp với điều kiện của những người dân phải tái định cư ở khu vực đó. Với điều kiện đó, chỉ cần một khu tái định cư là có thể đủ đảm bảo vượt quá 5.196 lô đất đảm bảo tái định cư một lần”, ông Cường nói.

Bài học kinh nghiệm từ Văn Điển

Vị đại biểu này cũng đề nghị Chính phủ sớm quy hoạch ngay một thành phố Long Thành song song với việc xây dựng sân bay Long Thành, để mang lại nguồn thu hàng trăm ngàn tỷ và giúp phát triển trung tâm phát triển hiện đại ở khu vực Đông Nam Bộ.

Nhưng, theo đại biểu thì cần tính toán lại việc quy hoạch khu nghĩa trang tại xã Bình An. Theo báo cáo sẽ quy hoạch khu nghĩa trang 50,9 ha tại đây , trong đó 20 ha là khu nghĩa trang nhân dân phục vụ cho dự án tái định cư, còn lại giao cho Công ty TNHH Hoa Viên Bình An để kinh doanh.

“Mọi người chắc đều biết trong phạm vi cách thành phố lớn từ 40 – 70 km như hiện nay thì giá bán mỗi m2 đất đặt phần mộ cho người chết có khi còn cao hơn giá đất xây dựng cho người sống. Với vị trí đắc địa như Long Thành, đặc biệt tại xã Bình An là xã nằm trong trung tâm phát triển đô thị trong tương lai thì đất nghĩa trang có thể còn cao hơn nhiều so với đất đô thị, đất biệt thự”, ông Cường lo ngại.

Đại biểu cho rằng cần cân nhắc bài học kinh nghiệm từ nghĩa trang Văn Điển ở Hà Nội, có quy mô chưa đến 20 ha, nhưng là vật cản rất lớn thu hút đầu tư phát triển đô thị hóa phát triển xuống phía nam của Hà Nội.

Do vậy, nếu quy hoạch nghĩa trang tại Bình An với diện tích đất gần gấp 3 lần nghĩa trang Văn Điển hiện nay thì cần cân nhắc giữa lợi ích trước mắt rất lớn, nhưng hậu quả tương lai lâu dài sẽ cản trở sự phát triển của cả một khu vực trung tâm Đông Nam Bộ.

Quốc hội thảo luận về sân bay Long Thành, cao tốc Bắc – Nam

Bài viết mới