Quỹ bán khống "bóc phốt" tập đoàn 100 tỷ USD: Tỷ phú giàu nhất châu Á gặp sóng gió?

TIN MỚI

Năm 2022, trong khi gần như mọi thứ đều sụp đổ, Gautam Adani lại liên tục gặt hái thành công.

Lạm phát, lãi suất tăng, thị trường chứng khoán lao dốc và các bất ổn địa chính trị. Dường như tất cả các rắc rối của năm ngoái không thể ngăn cản sự trỗi dậy của tập đoàn Adani – nguồn tạo ra nhiều của cải nhất cho tỷ phú người Ấn Độ.

Nhờ đó, người đàn ông 60 tuổi đã đạt được những thành tích rất ấn tượng. Ông trở thành người giàu nhất Ấn Độ vào tháng 2, tài sản vượt 100 tỷ USD vào tháng 4 và vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ 2 thế giới vào tháng 9. Kết thúc năm 2022, tài sản của ông tăng thêm 44 tỷ USD – mạnh nhất thế giới theo Bloomberg Billionaire Index.

Một số chuyên gia phân tích đã đặt dấu hỏi lớn về đà tăng trưởng ấn tượng này. Ngoài mức nợ cao, liệu Adani Group có rơi vào cảnh giá trị vốn hóa lao dốc mạnh như nhiều gã khổng lồ khác trên khắp thế giới, từ Tesla, Amazon đến đối thủ ngay tại quê nhà là Reliance Industries hay không.

Tuy nhiên trong số đó chưa có ai từng đi xa bằng Hindenburg Research của Nate Anderson.

Hôm 24/1, Hindenburg Research tung ra báo cáo dài gần 100 trang khẳng định Adani Group đã “thao túng giá cổ phiếu và gian lận kế toán trong suốt nhiều thập kỷ”. Công ty Mỹ cũng cho biết đang bán khống các cổ phiếu họ Adani thông qua các hợp đồng phái sinh và trái phiếu giao dịch tại Mỹ.

Mặc dù đã có nhiều bên cảnh báo về những rủi ro mà Adani Group đang gặp phải, trong báo cáo có nhiều số liệu chi tiết lần đầu tiên được công bố. Ví dụ, nợ ròng tại 6 công ty – Adani Enterprises, Adani Green Energy, Adani Ports, Adani Power Ltd., Adani Total Gas và Adani Transmission — lên đến 23 tỷ USD tính đến cuối tháng 3/2022.

Adani Enterprises và Adani Total Gas chỉ được kiểm toán bởi 1 công ty rất nhỏ, thậm chí không có website, chỉ có 11 nhân viên và mới chỉ kiểm toán 1 công ty niêm yết khác. Trong khi đó chỉ riêng Adani Enterprises đã có 156 chi nhánh, chưa kể đến hàng loạt liên doanh.

Báo cáo còn chỉ ra một mạng lưới gồm 38 công ty vỏ bọc ở các thiên đường thuế từ vùng Caribe đến Mauritius và UAE thuộc quyền kiểm soát của gia tộc Adani. Những công ty này được sử dụng để rửa tiền, trốn thuế và hối lộ.

Tập đoàn Adani khẳng định những cáo buộc trên là thiếu căn cứ và dựa trên những thông tin sai lệch. Tuy nhiên, các cổ phiếu và trái phiếu do tập đoàn này phát hành đã lao dốc mạnh sau khi tin tức được công bố, khiến tổng cộng 12 tỷ USD giá trị vốn hóa bị thổi bay. Trong đó cổ phiếu của Adani Enterprises giảm 1,5%, Adani Transmission giảm 9%, ACC giảm 7%.

Hindenburg Research dự báo các cổ phiếu họ Adani sẽ giảm giá 85% do mức định giá hiện nay quá cao. Với tỷ lệ P/E forward lên đến 90 lần, Adani Enterprises hiện là cổ phiếu đắt đỏ nhất trong chỉ số NSE Nifty 50. Không chỉ đắt nhất Ấn Độ, đây cũng là một trong những cổ phiếu đắt nhất châu Á dựa trên một số thước đo, trong đó quan trọng nhất là 2 chỉ số P/E và P/B. Hơn nữa cổ phiếu này đã tăng khoảng 2.500% trong 5 năm qua.

Hindenburg Research là nhà bán khống nổi tiếng, trong đó nổi bật nhất là những báo cáo tấn công vào các công ty xe điện. Năm 2020, Hindenburg tung báo cáo cáo buộc công ty xe điện Nikola được xây dựng trên “hàng tá lời nói dối”. Cuối cùng thì Nikola đã sụp đổ, cổ phiếu sụt 40%, nhà sáng lập Trevor Milton phải từ chức Chủ tịch và bị buộc tội gian lận.

Báo cáo của Hindenburg được tung ra đúng vào thời điểm quan trọng đối với tỷ phú Adani. Ông đang cố gắng xây dựng danh tiếng trên thị trường quốc tế cũng như củng cố vị thế tại quê nhà bằng cách bành trướng sang những lĩnh vực mới như xi măng và truyền thông.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Bài viết mới