Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong quý 1/2024 đạt 121,49 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm hơn 68% tổng trị giá xuất nhập khẩu.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam lũy kế trong quý 1/2024, đạt 177,96 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 23,97 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt đạt 92,88 tỷ USD, tăng 16,8%, tương ứng tăng 13,33 tỷ USD và trị giá nhập khẩu là 85,08 tỷ USD, tăng 14%, tương ứng tăng 10,46 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa trong quý 1/2024 đạt 7,8 tỷ USD.
Trị giá xuất nhập khẩu doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước quý I giai đoạn 2014-2024. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong quý 1/2024 là 121,49 tỷ USD, tăng 12,8% (tương ứng tăng tới 13,75 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó xuất khẩu đạt 67,17 tỷ USD, tăng 13,7%, tương ứng tăng 8,1 tỷ USD và nhập khẩu đạt 54,32 tỷ USD, tăng 11,6%, tương ứng tăng 5,7 tỷ USD.
Ngược lại, khối doanh nghiệp trong nước đạt trị giá 56,47 tỷ USD trong quý 1/2024, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 10,04 tỷ USD.
Xuất khẩu của khối doanh nghiệp này đạt 25,71 tỷ USD, tăng mạnh 25,7% tương ứng tăng 5,25 tỷ USD so với quý 1/2023. Trong đó, tăng mạnh nhất ở nhóm hàng nông sản tăng 35,9% tương ứng tăng 1,4 tỷ USD; máy ảnh máy quay phim và linh kiện tăng gấp 2,5 lần tương ứng tăng 821 triệu USD.
Trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp này đạt 30,75 tỷ USD, tăng 18,5% tương ứng tăng 4,79 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, tăng 34,7% tương ứng tăng 959 triệu USD.
Cụ thể về xuất khẩu: Trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong quý 1/2024 đạt 92,88 tỷ USD, tăng 16,8%, tương ứng tăng tới 13,33 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2023 và quý I/2024. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Một số mặt hàng có trị giá xuất khẩu lớn trong kỳ như Điện thoại các loại và linh kiện 14,22 tỷ USD, xuất khẩu chính sang Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU; Máy tính sản phẩm điện tử và linh kiện 16,33 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác 10,94 tỷ USD; hàng dệt may 7,82 tỷ USD; giày dép các loại 4,79 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 3,54 tỷ USD;…
Thị trường xuất khẩu trong quý I/2024, trị giá xuất khẩu của 10 thị trường lớn nhất đều tăng, trong đó đóng góp lớn nhất là thị trường Hoa Kỳ tăng 5,02 tỷ USD; tiếp theo là EU (27 nước) tăng 1,8 tỷ USD; Trung Quốc tăng 1,2 tỷ USD; Hồng Kông tăng 1,02 tỷ USD; ASEAN tăng 0,98 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 0,51 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, trị giá xuất khẩu trong quý I/2024 của 6 thị trường này đã tăng tới 10,52 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Về nhập khẩu, kết thúc quý 1/2024, Việt Nam đã ghi nhận 16/53 nhóm hàng đạt trị giá nhập khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 2 nhóm hàng nhập khẩu đạt trên 10 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 24,04 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 10,34 tỷ USD.
10 nhóm hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam trong quý I/2023 và quý I/2024. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Tính chung, trị giá nhập khẩu của 16 nhóm hàng trên 1 tỷ USD trong quý 1/2024 đạt 63,12 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 74,2% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Thị trường nhập khẩu hàng hóa nhập khẩu từ 10 thị trường chủ lực trong quý I/2024 đều tăng (trừ thị trường Australia), đặc biệt nhập khẩu hàng có xuất xứ từ Trung Quốc với 30,52 tỷ USD, đã tăng mạnh tới 29,3%, tương ứng tăng 6,91 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, năm 2024 Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023, cán cân thương mại thặng dư dự kiến khoảng 15 tỷ USD.
Trước đó, năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 681 tỷ USD, giảm 6,9%, tương ứng giảm 50,25 tỷ USD so với năm trước. Cán cân thương mại xuất siêu 28,3 tỷ USD.