Quốc tế nhận xét giá điện Việt Nam tương đối thấp, vì sao EVN bị chỉ trích giá cao?

Điều thú vị là không giống những đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước với EVN, báo cáo của một số tổ chức quốc tế lại cho thấy những góc nhìn khác. Theo báo cáo Viễn cảnh năng lượng Đông Nam Á (Southeast Asia Energy Outlook 2017), giá điện bán lẻ của Việt Nam được đánh giá là tương đối thấp so với khu vực.

Báo cáo này cũng cho biết giá điện được Nhà nước hỗ trợ một cách gián tiếp, dù Việt Nam đã có một vài cải cách. Vì vậy, giá điện không phản ánh đúng mức độ bù đắp chi phí. Kế hoạch phát triển điện đến năm 2020 hướng tới tăng giá điện dần dần để các đơn vị cung cấp điện bao gồm EVN bù đắp được chi phí.

Bên cạnh đó, báo cáo này cho rằng không thể phủ nhận ngành điện đang làm tốt với tỉ lệ tiếp cận nguồn điện của Việt Nam cao thứ 3 trong Đông Nam Á, tỉ lệ dân số không có điện chỉ ở mức 2%.

Ngoài ra, một báo cáo về điện và năng lượng khác của World Bank (Electricity Tariffs, Power Outages and Firm Performance: A Comparative Analysis 03/2017) cho thấy giá điện của Việt Nam thuộc mức tương đối thấp trong khu vực, kể cả khi so sánh với các nước cũng có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp như Campuchia, Indonesia, Phillipines, Lào, Myanmar.

Thậm chí, Tổng giám đốc một tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn của Việt Nam còn nhận định: “Trong số những nước đang phát triển, ngành điện của nước ta có trình độ phát triển tốt và phải nằm ở Top 3. EVN lỗ là bởi Nhà nước không cho phép bán theo giá thị trường, bù lỗ để đầu vào của nền kinh tế thấp”. Ông này đưa ra nhận xét sau khi đã đi nhiều quốc gia khác và có tìm hiểu về các chỉ số của ngành điện tại đó.

Tuy nhiên, đánh giá của vị CEO nói trên cũng như các tổ chức quốc tế không giống với suy nghĩ của nhiều người Việt Nam. Ở trong nước, giá điện bán lẻ của EVN luôn bị than phiền là cao và chỉ tăng chứ không giảm. Trong lần tăng giá điện gần nhất (kể từ 1/12/2017), EVN lại gặp phản ứng.

Lý luận về tăng giá điện và lý do của sự phản đối

Bộ Công Thương cho biết việc điều chỉnh giá điện từ 1/12/2017 dựa trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016. Trong đó, EVN có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017.

Mặc dù EVN lãi 2.658 tỷ trong năm 2016, giá điện tăng được lý giải do chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao và đáng chú ý là khoản lỗ lũy kế 9.800 tỷ do chênh lệch tỷ giá. Khoản lỗ này do EVN mở rộng quá trình sản xuất kinh doanh, cần huy động vốn cả trong và ngoài nước. Để tránh áp lực tăng giá điện đột ngột, khoản lỗ này sẽ được phân bổ dần vào từng năm.

Trong khi đó, năm 2017, Chính phủ cho phép EVN thay đổi giá điện từ 3-5% mà không cần được thông qua, chỉ khi nào giá tăng trên 5% thì yêu cầu sự đồng ý của Chính phủ.

Trong khi Bộ Công Thương và EVN đưa ra các lý do và số liệu để tăng giá, việc kiểm chứng chéo các số liệu này có chuẩn xác không, tại sao không có dữ liệu chi tiết cập nhật và có mức độ so sánh về hiệu quả ra sao khi có cạnh tranh là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Thực tế là câu chuyện minh bạch của ngành điện không còn mới trong khi giá điện luôn tăng và chưa bao giờ giảm chính là nguyên nhân gây ra phản ứng, bức xúc từ người dân.

Theo cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng từ ngày 15/8/2017 thì “việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch”. Tuy vậy, cơ chế cũng không nêu rõ ngành điện sẽ công khai và minh bạch như thế nào.

Trong khi đó, với ngành xăng dầu, cơ chế điều hành có quy định về giá bán lẻ với công thức tính giá đầy đủ. Người dân có thể tự tính được giá xăng dầu cơ sở, so sánh với mức giá bán lẻ và dự đoán các biến động tăng, giảm trên thị trường. Còn với ngành điện thì các chi phí đầu vào như: phát điện, truyền tải, phân phối- bán lẻ, điều hành và quản lý ngành cùng với dịch vụ phụ trợ hệ thống điện còn nhiều điểm chưa minh bạch. Trong khi đó, giá điện bình quân lại được tính toán dựa trên các loại chi phí này.

Hiện nay, mới chỉ có khoảng 50% công suất phát của các nhà máy điện thực hiện cơ chế chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh, còn 50% sản lượng vẫn mua qua các hợp đồng mua bán mà không phải chào giá. Rồi để giải quyết vấn đề tồn kho của ngành than, ngành điện được chỉ đạo mua than trong nước với giá có khi còn cao hơn giá nhập khẩu…

Chưa hết, việc công bố các báo cáo giá thành sản xuất, kinh doanh điện cũng rất lạc hậu. Mãi đến đầu năm 2017, Cục điều tiết điện lực mới công bố báo cáo năm 2015. Với độ trễ thông tin lên đến 2 năm và báo cáo được xuất bản khi giá điện đã trải qua nhiều lần thay đổi, việc công khai về chi phí đầu vào của ngành điện không có ý nghĩa.

Tất cả những câu chuyện trên khiến vấn đề công khai minh bạch của EVN ở vào ngõ cụt. Đây cũng là lý do nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra nhận xét rất tiêu cực về việc tăng giá điện mà Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng, Viên Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VPER) là một ví dụ. Ông Thành bình luận: “Chúng ta như con tin của EVN. Tăng giá hay làm gì, họ đòi hỏi gì thì chúng ta phải đáp ứng, gây ra phiền phức trong xã hội”.

Giá điện tăng tác động tới người dân thế nào?

Bài viết mới