Quốc hội vào cuộc gỡ khó cho metro Bến Thành – Suối Tiên

Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên làm trưởng đoàn.

Quốc hội vào cuộc gỡ khó cho metro Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cùng các đại biểu khảo sát hệ thống đường ray tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.



Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM , tính đến đầu tháng 6-2018, dự án đã triển khai thi công với tổng khối lượng thực hiện tổng thể toàn dự án đạt 53%. Về giá trị giải ngân của dự án (chưa bao gồm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng) là 15.069 tỷ đồng, đạt 31,8% so với tổng mức đầu tư được duyệt. Hiện nay, có 4 gói thầu chính của dự án đang triển khai thi công (gói thầu số 2, gói thầu 1b, gói thầu 1a và gói thầu số 3). Nhìn chung, chất lượng công trình đến nay đảm bảo theo đúng thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật, đề cương quản lý chất lượng gói thầu quy định.

Tuy nhiên, hiện nay công trình đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Điều chỉnh dự án và tăng tổng mức đầu tư từ 17.388 tỷ đồng lên 47.328 tỷ đồng do sự biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu và tăng mức lương tối thiểu theo quy định trong hơn 3 năm qua làm chi phí tăng; tăng khối lượng xây dựng khi điều chỉnh thiết kế cơ sở; do thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư như tỷ giá và các chi phí dự phòng, rủi ro, trượt giá đến năm 2019.

Bên cạnh đó, do việc chậm trễ trong công tác giải tỏa và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 3a và số 4 nên thời gian xây dựng hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên là năm 2019, đưa vào vận hành năm 2020. Mặt khác, hiện nay giá trị vay lại vốn vay của Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho dự án chưa được xác định do ý kiến của Bộ Tài chính về các hạng mục thuộc diện vay lại của dự án còn có sự khác biệt với hướng dẫn của Bộ GTVT (cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao hướng dẫn cụ thể về các hạng mục áp dụng hình thức vay lại).

Ngoài ra, công tác giải ngân vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương gặp khó khăn do kế hoạch vốn ODA được giao cho dự án không đáp ứng tiến độ giải ngân thực tế kể từ năm 2016 đến nay.

Quốc hội vào cuộc gỡ khó cho metro Bến Thành - Suối Tiên - Ảnh 2.

Các đại biểu khảo sát công trình thi công nhà ga Bến Thành của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.

Sau buổi khảo sát thực địa, trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, mục đích của đợt khảo sát thực địa và làm việc với UBND TP.HCM về việc triển khai thực hiện các tuyến metro trên địa bàn TP nhằm nắm tình hình và trên cơ sở đó, căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành, giữa TP và các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội phối hợp với nhau để đảm bảo đưa tiến độ giải ngân nguồn vốn về các dự án metro của TP.HCM phù hợp với Hiệp định vốn vay mà Chính phủ đã ký kết và phù hợp với tiến độ thực tế trên hiện trường.

Ông Kiên cũng cho biết qua chuyến tham quan thực địa và làm việc với UBND TP nhằm tìm hiểu xem các dự án metro có thay đổi gì về thiết kế, kết cấu, hướng tuyến, chiều dài tuyến, công năng sử dụng của các nhà ga để dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án phải điều chỉnh đội vốn.

Theo ông Kiên, hiện nay Quốc hội đã có Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM nên Nghị quyết của Quốc hội có tính chất như là một luật, đạo luật nhưng nó khác đạo luật là có thời hạn để áp dụng. Vì thế, để thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội thì tất cả các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đều có trách nhiệm phối hợp cùng TP.HCM để giải quyết công việc có hiệu quả nhất.

Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km; trong đó đoạn tuyến đường sắt đi ngầm dài 2,6 km, đoạn tuyến đường sắt đi trên cao dài 17,1 km. Công trình bao gồm 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và 1 depot. Dự án đi qua địa bàn các quận gồm: 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng là 676.836 m2.


Metro Sài Gòn điêu đứng vì thủ tục

Bài viết mới