Quảng Ninh muốn nhất thể hoá chức danh tại đặc khu Vân Đồn

Gửi đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn đến các vị đại biểu Quốc hội, tỉnh Quảng Ninh khẳng định đề án có tính khả thi cao xét trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường… bảo đảm quốc phòng an ninh và giữ vững độc lập, chủ quyền của Việt Nam.

Cùng với dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, tại kỳ họp thứ tư khai mạc vào sáng 23/10 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét cả ba đề án của ba đặc khu Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Vân Đồn.

Ba mũi nhọn

Theo đề án, đặc khu Vân Đồn được thành lập trên cơ sở toàn bộ hiện trạng diện tích tự nhiên, dân số và kết cấu hạ tầng đô thị của huyện Vân Đồn.

Diện tích tự nhiên giữ nguyên diện tích hiện trạng huyện Vân Đồn là 2.171,33 km2, trong đó diện tích đất tự nhiên 581,83 km2, diện tích vùng biển rộng 1.589,50 km2.

Dân số đặc khu Vân Đồn năm 2016 là 6.072 người, trong đó dân số thành thị 9.425 người, chiếm 20,17%; dân số nông thôn: 36.647 người, chiếm 79,83%. Mật độ dân số 79 người/km2.

Quảng Ninh khẳng định nguyên tắc phát triển của đặc khu Vân Đồn: phát triển con người, cải thiện dân sinh làm mục đích, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, công nghiệp giải trí làm định hướng; cải cách thể chế, cơ chế, chính sách và mô hình quản lý làm đột phá; phát triển kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lƣợng cao làm nền tảng; kinh tế tri thức, sáng tạo, công nghệ cao làm động lực; giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh làm nhiệm vụ trọng yếu.

Đặc khu Vân Đồn được xác định trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc – ASEAN. Mục tiêu của đặc khu còn là nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng để Quảng Ninh thực sự trở thành đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc, có sức lan toả trong vùng và cả nước.

Phấn đấu đến năm 2050, Vân Đồn trở thành động lực kinh tế của Việt Nam, thành phố đáng sống với biểu tượng của thành phố xanh – tri thức, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của châu Á – Thái Bình Dương.

Vân Đồn xác định dựa trên 3 mũi nhọn là du lịch – văn hoá cao cấp, dịch vụ hiện đại và công nghệ cao. Trong đó, du lịch – văn hóa bao gồm dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, trung tâm giải trí có thưởng quốc tế, du lịch sinh thái, văn hoá; khu nghỉ dưỡng cao cấp; công nghiệp văn hóa.

Lĩnh vực dịch vụ tập trung vào kinh doanh cảng hàng không và vận tải hàng không, logistics, dịch vụ cảng biển và trung tâm du thuyền, dịch vụ tài chính và dịch vụ thương mại.

Công nghệ cao hướng tới ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học, chế biến dƣợc phẩm, chế phẩm sinh học, dược liệu, sản xuất năng lƣợng tái tạo, năng lượng sạch, vật liệu quý hiếm, và công nghiệp sáng tạo.

Nhất thể hoá chức danh Đảng và chính quyền

Tổ chức bộ máy là một trong những vấn đề còn rất nhiều ý kiến khác nhau khi xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Quan điểm được nêu tại đề án của Quảng Ninh là tổ chức bộ máy nhà nước tại Vân Đồn được xây dựng theo hướng đảm bảo tinh gọn, linh hoạt, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, thể hiện đƣợc sự đột phá về thể chế hành chính. Làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu đặc khu trao quyền mạnh mẽ trong việc quyết định thực thi cho trưởng đặc khu đảm bảo vượt trội, độc lập trong điều hành, quyết định nhanh.

Đáng chú ý phần này cũng nêu quan điểm nhất thể hóa chức danh của Đảng với chính quyền, có sự tham gia của lĩnh vực tư nhân (nhà đầu tư chiến lược) theo mô hình “lãnh đạo công – quản trị tư” vận dụng theo mô hình hoạt động của doanh nghiệp….

Với quan điểm trên, chính quyền Đặc khu Vân Đồn không tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân mà được tổ chức theo thiết chế là trưởng đặc khu, có các phó trưởng đặc khu và cơ quan tham mưu, chuyên môn giúp việc. Đặc khu được tổ chức thành các khu hành chính.

Trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và đặc thù của bộ máy hành chính (do một Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là phó chủ tịch UBND tỉnh đảm nhận chức danh Bí thư đồng thời là Trưởng đặc khu).

Số lượng phó trưởng đặc khu không quá hai, do trưởng đặc khu bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức (sau khi có ý kiến của ban thường vụ tỉnh ủy) và chịu trách nhiệm trước trưởng đặc khu.

Đề án cũng nêu phương án tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân, song Quảng Ninh thể hiện rõ quan điểm lựa chọn phương án tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình trưởng đặc khu.

Đây là mô hình thực hiện chế độ thủ trưởng, thể hiện rõ, đề cao vai trò và trách nhiệm cá nhân trưởng đặc khu với vị trí là ngƣời đứng đầu đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong điều hành, quyết định, chịu trách nhiệm đối với hoạt động của đặc khu, phù hợp với phƣơng thức hoạt động theo mô hình quản trị doanh nghiệp, “lãnh đạo công – quản trị tư” – đề án nêu rõ.

Bài viết mới