PwC: Đà tăng trưởng toàn cầu nhanh nhất trong 9 năm, nhu cầu năng lượng dự báo tăng vọt

Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng gần 4% trong năm 2018 tính theo sức mua tương đương (PPP) và tổng sản phẩm toàn cầu sẽ tăng thêm 5 nghìn tỷ USD tính theo giá hiện hành.

Các động lực chính của nền kinh tế toàn cầu bao gồm Hoa Kỳ, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á và khu vực đồng Euro – dự kiến sẽ đóng góp gần 70% vào tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018, cao hơn so với tỷ lệ trung bình là khoảng 60% trong giai đoạn kể từ sau năm 2000.

Tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng Euro được dự báo sẽ lớn hơn 2% trong năm 2018. Theo PwC, đây có thể sẽ là năm thứ 5 liên tiếp các nền kinh tế nhỏ tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế lớn của khu vực.

Trong số các nền kinh tế lớn sử dụng đồng Euro, Hà Lan được kỳ vọng sẽ dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế với tỷ lệ khoảng 2,5%. Ngược lại, tình trạng mơ hồ về quá trình Brexit có thể sẽ kìm hãm mức tăng trưởng của Vương quốc Anh, dự kiến chỉ đạt 1,4% trong năm 2018.

Chuyên gia kinh tế cấp cao tại PwC, ông Barret Kupelian, nhận định: “Trong năm 2018, chúng tôi cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức cao nhất tính từ năm 2011 đến nay, cùng với đồng hành của ba động lực chính là Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và châu Á. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên theo dõi một số rủi ro sụt giá có thể ảnh hưởng tới họ, như tiến triển của các cuộc đàm phán Brexit, bầu cử tại các nền kinh tế lớn, và khuynh hướng bảo hộ tại một số lĩnh vực của nền kinh tế.”

Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đương có thể sẽ tăng trưởng 6-7% trong năm 2018, tuy có chậm hơn các năm trước nhưng phù hợp với các phân tích dự báo.

Trong số 17 nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc sẽ có sự góp mặt của Ấn Độ, Ghana, Ethiopia và Philippines. Điều này phản ánh rằng cơ sở tăng trưởng đang mở rộng tại châu Phi và châu Á. 8 trên 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất năm 2018 có thể đến từ châu Phi, theo phân tích của PwC.

Với mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm, 2018 được PwC dự báo cũng sẽ là năm có nhu cầu cao nhất về năng lượng trong lịch sử. Nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ tiêu thụ gần 600 triệu tỷ đơn vị nhiệt Anh (khoảng 176 nghìn tỷ kilowatt giờ) trong năm 2018, mức cao nhất trong lịch sử và cao gấp đôi năm 1980. Ấn Độ và Trung Quốc có thể sẽ tiêu thụ đến 30% tổng số năng lượng toàn cầu.

Mặc dù vậy, PwC dự báo rằng giá dầu tính theo giá trị thực tế sẽ khá ổn định, khi mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đồng minh sẽ tiếp tục cắt giảm khai thác 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày đến hết năm 2018.

Như vậy, có thể thấy sau nhiều năm, kinh tế thế giới đã đi vào một chu kỳ tăng trưởng tích cực hơn rất nhiều. Điều này sẽ tác động tốt đến nền kinh tế Việt Nam, vốn có độ mở lớn, theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM. TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF) cũng đồng quan điểm này.

Vì vậy, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị Việt Nam cần phải tận dụng được cơ hội, tích cực hội nhập, tận dụng lợi thế từ những hiệp định thương mại song phương, đa phương để nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế.

Cơn gió bảo hộ, quyết định của FED hay Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ khiến kinh tế Việt Nam thay đổi như thế nào?

Bài viết mới