Chiều ngày 11/1/2018, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã tổ chức buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu OIL trước thời điểm tổ chức IPO vào ngày 25/01 tới đây.
PV Oil sẽ bán đấu giá công khai là gần 207 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ tại HOSE với mức giá khởi điểm là 13.400 đồng/ cổ phần. Tiếp theo, PV Oil sẽ bán hơn 462 triệu cổ phần, , chiếm 44,72% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược, PVN sẽ chỉ còn nắm giữ 35,1% vốn điều lệ sau cổ phần hoá.
Hoạt động kinh doanh của PVOil đến từ 3 mảng chính gồm phân phối xăng dầu, kinh doanh xăng dầu quốc tế và ủy thác xuất/nhập khẩu dầu thô. Trong đó, mảng phân phối xăng dầu chiếm tỷ trọng 76% trong tổng doanh thu, kinh doanh xăng dầu quốc tế chiếm 20%, phần còn lại thuộc về hoạt động xuất nhập khẩu dầu thô. PVOil là doanh nghiệp duy nhất xuất bán dầu thô tại thị trường Việt Nam.
PV Oil cho biết, hiện mảng xăng dầu bao gồm phân phối xăng dầu và pha chế, đóng góp lớn nhất cho PVOil với 77,9% doanh thu và 65,7% LNTT. Mảng kinh doanh lớn thứ hai là dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu dầu thô với mức đóng góp khá khiêm tốn 0,5% doanh thu nhưng mức LNTT đáng kể là 22,7%. Các dịch vụ khác bao gồm mảng giao dịch dầu thô quốc tế dù chiếm đến 21,6% doanh thu nhưng đóng góp lợi nhuận không đáng kể.
Năm 2017, PV Oil cho biết đã hoàn thành 100% kế hoạch kinh doanh với sản lượng 3,2 triệu tấn. Doanh thu hợp nhất đạt 55.979 tỷ đồng và đạt 410 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, vượt 25% kế hoạch năm. PV Oil cho biết, nếu tính đầy đủ khoản thuế form D đang chờ hoàn thì lợi nhuận trước thuế hợp nhất sẽ đạt mức 560 tỷ đồng. Lợi nhuận PV Oil giảm khoảng 80 tỷ so với 2016, nguyên nhân chủ yếu từ việc BSR nghỉ bảo dưỡng, PV Oil phải nhập khẩu dẫn đến chi phí vận chuyển tăng.
Nói về tiềm năng tăng trưởng của PV Oil, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil, Công ty còn nhiều dư địa để gia tăng trưởng trong những năm tới. PVOil có thể cải thiện hiệu quả kinh doanh bằng cách tăng tỷ trọng phân phối qua kênh bán lẻ COCO thông qua chiến lược M&A.
Ông Dương cho biết, hiện PV Oil và Petrolimex đã chiếm đến 70% thị phần xăng dầu trên cả nước, bên cạnh những DN khác như Thalexim và Saigon Petrol thì phần còn lại khoảng15% thị phần thuộc về các DN nhỏ lẻ. Do đó, PV Oil còn nhiều cơ hội mở rộng thịphần thông qua hoạt động mở rộng các trạm bán lẻ hoặc M&A với những công ty khác.
Kế hoạch 5 năm sau cổ phần hoá, PVOil đề ra mục tiêu”35-35-35″ cho giai đoạn 2018-2022 như sau: Tăng tổng thị phần kinh doanh xăng dầu trong nước từ 22% lên 35%; Tăng tỷ trọng kênh bán lẻ qua CHXD/tổng sản lượng từ 22% lên 35%; Tăng tỷ trọng kênh bán cho khách hàng công nghiệp từ 18% lên 35%.
Đến phần thảo luận, tiết lộ với các NĐT về các NĐT chiến lược đang quan tâm đến cổ phần của PV Oil, ông Cao Hoài Dương cho biết, đã có 8 bộ hồ sơ nhà đầu tư chiến lược quan tâm đến PV Oil gồm 6 nhà đầu tư nước ngoài là Shell, IdemitsuKosan Co., Ltd và Kuwait Petroleum International (KPI), Puma (Thuỵ Sỹ), SK (Hàn Quốc) và một nhà đầu tư khác từ Trung Đông; 2 nhà đầu tư trong nước cũng có sự quan tâm đến PVOil là quỹ Sacom và Sovico.
“Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn mua đến 49% cổ phần PV Oil sắp tới. Yêu cầu đặt ra đối với các đối tác chiến lược ngoài tài chính mạnh, cần phải xây dựng được chiến lược phát triển cho PV OILvà phải cam kết không chuyển nhượng cổ phần tại PVOil tối thiểu trong 10 năm.”Ông Dương nói.
Đối với lĩnh vực kinh doanh xăngE5, Ông Dương cho biết, với chính sách của NN, với việc giãn khoảng cách giữa xăng E5 và 95 như hiện nay thì rất nhiều người sẽ chuyển sang dùng xăng E5. Sảnlượng E5 dự kiến trong năm nay khoảng 850 – 1.000m3 và có thể sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Nói về rủi ro liên quan đến khoản tiền tại OceanBank, ông Dương cho biết PV Oil đang có 226 tỷ và 3 triệu USD đang gởi tại OceanBank. “Chúng tôi được NHNN đảm bảo về khoản tiền này. Cần phải chờ hoạt động của OceanBank ổn định thì chúng tôi mới có thể thu tiền về. Khoản tiền này không ảnh hưởng nhiều đến HĐKD của PV Oil.”
Lợi nhuận ổn định nhất là thông qua bán lẻ 540 cửa hàng xăng dầu. Lợi nhuận thứ 2 là bán cho khách hàng công nghiệp. Kênh có lợi nhuận thấp nhất là bán cho đại lý. các đại lý của PV Oil đang chiếm 60% sản lượng của PV Oil, khách hàng công nghiệp. Kênh bán hàng của PV Oil đang chiếm khoảng 24%. Hiện kênh đại lý đang cạnh tranh rất mạnh, PV Oil sẽ không chủ trương phát triển kênh bán buôn này mà tăng tỷ trọng bán lẻ để gia tăng lợi nhuận.
Tuy vậy, nhà đầu tư cũng tỏ ra băn khoăn về mục tiêu tăng thêm 1.050 cửa hàng mới trong giai đoạn 2018-2022 so với con số 450 cây xăng hiện tại liệu có khả thi? Được biết, kế hoạch này được thực hiện thông qua việc đầu tư mới 90 cửa hàng/năm và thuê dài hạn/M&A 120 cửa hàng/năm. Thực tế trong năm 2017, PVOIL mới chỉ mở thêm được khoảng 40 trạm xăng mới và tiến độ M&A dự kiến là sẽ rất tốn kém.
Ông Dương cho biết thêm, PV Oil sẽ áp dụng chiến lược ‘lấy nông thôn vây thành thị’, tức là không đầu tư vào các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. HCM mà tập trung đầu tư ở các vùng nông thôn, thị trấn,các khu công nghiệp hay các khu dân cư mới,…Bởi ngoài vấn đề về quy hoạch, khoản đầu tư vào các cây xăng ở các TP lớn tốn kém hơn rất nhiều. Mỗi cây xăng ở TP lớn phải tốn khoảng 50 tỷ đồng thì tại các khu vực PV Oil đầu tư chỉ khoảng 8-12 tỷ đồng. IRR của mỗi cây xăng vào khoảng 12,5%. Ngoài ra, PV Oil sẽ tập trung vào hoạt động M&A để đạt mục tiêu nâng thị phần.
Một trong những yếu tố được quan tâm khác đó là sau khi nhà máy Nghi Sơn hoạt động, PV Oil sẽ bao tiêu bao nhiêu % sản phẩm và việc cam kết như thế có cạnh tranh hay không? Theo TGĐ PV Oil, hàng từ Dung Quất (BSR), Nghi Sơn hoàn toàn có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu. PV Oil và Petrolimex hay các DN khác hoàn toàn có thể chọn nhập hàng hoặc mua từ Nghi Sơn và BSR. Nguồn nhập từ Asean hoặc Hàn Quốc, mất hơn 1 tháng để hàng về từ ngày ký hợp đồng. Có rất nhiều rủi ro từ giá biến động và nhiều rủi ro khác. Trong khi đó, hàng từ Nghi Sơn và BSR chỉ mất 3 ngày.