Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC – mã PVS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2017 với doanh thu thuần 5.856 tỷ đồng – tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán trong kỳ lên tới 5.839 tỷ đồng, chiếm gần hết doanh thu khiến lãi gộp quý 4 của PVS chỉ còn 16,76 tỷ đồng.
Trong kỳ, công ty ghi nhận 99 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong khi chi phí tài chính lại được tiết giảm gần 60% còn 22,86 tỷ đồng. Chi phí bán hàng trong kỳ cũng giảm 35% xuống còn 27,8 tỷ đồng.
Dù vậy, chi phí quản lý doanh nghiệp của PVS lại tăng gấp hơn 2 lần lên xấp xỉ 193 tỷ đồng do công ty trích lập, xử lý các khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi. Cụ thể, trong quý 4/2017, PVS đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi làm tăng chi phí quản lý là 1,51 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016, PVS đã thực hiện hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi làm giảm chi phí quản lý là 83,56 tỷ đồng.
Cũng trong quý 4, PVS chỉ ghi nhận 42,8 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết, trong khi cùng kỳ năm trước lên tới gần 166 tỷ đồng. Theo PVS, việc sụt giảm lợi nhuận này chủ yếu đến từ các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tàu chứa và xử lý dầu thô (FSO/FPSO) sụt giảm.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ PVS quý 4/2017 đạt gần 125 tỷ đồng – giảm 44% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế năm 2017, PVS đạt doanh thu thuần 16.729 tỷ đồng – giảm 10%; Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 801 tỷ đồng – giảm 23% so với năm 2016. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2017 đạt 1.729 đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản PVS đạt 23.135 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 1.000 tỷ đồng xuống còn 5.150 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm mạnh từ mức 1,650 tỷ xuống 434 tỷ đồng.
Vay nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm đáng kể từ mức 432 tỷ đồng xuống 233 tỷ đồng; vay nợ dài hạn cũng giảm từ 1,143 tỷ đồng xuống 921 tỷ đồng.
Mới đây, PVS đã ban hành nghị quyết ạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2017 với tỷ lệ 5%. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2017.