Phương án tái cơ cấu SCIC đã được Thủ tướng phê duyệt

Phương án nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của SCIC theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật; Tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, đưa SCIC thực sự thành một công cụ, kênh truyền vốn nhà nước,…

Theo đó, ngành, nghề kinh doanh chính của SCIC gồm:

-Đầu tư và quản lý vốn theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao

-Tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ

-Tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định hiện hành

Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính của SCIC gồm:

-Đầu tư và kinh doanh vốn vào các ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật;

-Cung cấp các dịch vụ tư vấn: Đầu tư, tài chính; chuyển đổi, quản trị, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, còn có các ngành, nghề khác được Chính phủ, Thủ tướng giao.

Phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020 thực hiện theo Quyết định số 1001 ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo phương án này, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ SCIC, trong đó, tập trung vào sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty và Nghị định thay thế Nghị định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty;

SCIC cần sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực.

Đồng thời phát triển và quản lý nguồn nhân lực một cách có hệ thống, kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu quản trị. Bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện phần vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn để làm tốt vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường cơ chế đãi ngộ, khuyến khích người lao động, xây dựng cơ chế, chính sách huy động các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực đầu tư và tài chính.

Bên cạnh đó tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ; trong ký kết và thực hiện các hợp đồng với những người có liên quan đến người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; rà soát, xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật…

SCIC xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập; phê duyệt phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên phù hợp với nội dung Phương án này.

SCIC cũng phải ban hành tiêu chí phân nhóm doanh nghiệp, phương án tái cơ cấu và xây dựng lộ trình bán vốn theo từng năm giai đoạn 2017-2020 báo cáo Bộ Tài chính để giám sát, đôn đốc thực hiện; gửi Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam

Bài viết mới