“Với mạng lưới bán lẻ xăng dầu Petrolimex hiện nay, chúng tôi rất sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh hết sức sòng phẳng, minh bạch trên thị trường trong thời gian tới” – ông Nguyễn Quang Dũng cho biết.
Theo ông Nguyễn Quang Dũng, phát triển mạng lưới phân phối xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu là việc không đơn giản. Quá trình tổ chức sản xuất, vận chuyển, hậu cần, cung ứng ra thị trường,… đều phải chấp hành các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn phòng chống cháy nổ và buộc doanh nghiệp phải thiết lập kênh phân phối riêng. Trong khi đó, chỉ riêng hệ thống bán lẻ đã đòi hỏi nhiều yếu tố như thời gian, vị trí. Doanh nghiệp không thể dùng tiền để nhanh chóng phát triển mạng lưới phân phối.
“Tôi cho rằng trong phát triển mạng lưới phân phối, đặc biệt là hệ thống bán lẻ xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu, nguồn vốn hay tiền không phải là yếu tố quyết định quan trọng đầu tiên. Yếu tố đầu tiên là thời gian, vị trí, cơ hội,… Bên cạnh đó, chi phí cơ hội ở đây cũng rất lớn. Có thể khi xây dựng một hệ thống phân phối đủ lớn, phủ đủ rộng thì cơ hội kinh doanh, môi trường kinh doanh, thậm chí cả lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề kinh doanh đã thay đổi rất nhiều với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật” – ông Nguyễn Quang Dũng nói.
Về nhận diện thương hiệu, ông Dũng bày tỏ sự tự tin khi biểu tượng chữ “P” của công ty đã được nhiều người biết đến. Đây cũng là một phần tạo nên giá trị của Tập đoàn. Đại diện Petrolimex cho rằng, nhà đầu tư, người tiêu dùng trên 63 tỉnh, thành phố đều ủng hộ Petrolimex. Thậm chí, sản lượng bán lẻ xăng dầu đã tăng tới 30-50% sau khi Petrolimex triển khai nhận diện thương hiệu của Tập đoàn tại một cửa hàng xăng dầu nhỏ mới được mua lại.
“Chúng tôi cho rằng sự tham gia của liên doanh như Idemitsu là tín hiệu tốt cho thị trường. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, về phía mình, chúng tôi tự tin là nếu tất cả cùng tổ chức kinh doanh trên mặt bằng chung, trên thị trường bình đẳng về cơ chế chính sách, cơ hội được chia đều cho tất cả các doanh nghiệp thì Petrolimex luôn sẵn sàng đồng hành cùng tất cả các đối thủ” – ông Nguyễn Quang Dũng khẳng định.
Lễ khánh thành trạm xăng đầu tiên của Idemitsu Q8.
Trước đó, ngày 05/10 trạm bán lẻ xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu 100% vốn nước ngoài đã chính thức mở cửa. Trạm xăng đặt tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Công ty chủ quản là Idemitsu Q8 Petroleum LLC, liên doanh giữa Idemitsu Kosan (Nhật Bản) và Kuwait Petroleum International Ltd (Kuwait). Đây cũng là 2 doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cho biết, Việt Nam phải chấp nhận cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mở hệ thống phân phối xăng dầu, dù đây là điều không được cam kết trong WTO, TPP, EVFTA.
“Trong WTO, TPP, EVFTA, chúng ta không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu. Nhà đầu tư nước ngoài không được phép lập mạng lưới buôn bán xăng dầu của họ tại nước mình. Nhưng thực tế là những nhà đầu tư vào lọc hóa dầu có quyền thiết lập mạng lưới phân phối của họ tại thị trường Việt Nam. Nghi Sơn có quyền tổ chức mạng lưới phân phối xăng dầu tại Việt Nam. Điều này hơi ngược với cam kết, nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận. Bởi lẽ, có như vậy, người ta mới đầu tư vào lọc dầu, cái mà chúng ta đang cần” – ông Trương Đình Tuyển giải thích.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cảnh báo, ngành xăng dầu có thể chịu thiệt hại nặng hơn ngành bán lẻ nếu không giữ được sự tỉnh táo. Bởi vì, rất có thể hệ thống bán lẻ xăng dầu sẽ rơi vào tay các đối thủ nước ngoài khi sẽ có thêm 3 nhà máy lọc dầu trong nước được khởi công trong thời gian tới. 3 dự án xây dựng nhà máy được ông Ruệ nhắc đến là Dự án lọc dầu Nhơn Hội (Bình Định), Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (Khánh Hòa), Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên).