Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Trong cách mạng 4.0, tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, các nước đang phát triển có thể đi nhanh hơn các nước phát triển

Trong hơn nửa thế kỷ qua, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực của kinh tế thế giới, một phần chính là nhờ hợp tác liên kết kinh tế sâu rộng và tận dụng được những tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là vai trò quan trọng của khu vực nông nghiệp và hệ thống doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Phát biểu dẫn đề phiên toàn thể thứ 2 của Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APEC 26) với chủ đề Các vấn đề kinh tế và Thương mại, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Thế giới ngày nay đang biến chuyển sâu sắc trên nhiều phương diện dưới sự tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như sự khác biệt trong quan điểm phát triển, toàn cầu hóa cũng như sức ép cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu”.

Trước những thách thức đang tồn tại, các nước cần phải đổi mới tư duy phát triển và đẩy mạnh liên kết, hợp tác trên nhiều phương diện, đặc biệt là về các vấn đề như vai trò của Nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; an ninh lương thực và phát triển bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó lấy hội nhập kinh tế quốc tế làm trọng tâm. Ở thời điểm hiện tại, Kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Việt Nam có quan hệ Kinh tế – thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng kinh ngạch xuất khẩu tăng nhanh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Trong cách mạng 4.0, tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, các nước đang phát triển có thể đi nhanh hơn các nước phát triển - Ảnh 1.

Ảnh: BTC

“Việt Nam cần 4 năm để tăng kim ngạch thương mại từ mức 200 tỷ USD lên 300 tỷ USD nhưng chỉ cần 2 năm để tăng từ mức 300 lên 400 tỷ USD và đạt mức 425 tỷ USD trong cuối năm 2017, hơn gấp 1,9 lần tăng trưởng GDP”, Phó thủ tướng chia sẻ đồng thời nhấn mạnh Việt Nam đang tích cực xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, thực thi FTA đã ký, đàm phán và thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do mới như RCEP hay CPTPP.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ những trở ngại, thách thức trước sự nổi lên của xu hướng bảo hộ và những quan điểm khác biệt về hội nhập và toàn cầu hóa. Trong bối cảnh đó, hợp tác liên kết giữa các nền kinh tế trong khu vực càng phải sâu sắc hơn, xử lý hiệu quả hơn những cản trở thương mại và đầu tư vì sự phát triển bền vững.

“Chúng ta cần có những hành động thiết thực nhằm cải thiện kết nối, tập trung vào 3 trọng tâm là hạ tầng, con người và thể chế mà trong đó Nghị viện đóng vai trò quan trọng là cơ quan lập pháp tại mỗi quốc gia”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Sự phát triển bùng nổ của Internet và ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo ra sự kết nối mạnh mẽ chưa từng có và mang đến nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa như tiếp cận công nghệ thuậ lợi hơn, chi phí rẻ hơn và gắn kết với phát triển thương mại điện tử.

“Cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 không chỉ dành cho các nước phát triển mà cho cả các nước đang phát triển như Việt Nam. Thế giới ngày hôm nay là thế giới của công nghệ và sáng tạo. Trong thời đại này, với nhiều công nghệ mang tính sáng tạo phá hủy đã loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, của hạ tầng cũ và môi trường kinh doanh cũ. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, tương lai và triển vọng kinh tế của mỗi quốc gia không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nên một quốc gia đang phát triển, với ít hành trang của quá khứ, hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển”, Phó Thủ tướng nhận định.

Bên cạnh tiềm năng và thách thức từ công nghệ, Phó Thủ tướng cũng đề cập tới tác động của biến đổi khí hậu, vốn đang diễn biến nhanh và phức tạp hơn so với dự báo. Thiên tai, biến động thời tiết bất thường kéo theo những hệ lụy ngày càng lớn, nhất và với sản xuất nông nghiệp. Nhiều quốc gia, trong đó có các ở Đồng bằng sông Mê Kông, đứng trước thách thức chưa từng có. Riêng thiệt hại do thiên tai bất thường trong năm 2017, Việt Nam đã thiệt hại gần 3 tỷ USD.

Tình hình khu vực châu Á – Thái bình Dương tiếp tục biến chuyển mạnh mẽ với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xem. Thực trạng này đặt ra yêu cầu mới đối với các chủ thể kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp. Những doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đứng trước áp lực lớn, đòi hỏi nỗ lực để cải thiện khả năng cạnh tranh và chọn hướng đi thân thiện với môi trường để tránh rủi ro tiềm ẩn.

“Việc hiện thực hóa các cơ hội từ thị trường rộng lớn của khu vực và từ Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nỗ lực không chỉ của từng quốc gia mà còn trong liên kết hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt điều này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.

Phát biểu Báo cáo về kết quả Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và hợp tác trong APEC, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhắc lại những thành công to lớn của năm APEC 2017 và khẳng định có nhiều lĩnh vực APPF và APEC có thể bổ trợ lẫn nhau, cụ thể là thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tăng trưởng bền vững và phát triển bao trùm, làm sâu sắc thêm tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, ủng hộ hệ thống thương mại đa biên, an ninh lương thực, doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ cũng như trao quyền cho phụ nữ.

“Chúng tôi mong muốn hợp tác với các thành viên APPF khác để Hội nghị APPF 26 thành công tốt đẹp với kết quả cụ thể, góp phần tăng cường lực lượng giữa APEC và APPF, hướng tới thịnh vượng chung và tương lai tốt đẹp hơn của cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương”, ông Sơn nhấn mạnh.

Vũ khí hạt nhân Triều Tiên và những vấn đề nóng bỏng nhất thế giới được bàn thảo trong ngày làm việc thứ 2 của APPF 26

Bài viết mới