4 thách thức của Việt Nam trong CMCN 4.0
Theo Phó Thủ tướng, chính thực tế đã chứng minh mệnh đề trên. 90% dân số trưởng thành ở Kenya, trên 40% dân số trưởng thành ở Tanzania, Zimbabwe hay Namibia đã thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán qua di động – điều mà đại đa số người dân châu Âu và Bắc Mỹ chưa có thói quen. Uber đã thua DiDi thị trường Trung Quốc và bị cạnh tranh gay gắt bởi Grab tại nhiều nước Đông Nam Á. Alibaba giúp hàng triệu hộ kinh doanh tại Trung Quốc tham gia vào nền kinh tế số, tăng sức cạnh tranh của quốc gia này trên phạm vi toàn cầu.
“Có thể thấy rằng, để thành công, mỗi quốc gia, doanh nghiệp cần đưa ra giải pháp với cách tiếp cận riêng và tạo sự khác biệt. Biết phát hiện vấn đề và có một tầm nhìn khác biệt là vô cùng quan trọng để đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên phía trước trong bối cảnh ngày nay” – Phó Thủ tướng nói.
Trọng tâm của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là việc xây dựng một thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số, tạo thuận lợi và thúc đẩy những giá trị, những giải pháp phát triển mới. Ông Vương Đình Huệ đánh giá, thiết bị phiên dịch tự động của Google (mới được công bố) là một minh chứng rõ nét cho thấy tiềm năng của công nghệ kết nối.
“Thế giới siêu kết nối sẽ tạo cơ hội cho mọi cá nhân, gia đình, cũng như tổ chức ở mọi vùng miền, không phân biệt biên giới, hải đảo, nông thôn hay thành thị. Thế giới siêu kết nối cũng kết nối vạn vật, thiên nhiên và cuộc sống của chúng ta. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp. Đây chính là cơ hội cho sự phát triển bao trùm.” – ông Vương Đình Huệ khẳng định.
Thế giới đầy ắp những cơ hội đột phá, mang tính sáng tạo khiến cho tương lai và triển vọng kinh tế không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Do đó, ông Huệ cho rằng, một quốc gia đang phát triển với một ít hành trang của quá khứ hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp những nước phát triển. Hơn thế, cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng về phát hiện nhu cầu hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và, một nước đang phát triển với nhiều nhu cầu và vấn đề như Việt Nam lại có lợi thế về không gian cho sự phát triển.
Các diễn giả đang trao đổi về năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Tuy nhiên, Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức về năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm đối với Việt Nam. Phó Thủ tướng đã chỉ ra 4 thách thức như sau:
Thứ nhất, thay đổi mô hình kinh doanh, tự động hóa, gây ra xáo trộn, chuyển dịch thay thế lao động quy mô lớn
Thứ hai, xu hướng phân cực dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thị trường lao động, tạo ra những thách thức lớn, đòi hỏi lực lượng lao động chất lượng cao, có khả năng thích ứng nhanh và năng lực đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, sự phổ cập của công nghệ số sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân ở từng vùng miền. Nhưng đồng thời cũng đặt ra nguy cơ tụt hậu đói với những người không may mắn nắm bắt được cơ hội.
Thứ tư, những mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số xuyên quốc gia đăt ra vấn đề về nghia vụ tài chính, cạnh tranh công bằng mà câu chuyện gần đây về taxi truyền thống và taxi công nghệ là một ví dụ điển hình.
Phó Thử tướng Vương Đình Huệ nhận đinh, mỗi nước đi sau có thể có lợi thế hơn nếu biết học hỏi, lựa chọn hướng đi và tiến nhanh hơn về phía trước. Chỉ có đi trước theo những lựa chọn của riêng mình mới thay đổi được thứ hạng của quốc gia.
“Do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã lỡ nhịp cả 3 cuộc cách mạng ông nghiệp trước đây. Chúng ta cần có sự chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm thì mới có thể nắm bắt được thời cơ, thực hiện được khát vọng thay đổi đất nước” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
CMCN 4.0 sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự bất bình đẳng
Ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng, trở thành nước có thu nhập cao đang là công việc đầy khó khăn đối với Việt Nam. Đây cũng là con đường hết sức khó khăn đối với các nước khác khi cần tránh “bẫy thu nhập trung bình”.
Ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần tập trung vào chất lượng của lao động thay vì giá thành của lao động. Mỗi người cần suy nghĩ đến những cách thức tương lai, con đường mà chúng ta sẽ đi, và liệu cách mạng công nghiệp sẽ thay đổi Việt Nam như thế nào?
“Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư là vấn đề lớn và sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự bất bình đẳng. Chúng ta cần nhìn về tương lai để tìm ra cách thực hiện chính sách bảo đảm tăng trưởng sẽ mang tính bao trùm hơn. Đây không phải trách nhiệm của chính phủ mà còn là trách nhiệm của các nhóm tư nhân” – Justin Wood nói.
Do đó, mọi người cần cùng nhau tư duy về năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm xuất phát từ quan điểm của Việt Nam, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ đó, đề ra những ý tưởng, lộ trình dài hạn.
Đại diện WEF khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Hiện tại, các nhóm nghiên cứu của WEF đang thực hiện nhiều chương trình hợp tác với cơ quan Hải quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,…
Theo ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, hội thảo Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư là bước khởi đầu tốt đẹp trong “Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai”. Hồi tháng 1/2017, thỏa thuận đã được ký kết tại Davos (Thụy Sỹ), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Klaus Schwab.