Theo Phó Thủ tướng, chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0” đã được đề cập, thảo luận, tranh luận nhiều, bây giờ là lúc phải hành động, “dấn thân hơn nữa”, “mạnh dạn hơn nữa” nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả các lĩnh vực; phát huy sáng tạo trong đổi mới khoa học, công nghệ; phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo; phát triển thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh; đào tạo nhân lực CNTT; ứng dụng CNTT trong điều hành, quản trị tại tất cả cơ quan, tổ chức, DN, cơ quan Nhà nước…
Vừa qua, chỉ số năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 12 bậc, đứng thứ 47 thế giới; chỉ số Chính phủ điện tử tăng 10 bậc có sự đóng góp không nhỏ của CNTT. Tuy nhiên, cũng có không ít nguy cơ về an toàn, an ninh mạng khi Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về vấn nạn spam, mã độc, phần mềm gián điệp trong các máy tính.
“Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới thay đổi, chắc chắn chúng ta phải kết nối chặt chẽ hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh “đây là trách nhiệm rất lớn, rất nặng nề của ngành CNTT cần được thực hiện với một tâm thế mới, quyết tâm mới vì cộng đồng”.
Lấy ví dụ từ yêu cầu phải phát triển hạ tầng công nghệ thông tin mạnh, với mạng di động 4G, đưa cáp quang đến từng gia đình, Phó Thủ tướng cho rằng, nếu chỉ vì lợi ích kinh tế thì chưa chắc các doanh nghiệp (DN) đã muốn đầu tư. Vì vậy, các bộ, cơ quan quản lý Nhà nước phải có những chính sách thiết thực về băng thông, giá cước… “để đưa cáp quang về mọi ngõ ngách. Giống như trước kia đưa điện thoại cố định về mọi ngõ ngách, thì nay là smartphone, băng rộng”.
“Bước vào kỷ nguyên mới phát triển hạ tầng CNTT phải làm lại một cách rất chuyên nghiệp từ kiến trúc chung cho đến các trung tâm dữ liệu và đặc biệt là phải tiến tới xây dựng dữ liệu mở, trước hết là các bộ, ngành, rồi đến DN và tất cả mọi người. Chỉ có chia sẻ, kết nối dữ liệu thì mọi ứng dụng mới thuận lợi, để mọi DN CNTT, DN khởi nghiệp sáng tạo mới có ‘vùng đất’ làm ra sản phẩm mới đem lại lợi ích cho cộng đồng”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Đình Nam
Kết quả khảo sát của Ban Tổ chức ICT Summit 2017 đối với 275 cơ quan, đơn vị tham dự cho thấy: 35,2% đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0; 58,7% đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì; 6,1% chưa tìm hiểu và chưa biết chuẩn bị ra sao.
Những thế mạnh của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nguồn nhân lực (77,7%), nhận thức và quyết tâm hành động của Chính phủ (70,4%) và hạ tầng CNTT & viễn thông (59,1%).
Ba giải pháp quan trọng: Đào tạo nguồn nhân lực (81.8%), thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế (70%), thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo (53%).
Những ngành kinh tế Việt Nam có lợi thế: CNTT (89,9%), du lịch (45,7%), nông nghiệp (44,9%), tài chính, ngân hàng (47%) và logistic (28,3%).
Nhắc lại ý kiến đã được nêu trong ICT Summit 2015 về thuê dịch vụ CNTT, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện chủ trương này mạnh mẽ hơn nữa. Số dịch vụ công cấp 3, cấp 4 phải được đặt ra, tính toán về mức độ hoàn thành công việc của tất cả các cấp chính quyền.
“Không cần đặt những bài toán lớn cho anh em làm CNTT, các đồng chí lãnh đạo địa phương chỉ cần yêu cầu về số lượng các dịch vụ công phải làm trực tuyến ở cấp 3, cấp 4 thì sẽ có nhiều kết quả rất tốt từ cải cách bộ máy hành chính, phòng chống tiêu cực đến năng lực tham mưu, điều hành, quản lý sẽ được nâng lên rõ rệt”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Phó Thủ tướng cũng dẫn chứng những vướng mắc trong vận hành phần mềm quản lý tại các bệnh viện địa phương liên quan đến quản lý bảo hiểm y tế và đề nghị cộng đồng DN CNTT cũng phải thay đổi nhằm cung cấp các dịch vụ, giải pháp căn bản, chuyên nghiệp, tổng thể cho người dùng thay vì “làm nhỏ lẻ, làm lấy được”.
“Các DN phải kết hợp với nhau phát triển những phần mềm có độ tin cậy cao, thông suốt trong mọi tình huống, trường hợp. Đối với những ứng dụng mới như hệ chuyên gia, thẻ thông minh… DN không chỉ cần dấn thân mà còn cần được tiếp thêm sức mạnh từ cộng đồng”.
Đề cập đến vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là cơ hội kinh doanh và cũng là trách nhiệm của từng DN. Về phía các cơ quan Nhà nước cần có những văn bản quy phạm hoàn chỉnh về lĩnh vực này.
“Chúng ta đẩy mạnh ứng dụng CNTT mà không chú ý đến các yếu tố kỹ thuật, nhân lực, cơ chế về an toàn, an ninh mạng thì đến lúc sẽ phải trả giá rất đắt so với những gì đạt được”.
Về đào tạo nhân lực CNTT, Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những đổi mới về chính sách, nỗ lực của Nhà nước, trường đại học thì rất cần sự vào cuộc thực sự của cộng đồng DN CNTT.
“Bộ GD&ĐT đã đồng ý đưa ra những quy định hết sức đặc thù riêng với ngành CNTT để các DN CNTT tham gia đào tạo cùng với các trường đại học, cao đẳng. Một mặt khắc phục tình trạng nhân lực CNTT thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, đồng thời giúp sinh viên tiết kiệm thời gian để học những vấn đề thực sự cần thiết trong công việc sau này tại các DN”.
“Chúng ta đã nói với nhau nhiều lần. Đất nước còn rất nghèo, đất nước chỉ bứt lên được nếu chúng ta có sự đột phá. Các tổ chức quốc tế đã chỉ ra rằng, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, 20 năm tới đây Việt Nam phải tăng GDP 7,5-8% mỗi năm. Tăng trưởng phải bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường, thuần phong mỹ tục… Chúng ta có chịu thua không, chúng ta có dám dấn thân không?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi, đồng thời chỉ rõ: Nếu nhân lực là chuyện “con trâu đi trước, cái cày theo sau” thì không bao giờ thoát được, bài toán chỉ có thể giải được từ chính nguồn nhân lực tập trung vào những lĩnh vực mới, có thể tạo ra những bước phát triển đột phá.
Là diễn dàn thường niên, ICT Summit 2017 có sự tham dự của hơn 650 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, đại diện diện sở, ngành của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước, đại sứ, tham tán thương mại của 14 quốc gia tại Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các DN, tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới và Việt Nam.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để Việt Nam tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 theo 4 phiên tọa đàm chuyên sâu: “Nhận thức về Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0”, “Thế mạnh kinh tế số Việt Nam – Công nghiệp số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh”, “Thành phố thông minh – Smart City”; “Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”.