Cởi mở, hợp tác – nhân tố then chốt tạo động lực tăng trưởng cho mỗi quốc gia
Bày tỏ vui mừng tham dự Hội nghị Tương lai châu Á (The Future of Asia) lần thứ 24 tại Tokyo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho rằng, đây là diễn đàn đối thoại chính sách hàng đầu thế giới, trở thành điểm gặp gỡ thường niên của các nhà lãnh đạo châu Á, các học giả, doanh nghiệp để cùng chia sẻ các vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của châu lục.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đang chứng kiến giai đoạn hoà bình lâu dài nhất của châu Á trong lịch sử hiện đại. Môi trường hoà bình, hợp tác cùng với định hướng phát triển đúng đắn đã giúp châu Á trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá với quy mô GDP hiện chiếm 45% tổng GDP thế giới và dự kiến sẽ đạt 50% vào năm 2025. Các quốc gia châu Á đóng vai trò ngày càng lớn trong dòng chảy thương mại và đầu tư thế giới, đến nay đã đạt 1/3 tổng vốn FDI và kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu.
Những thành tựu to lớn này là kết quả của các chính sách mở cửa, thúc đẩy tự do hoá thương mại, tăng cường kết nối khu vực, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho doanh nghiệp. Sự kiên định về định hướng phát triển nhưng linh hoạt điều chỉnh đã giúp các nước châu Á vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính lớn và ngày càng mở rộng vai trò, vị thế của mình.
“Sự cởi mở, tinh thần hợp tác chính là những nhân tố then chốt cho quá trình phục hồi và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của từng quốc gia nói riêng và toàn châu Á nói chung”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đề cập đến tình hình kinh tế châu Á năm 2017 với những kết quả ấn tượng, Phó Thủ tướng lưu ý, lạc quan về tương lai nhưng chúng ta cần nhận thức rõ những thách thức tiềm ẩn đối với kinh tế khu vực và toàn cầu để có cách ứng xử phù hợp.
Ba rủi ro lớn nền kinh tế châu Á phải đối mặt
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến 3 rủi ro lớn mà kinh tế châu Á phải đối mặt.
Thứ nhất, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, tính bất định gia tăng trong chính sách của các cường quốc, căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Cạnh tranh và xung đột địa chính trị sẽ tác động mạnh đến niềm tin của doanh nghiệp và người dân, gây tắc nghẽn dòng chảy thương mại và đầu tư của cả châu lục. Cũng như vậy, các điểm nóng, các tranh chấp trong khu vực không được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế thì sự thịnh vượng và tương lai của cả khu vực cũng sẽ bị đe doạ. Những diễn biến gần đây trên Biển Đông ngày càng trở thành nguy cơ đáng lo ngại đối với hòa bình, an ninh, trong đó có an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải.
“Trong một thế giới lợi ích đan xen chặt chẽ như ngày nay, bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng có thể làm rối loạn hệ thống tài chính quốc tế, gián đoạn các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Những chính sách đi ngược với xu thế toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại và đầu tư sẽ để lại hệ luỵ sâu rộng khó lường. Việc đặt lợi ích quốc gia đối lập với lợi ích toàn cầu sẽ làm xói mòn lòng tin và những thành quả đã đạt được”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Thứ hai, tiến bộ khoa học và công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra những cơ hội phát triển to lớn nhưng cũng đem lại không ít khó khăn thách thức cho các quốc gia châu Á, nhất là các nước đang phát triển, có nền kinh tế dựa nhiều vào lao động giản đơn. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hơn 2/3 lao động trong ngành dệt may và da giày cũng như những ngành sản xuất có tỉ lệ lao động thủ công cao tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng khoa học công nghệ.
Thứ ba, các vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, an ninh lương thực-nước-năng lượng, dịch bệnh, an ninh biển, biến đổi khí hậu cũng như khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội là những thách thức ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sự phát triển của các quốc gia châu Á. Trong những giai đoạn phát triển, thế giới nói chung, châu Á nói riêng đã từng phải trả giá và chịu nhiều hậu quả và hệ lụy từ ô nhiễm môi trường. Vì vậy để có một tương lai tốt đẹp cho một châu Á thịnh vượng và ổn định, vì một hành tinh xanh hòa bình, chúng ta cần phải coi bảo vệ môi trường là một trụ cột cho sự phát triển. Giải quyết những thách thức này không còn là vấn đề của riêng từng quốc gia mà cần có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ để tìm giải pháp ở tầm khu vực, toàn cầu.
Trước các thách thức kể trên, Phó Thủ tướng cho rằng, châu Á cần kiên trì theo đuổi các chính sách phát triển theo hướng tăng cường sự cởi mở, kết nối, làm sâu sắc hơn hiểu biết lẫn nhau, vượt qua khác biệt, đẩy mạnh phối hợp chính sách.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Do vậy, Phó Thủ tướng đề cập một số quan điểm về phát triển của châu Á trong thời gian tới.
Đó là, cần tuân thủ pháp luật quốc tế nói chung và nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của WTO. Nghiêm chỉnh thực hiện các hiệp định và cơ chế giải quyết tranh chấp đã được thống nhất là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của tất cả các quốc gia thành viên, dù lớn hay nhỏ. Hơn bao giờ hết, các cường quốc thế giới và khu vực cần đề cao uy tín quốc gia, đóng vai trò đi đầu trong việc tuân thủ hệ thống pháp luật quốc tế nói chung và các quy định của WTO nói riêng.
Là khu vực đi đầu về hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế với trên 150 hiệp định thương mại tự do, chiếm 58% của thế giới, châu Á cần có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn nữa ủng hộ hệ thống thương mại đa phương tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ.
Quá trình hội nhập và mở cửa không nên và không thể chỉ dừng ở cắt giảm thuế quan mà cần mở rộng, bao trùm toàn diện các khía cạnh của sản xuất, đầu tư, thương mại, vận chuyển, logistics để bảo đảm hài hoà lợi ích của tất cả các bên tham gia, phục vụ mục tiêu chung về phát triển bền vững và bao trùm.
Việt Nam kỳ vọng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, RCEP không chỉ góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực toàn diện hơn và mạnh mẽ hơn mà còn trở thành hình mẫu cho những sáng kiến hội nhập kinh tế chất lượng cao.
Mức độ mở cửa kinh tế phù hợp với tốc độ và trình độ phát triển của quốc gia
Theo Phó Thủ tướng, đưa mức độ mở cửa nền kinh tế phù hợp với tốc độ và trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Một nền kinh tế sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi có mức độ mở cửa tương ứng với vị trí và tiềm lực của mình. Do vậy, đẩy mạnh mở cửa kinh tế cho phù hợp với tốc độ và trình độ phát triển là lựa chọn đúng đắn vì lợi ích quốc gia nói riêng và lợi ích của khu vực nói chung. Việt Nam hy vọng các cam kết tự do hoá, mở cửa thị trường của lãnh đạo cấp cao các cường quốc châu Á sẽ sớm được hiện thực hoá. Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản trong việc thúc đẩy hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định CPTPP và mong rằng Nhật Bản, đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhiều quốc gia châu Á, sẽ là đầu tàu thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế khu vực.
Cho rằng quan điểm tăng trưởng bằng mọi giá, dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ không còn là lựa chọn phù hợp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh để bắt kịp các xu thế mới và duy trì tăng trưởng dài lâu, bền vững, cần có một tư duy mới về phát triển lấy sự cân bằng, hài hoà, cởi mở, hợp tác làm cơ sở, lấy con người là yếu tố trung tâm và sáng tạo là động lực của phát triển.
Trước mắt các nước châu Á cần chuẩn bị nền tảng kỹ thuật số và nguồn nhân lực có chất lượng; xây dựng chính sách phát triển kinh tế song hành với quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; phát huy các cơ chế phối hợp đa phương và nhiều bên để tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các thách thức an ninh phi truyền thống trên cơ sở bảo đảm đồng thuận, hài hoà lợi ích các quốc gia liên quan.
Đồng thời, tăng cường xây dựng lòng tin để bảo đảm môi trường an ninh, chính trị hòa bình, ổn định cho phát triển. Tích cực đối thoại, xây dựng lòng tin, tạo quan hệ gắn kết lành mạnh giữa các chính phủ và người dân là cơ sở quan trọng để các nước có được sự thống nhất về ưu tiên và phối hợp hành động giải quyết những thách thức chung.
Bài học từ lịch sử thế giới cho thấy không một quốc gia nào phát triển được nếu không có hòa bình và ổn định. Do đó, để khu vực tiếp tục là động lực phát triển của thế giới, tất cả người dân trong khu vực có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, việc xây dựng lòng tin giữa các quốc gia để bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, mở cửa, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm cũng sẽ giúp châu Á tăng cường hội nhập, tiếp thu những tinh hoa, giá trị văn hóa của các châu lục khác, làm phong phú thêm giá trị và phát huy sức mạnh mềm của khu vực châu Á.
Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ những tiến bộ quan trọng mà Việt Nam đạt được trong ba thập kỷ qua gắn liền với vị thế ngày càng tăng của châu Á và quá trình liên kết kinh tế khu vực. Đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa đã giúp Việt Nam vượt qua khó khăn và hội nhập sâu rộng với thế giới.
Công cuộc đổi mới, mở cửa đã giúp Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ và đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,6%/năm trong ba thập kỷ qua, đến nay quy mô GDP của Việt Nam tăng gấp 35 lần, đạt 220 tỷ USD năm 2017 và dự kiến đạt 300 tỷ USD vào năm 2020. Trong năm 2017, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát (ở mức 3,5%), kim ngạch thương mại đạt mức kỷ lục 425 tỷ USD, dự trữ ngoại hối trên 60 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam đã thu hút 325 tỷ USD vốn FDI đăng ký từ 127 quốc gia, đối tác trên toàn thế giới. Năm 2017, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc lên mức 68/190 theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới; chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc lên 55/137 trong xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Moody’s, Fitch đều nâng mức đánh giá triển vọng của kinh tế Việt Nam từ “Ổn định” lên “Tích cực”. Nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia đã chọn Việt Nam để đầu tư phát triển và kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời các câu hỏi của Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Nikkei (Nhật Bản) Naotoshi Okada. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Việt Nam cam kết duy trì “ba ổn định” để phát triển
Đề cập đến quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, Phó Thủ tướng cho biết, hai nước đang tích cực chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản (1973-2018) và tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.
Nhật Bản đã trở lại vị trí nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trực tiếp hơn 9 tỷ USD; thương mại hai chiều đạt hơn 33 tỷ USD. Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản luôn được Chính phủ Việt Nam ghi nhận và giải quyết.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng cảm ơn hỗ trợ to lớn mà Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Việt Nam và mong muốn hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng phát triển sâu rộng hơn. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh Việt Nam đánh giá rất cao vai trò của Nhật Bản đối với phát triển của khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng.
Để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Việt Nam cam kết luôn duy trì ba ổn định, bao gồm ổn định về chính trị – an ninh; ổn định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; ổn định trong chủ trương không ngừng đổi mới, cải cách. Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, dễ tiên liệu, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Chính phủ cũng nỗ lực cải thiện khâu thực thi pháp luật, tăng cường đối thoại thực chất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư.
*Sau bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có cuộc trả lời các câu hỏi của Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Nikkei (Nhật Bản) Naotoshi Okada ngay tại Diễn đàn của Hội nghị.