Để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng phải đảm bảo được hai yếu tố: phát triển được kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
“Muốn làm được điều này thì chúng ta phải xây dựng được chính sách tài khoá và vận hành theo hướng tích cực, lành mạnh, tiến tới từng bước thu chi ngân sách hiện quả, giảm bội chi cũng như nợ công”, ông nói.
Theo ông, trong thời gian qua Quốc hội đã tiến hành thông qua 5 dự án luật rất quan trọng là nền tảng pháp lý cho khung khổ chính sách. Những luật này gồm: Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, Sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp… góp phần tang cường hiệu quả, nâng cao chất lượng sử dụng nguồn lực trong nước.
Cũng theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết quan trọng gồm: Nghị quyết về tài chính trong 5 năm – xác định được khung khổ thu chi cũng như nợ công; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 5 năm. Nhờ vậy, việc sử dụng tài sản đầu tư công của Việt Nam dần đi vào chiều hướng tốt đẹp hơn.
Cụ thể, chỉ số ICOR của Việt Nam đã có những chuyển biến khi từ 8% xuống còn 6,9% giai đoạn 2010 – 2015 và đến năm 2017 còn 4,9%. Ông Hiển nói rằng dù so với các nước phát triển đang ở mức 3-4% thì ICOR của Việt Nam còn cao nhưng nhìn cả quá trình thì đây là bước tiến tích cực.
Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực, Việt Nam cũng đang tiến tới tái cơ cấu thu chi ngân sách và vay nợ. Nguyên nhân ngân sách không thể dựa mãi vào tài nguyên hay thuế xuất nhập khẩu nữa do gia nhập WTO cũng như ký kết các FTA. Do đó, ngân sách phải dựa vào thu nội địa.
“Trong 5 năm nữa thu nội địa phải nâng lên 85%” ông nói và cho biết cần phải điều chỉnh lại cả cách thu ngân sách.
Cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần ổn định các loại thuế như thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp để thu hút đầu tư nhưng phải tăng thuế tài nguyên, thuế môi trường để bảo vệ những môi trường, tài nguyên.
Ông nhấn mạnh chính sách thu phải có sự điều chỉnh phù hợp với quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Song song với đó, việc chi tiêu cũng phải điều chỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, giảm chi thường xuyên…dành nguồn lực cho những lĩnh vực có hiệu quả nhưng không “tranh đất” với tư nhân vì “nhà nước chỉ đầu tư vào các ngành mà các nền kinh tế khác không tham gia”.
Với hệ thống pháp lý đã được thực hiện trong thời gian qua, ông Hiển bày tỏ tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ có những khởi sắc.
“Mong muốn của tôi là 30 năm nữa Việt Nam cứ tăng trưởng trên 6%, như thế chúng ta sẽ có những thay đổi hết sức căn bản”, ông Phùng Quốc Hiển cho biết.