Vừa qua, tại Hội nghị Fintech do Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Philadelphia tổ chức vào tuần trước, Jim Cunha – Phó chủ tịch cấp cao Fed Boston – 1 trong 12 định chế tạo nên hệ thống NHTW Mỹ đã bày tỏ niềm tin tưởng lạc quan rằng công nghệ blockchain sẽ không phải là kẻ phá hoại của các định chế tài chính truyền thống đang thống trị thị trường tài chính.
Ông nói: “Những kẻ mới đến làm ra vẻ sẽ chiếm lĩnh toàn bộ thế giới và loại bỏ hệ thống ngân hàng cũng như tất cả các trung gian. Những kẻ lão làng ban đầu phản kháng và nói ‘các anh không hiểu được công việc của chúng tôi, không hiểu được thế giới của chúng tôi’, nhưng cuối cùng thì họ lại hợp tác với nhau. Đó là những gì mà chúng ta đang chứng kiến ngay bây giờ. Mọi ngân hàng lớn đều có một đối tác hoặc xây dựng nền tảng cho riêng mình”.
Trong khi blockchain đang ngày càng chứng minh nhiều tính năng ưu việt so với các biện pháp truyền thống, một khán giả tham dự hội thảo đã đặt câu hỏi rằng liệu hệ thống thanh toán quốc tế được biết đến bằng tên gọi SWIFT có bị thay thế bởi các đối thủ cạnh tranh blockchain hay không.
Ông Cunha cười lớn và trả lời rằng: “Đối với tất cả các công việc cần đến trung gian mà Fed, sàn giao dịch, phòng thanh toán bù trừ và SWIFT đang làm, tôi không thể nói rằng FinTech sẽ lấy đi công việc của chúng ta. Tôi cho rằng chúng đánh thức chúng ta để trở nên sáng tạo hơn theo cách tích cực. Cá nhân tôi không cho rằng blockchain sẽ làm sụp đổ hệ thống SWIFT. Có lẽ nó sẽ tạo ra đối thủ hoặc khiến cho hệ thống cũ trở nên tốt đẹp hơn, nhưng tôi không nhìn thấy một tương lai không có SWIFT”.
Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian do đó được gọi là chuỗi khối (blockchain). Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.
Đặc biệt blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống blockchain bao gồm nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin mà không đòi hỏi “dấu hiệu của niềm tin”. Về cơ bản blockchain là một chuỗi các máy tính mà tất cả phải chấp thuận một giao dịch trước khi nó có thể được xác nhận và ghi lại. Giống như việc bạn gửi cái hộp đi mà mọi người đều xác nhận cái hộp đó là của bạn chứ không phải một vị luật sư hay một ngân hàng nào đó.
Nhìn chung, mặc dù cho thấy tầm nhìn lạc quan vào tương lai ngành tài chính khi có thêm sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ blockchain, ông Cunha cũng cho rằng hoạt động giao dịch tiền số phải tuân theo các quy định hiện nay trên thị trường chứng khoán như hiểu rõ về khách hàng hay chống rửa tiền, tuy nhiên phải tránh trường hợp các quy định cản trở sự đổi mới.