Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách: “Tôi cảm thấy ngân sách của ta là đỉnh cao về minh bạch!”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách: “Tôi cảm thấy ngân sách của ta là đỉnh cao về minh bạch!” - Ảnh 1.

Theo Kiểm toán Nhà nước, có nhiều dự án sử dụng ngân sách Nhà nước xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn mà dự án nạo vét sông ở Ninh Bình là ví dụ điển hình. Vì sao lại xảy ra tình trạng này?

Thực tế, đây là vấn đề thường xảy ra ở nhiều địa phương. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

Thứ nhất, tiên lượng quy mô dự án nhỏ. Chủ đầu tư xác định quy mô dự án nhỏ ngay từ lúc đầu. Do nguồn vốn eo hẹp, không thu xếp được nên họ chỉ tính toán quy mô đầu tư như vậy thôi, dù nhu cầu đầu tư rất lớn.

Thứ hai, mở rộng phạm vi đầu tư. Giai đoạn đầu họ chỉ thiết kế dự án để phục vụ cho một phạm vi hẹp, nhưng sau đó điều chỉnh để kéo dài, mở rộng con đường, con kênh,… dẫn đến tổng mức đầu tư bị đội lên.

Như vậy, xuất phát từ khó khăn trong cân đối nguồn đầu tư ban đầu, họ buộc phải thiết kế dự án ở mức đầu tư hạn hẹp. Sau đó, khi tính đến khai thác nhiều nguồn lực thì họ mở rộng, tăng vốn đầu tư, mở rộng mục tiêu của dự án đấy ra. Câu chuyện điều chỉnh tổng mức đầu tư là như vậy.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách: “Tôi cảm thấy ngân sách của ta là đỉnh cao về minh bạch!” - Ảnh 2.

Theo ông, cần có biện pháp gì để khắc phục tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn xảy ra ở nhiều địa phương?

Khi làm dự án, phải tính tới phân kỳ đầu tư. Ví dụ như dự án ở Ninh Bình, không thể làm trong 2-3 năm mà phải làm trong 5 năm hoặc kéo dài hơn nên tăng tổng mức đầu tư nhiều lần. Nhưng vấn đề là phải tính xem kết thúc dự án ở giai đoạn nào để cân đối nguồn lực. Nếu dự án hoàn thành từng phân kỳ đầu tư thì có thể đưa vào sử dụng được ngay, phát huy hiệu quả ngay khi hoàn thành từng giai đoạn.

Qua các đợt giám sát, ông nhận thấy hiện tượng tỉnh nghèo lập kế hoạch xây trụ sở hoành tráng có phổ biến không?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách: “Tôi cảm thấy ngân sách của ta là đỉnh cao về minh bạch!” - Ảnh 3.

Đấy là hiện tượng cá biệt ở một số nơi thôi. Tỉnh muốn có một trung tâm hành chính, gom hết các sở ban ngành vào một tòa cao ốc, rồi bán đi những cơ sở cũ. Việc các cơ quan tập trung trong một trung tâm điều hành giúp triển khai Chính phủ điện tử nhanh và tiết kiệm nhiều tiền đầu tư. Trong khi số tiền thu về từ bán các cơ sở cũ có thể là nguồn đầu tư cho trung tâm hành chính. Vậy là đổi đất lấy hạ tầng.

Tất nhiên, cũng cần tính toán kỹ trước khi xây dựng những công trình chưa có tác động thiết thực. Ai cũng muốn địa phương có một công trình đẹp mang tính lịch sử, văn hóa kết hợp tâm linh. Nhưng tâm linh là chuyện lâu dài của một đời người, liên quan đến sự phát triển của đất nước thì phải cân nhắc đến nguồn lực sao cho thật hợp lý.

Đặc biệt, những địa phương khó khăn còn phải lo cơ sở kinh tế, tạo ra của cải vật chất, việc làm, thu nhập cho bà con hơn là xây dựng những công trình không tạo ra được nhiều việc làm. Nếu công trình đó không có hiệu quả cao và còn yêu cầu một khoản tiền rất lớn để duy tu, bảo dưỡng thì cần phải tính toán rất cẩn thận việc xây dựng nó.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách: “Tôi cảm thấy ngân sách của ta là đỉnh cao về minh bạch!” - Ảnh 4.

Khi thảo luận tại Quốc hội, có đại biểu cho rằng việc chuyển nguồn ngân sách từ năm trước sang năm sau với quy mô lớn làm lệch lạc bức tranh kinh tế vĩ mô. Ông có nhận xét gì về hiện tượng chuyển nguồn này?

Chuyển nguồn ngân sách từ năm trước sang năm sau là chuyện nước nào cũng có chứ không phải riêng Việt Nam. Luật Ngân sách nhà nước ban hành năm 2014 cho phép một số khoản được chuyển nguồn: Những khoản không chi hết của đơn vị hành chính sự nghiệp thì được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục chi; những khoản vượt thu cuối năm không thể phân bổ sử dụng ngay được, buộc phải chuyển nguồn vượt thu sang năm sau để sử dụng; những khoản kết dư ngân sách cuối năm; vốn đầu tư phát triển (hiện nay, Luật Đầu tư công cho phép chuyển nguồn sang năm sau và năm sau nữa).

Dưới góc độ quản lý ngân sách, việc chuyển nguồn, nhiều nguồn tương đối lớn được chuyển như vậy cũng không tốt, phản ảnh bức tranh ngân sách của năm hiện hành bị méo mó, không thật. Nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển nếu được triển khai ở năm ngân sách hiện hành sẽ tạo động lực cho sự tăng trưởng, giải quyết vấn đề kinh tế – xã hội thì sẽ tốt hơn.

Còn việc chuyển một khối lượng vốn rất lớn sang năm sau lại khiến giảm hiệu quả quản lý ngân sách theo dự toán đã được Quốc hội quyết định. Vốn bị chuyển nhiều cũng ảnh hưởng đến giải quyết các mục tiêu kinh tế của năm hiện hành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách: “Tôi cảm thấy ngân sách của ta là đỉnh cao về minh bạch!” - Ảnh 5.

Tại sao không thể siết chặt chuyển nguồn khi đã nhận thấy những ảnh hưởng như vậy?

Các bộ ngành cũng thường có một khoản tiền giao cho các địa phương vào cuối năm. Đã giao vào cuối năm (tháng 11, thậm chí có tỉnh giao vào tháng 12) thì không thể giải ngân được trong một thời gian rất ngắn, phải chuyển nguồn sang năm sau.

Sắp tới, khi sửa đổi Luật Đầu tư công, có thể Quốc hội sẽ siết chặt việc chuyển nguồn, đặc biệt là chuyển nguồn đầu tư phát triển. Có lẽ không thể để vốn đầu tư chuyển nguồn sang hết cả năm sau. Nhất là những khoản chi thường xuyên, chi các chương trình mục tiêu quốc gia, chi an sinh xã hội,… thì phải giao hết từ đầu năm, không thể để giao thành nhiều đợt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách: “Tôi cảm thấy ngân sách của ta là đỉnh cao về minh bạch!” - Ảnh 6.

Bên cạnh đó, phải tăng cường hậu kiểm trong điều hành ngân sách, giao vốn và giao nhiệm vụ. Hiện nay, trước khi giao cho các bộ và địa phương, cơ quan quản lý tài chính Nhà nước thường thẩm định nhiệm vụ rồi mới tính ra số tiền, nên mất nhiều thời gian. Việc chú trọng tiền kiểm khiến các bộ, địa phương cần tiền giải ngân nhưng vẫn phải chờ đợi các cơ quan thẩm định, xem nhiệm vụ này giao được hay không, giao có đúng không.

Hậu kiểm là giao ngay một khoản và thẩm tra thẩm định sau. Đây là câu chuyện tiết kiệm thời gian. Và thực sự tiền kiểm như hiện nay cũng không cắt giảm được nhiều các khoản tiền giao thừa so với dự toán. Đây là một câu chuyện đòi hỏi phải có sự thay đổi rất lớn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách: “Tôi cảm thấy ngân sách của ta là đỉnh cao về minh bạch!” - Ảnh 7.

Khi đi làm việc với các tỉnh, ngoài quy định ở Luật Đầu tư công khiến cho việc giải ngân vốn chậm, ông thấy những lý do nào khác?

Một số quy định của Luật Đầu tư công hiện hành là nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn trung ương và địa phương chậm. Bên cạnh đó, cũng còn nhiều nguyên nhân cản trở việc giải ngân vốn đầu tư công:

Thứ nhất, xác định mức đầu tư không chính xác. Tôi lấy ví dụ là câu chuyện giải phóng mặt bằng. Hầu hết, tính toán chi phí giải phóng mặt bằng các dự án từ nhóm A đến nhóm C, chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu. Đến khi tính toán cụ thể thì xác định ra chi phí vượt lớn.

Đối với những địa phương không cân đối được ngân sách thì việc lấy tiền ở đâu để giải phóng mặt bằng là cả một vấn đề lớn và khó. Dự án phải dừng lại, xin tiền trung ương, tạm ứng, vay,… Tóm lại, phải trải qua thủ tục để tìm nguồn cho giải phóng mặt bằng. Quá trình này thường kéo rất dài.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách: “Tôi cảm thấy ngân sách của ta là đỉnh cao về minh bạch!” - Ảnh 8.

Thứ hai, chất lượng dự án có sự thay đổi. Thường thường, thiết kế sơ bộ ban đầu không đáp ứng được yêu cầu, chỉ là “cái cho có” để duyệt dự án thôi. Đến khi bắt tay vào thực hiện, đòi hỏi phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng kỹ thuật thì đôi khi phải tính toán, thiết kế lại. Việc này cũng dẫn đến kéo dài thời gian.

Thứ ba, không tính tới mùa vụ, thời tiết. Các cơ quan trung ương ở miền bắc nên đôi khi không chú ý yếu tố mùa vụ, thời tiết của miền trung, miền nam. Mùa khô, họ cần vốn thì các cơ quan trung ương vẫn trên bàn giấy, vẫn còn soi xét. Khi phân bổ xong thì trời vào mùa mưa rồi, dự án phải đắp chiếu để chờ qua mùa mưa.

Cho nên, câu chuyện quản lý điều hành đòi hỏi phải tính toán rất nhiều yếu tố, không chỉ thuận lợi cho cơ quan trung ương mà còn cần xem địa phương có dùng được ngay không.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách: “Tôi cảm thấy ngân sách của ta là đỉnh cao về minh bạch!” - Ảnh 9.

Theo báo cáo của Tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP), Chỉ số công khai ngân sách Nhà nước Việt Nam (OBI) 2017 chỉ đạt 15/100 điểm, thấp hơn cả Campuchia (20/100 điểm). Ông đánh giá như thế nào về mức độ minh bạch ngân sách của Việt Nam?

Đây là câu chuyện lớn, phản ánh uy tín của cả một quốc gia liên quan đến quản lý, điều hành ngân sách. Theo tôi, vào thời điểm hiện nay, quy định pháp luật về ngân sách của Việt Nam đã minh bạch ngang so với chuẩn mực quốc tế, thể hiện ở dự toán và quyết toán ngân sách đều được công khai ngay khi được Quốc hội thông qua. Điều này đã thực hiện từ năm 2003, đến nay cũng hơn 14 năm.

Một điểm quan trọng trong minh bạch theo chuẩn quốc tế là đồng thời đăng tải dự toán lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ trong khi Chính phủ trình dự toán ra Quốc hội. Việc này thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, nhằm thu nhận ý kiến đóng góp của nhân dân và các tổ chức xã hội.

Nếu các bạn theo dõi sẽ thấy, kỳ họp Quốc hội lần thứ 4 (10/2017), lần đầu tiên trong lịch sử, buổi thảo luận công khai về dự toán ngân sách được truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi. Đó là việc mà trước đây không có. Điều đó thể hiện ngân sách của Việt Nam đã minh bạch theo chuẩn quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách: “Tôi cảm thấy ngân sách của ta là đỉnh cao về minh bạch!” - Ảnh 10.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính (cơ quan giúp Chính phủ điều hành thực hiện luật Ngân sách) đã đưa ra cuốn “Ngân sách công dân”. Đây là một bản tóm tắt có thuyết minh ngắn gọn về dự toán ngân sách nhà nước trong 1 năm. Campuchia cũng chưa có cái như vậy.

Về kết quả mới được công bố, một phần nguyên nhân cũng do bộ ngành, địa phương còn thực hiện theo luật cũ. Năm 2017 mới thực hiện theo các luật mới nên còn có những chệch choạc. Hy vọng từ nay trở đi, việc thực hiện quy định sẽ được làm tốt hơn.

Tôi cảm thấy là ngân sách của ta không còn gì là không minh bạch nữa rồi, đã là đỉnh cao của quốc tế, đỉnh cao về minh bạch. Truyền hình trực tiếp buổi thảo luận về dự toán ngân sách nhà nước thì không còn gì là không minh bạch nữa.

Những phát ngôn đáng nhớ về dự án nạo vét sông từ 72 tỷ đồng lên gần 2.600 tỷ đồng ở Ninh Bình

Hoàng Ly – Diệu Quân

Tiến Tuấn

7pm

Theo Trí Thức Trẻ31/05/2018

Bài viết mới