Google đã thu thập, số hóa, sắp xếp và đưa ra nhiều thông tin hơn bất cứ công ty nào khác. Google biết về bạn nhiều hơn bất cứ ai. Thậm chí Google còn biết bạn có nuôi chó hay không.
Quyền lực lớn mạnh cần đi kèm với trách nhiệm tương đương. Kẻ có quyền không nên lạm dụng vị trí của mình mà nên đóng vai trò trong việc hỗ trợ sự vận hành của xã hội.
Liệu Google và những gã khổng lồ của kỉ nguyên số như Apple, Facebook và Amazon có vượt qua thử thách này?
Giám đốc tài chính Ruth Porat của Google mở một “gara số” (digital garage) ở trung tâm Manchester để mọi người có thể đến học hỏi về các kĩ năng như viết CV, sử dụng bảng tính (trong Excel) hoặc thiết kế kế hoạch marketing trực tuyến cho công ty. Tất cả đều miễn phí.
Nữ giám đốc nói: “Chúng tôi muốn giúp đỡ cả người trẻ lẫn người già tận dụng tối đa cuộc sống cũng như những cơ hội mà kỉ nguyên số đem lại. 50% dân số thế giới vẫn không có Internet, 75% các doanh nghiệp ở Anh nói rằng họ không thể tìm kiếm nhân viên có kĩ năng công nghệ phù hợp và chúng tôi muốn cải thiện việc này.”
Mục tiêu của Google có cao đẹp đến vậy?
Đó là một mục tiêu đáng ca ngợi và cũng là màn trình diễn tài tình trước đám đông, bao gồm cả thị trưởng của Manchester. Ngài thị trưởng khen ngợi nỗ lực của Google phù hợp một cách hoàn hảo với khát vọng tạo dựng nền kinh tế số. Tuy nhiên, hành động của Google cũng vì tự phục vụ cho lợi ích của mình.
Mô hình đào tạo quảng cáo doanh nghiệp trực tuyến thực chất là hướng dẫn sử dụng Google Adwords, một dịch vụ tính phí cho doanh nghiệp để được xuất hiện trên công cụ tìm kiếm của Google. Adwords đem lại 100 triệu đô la doanh thu một ngày. Không có gì đáng ngạc nhiên khi doanh nghiệp sử dụng nó để quảng cáo sản phẩm.
Nhưng khi bạn sở hữu phương tiện mà thế giới dùng để tìm kiếm thì lợi ích của Google trở thành vấn đề đối với những người khác. Nếu bạn mua một sản phẩm thì dịch vụ so sánh sản phẩm của Google sẽ hiện lên đầu trang. Nếu Google là cửa sổ mua sắm trực tuyến, nó sẽ đẩy các sản phẩm của mình lên đầu khiến kết quả tìm kiếm các dịch vụ của đối thủ chỉ xuất hiện ở trang thứ hai. EU phạt Google 2.4 tỷ đô la euro cho việc này, Google đang phản đối án phạt.
Những bê bối liên quan đến Hồ sơ Thiên đường
Thuế cũng là một vấn đề của các công ty công nghệ. Google và công ty mẹ Alphabet đang thực hiện cải tiến công nghệ, tạo ra những thay đổi to lớn trong cuộc sống và công việc của con người trong những năm tới.
Những cải tiến này đi tiên phong trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thế giới nhưng cũng có thể gây ra thất nghiệp hàng loạt.
Các gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ đang định hình lại thế giới theo các cách khác. Điển hình là tác động của Amazon đến bán lẻ và Uber ảnh hưởng đến ngành taxi.
Chính phủ và những người đóng thuế phải trả giá cho những thay đổi xã hội to lớn này, trong khi các công ty viết lại bản đồ tương lai đã tìm được những thiên đường xa xôi để cất giữ tiền bạc.
Vụ rò rỉ hồ sơ thiên đường gần đây từ một công ty tài chính hải ngoại cho thấy một vài thế lực kinh tế siêu lớn. Ví dụ như Apple đang giữ lợi nhuận tại một nơi thu thuế ít nhất, thậm chí không thu thuế.
Lợi nhuận của Google thu được ngoài nước Mỹ nằm ở Bermuda, nơi thu suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 0%.
Về điểm này, CEO Porat không biện hộ như Apple từng làm: “Chúng tôi không thiết kế các luật, chúng tôi chỉ tuân thủ luật. Nếu có cải cách quốc tế về thuế, chúng tôi hân hạnh áp dụng những luật đó”.
Các công ty này có cảm thấy một chút trách nhiệm đạo đức nào không?
“Chúng tôi cảm thấy đã đóng góp cho các cộng đồng mà chúng tôi phục vụ. Gara số này là một ví dụ. Chúng tôi giúp thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và lớn, tạo việc làm và khiến kinh tế tăng trưởng. Chúng tôi cảm thấy những điều mình làm thật tốt”.
Không có giám đốc tài chính giỏi nào lại muốn đóng nhiều thuế hơn mức mà họ phải đóng theo quy định của pháp luật. Và Porat tất nhiên là một giám đốc tài chính giỏi (người đã từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc tài chính của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley của Mỹ trước đây).
Cơ quan chức năng và các chính trị gia cũng lên tiếng về việc chuyển thuế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây gọi các công ty công nghệ là “Kẻ ăn bám trong thế giới hiện đại” và ủy viên phụ trách cạnh tranh của châu Âu phát hiện Google “lạm dụng vị thế thống trị của mình và gây thiệt hại nghiêm trọng cho cạnh tranh” – một phát hiện mà công ty này đang phản đối.
Bất chấp kiện tụng, mức phạt, sự phản đối và những bài báo lên án thì những gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ vẫn có được lòng trung thành của khách hàng. Đó có thể là lý do vì sao họ không tin rằng họ là những người xấu trong câu chuyện về cuộc cách mạng công nghiệp mới.