Phát triển đường thuỷ để ‘cứu nguy’ cho cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây

Cao tốc quá tải, ùn tắc liên miên

Cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây tại nút giao với QL51 thường xuyên được các tài xế phản ánh tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, nhất là vào các ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết.

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam (VEC E) – đơn vị phụ trách quản lý tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây – năm 2015, lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc này tăng 114,33% so với năm 2014. Năm 2016, lưu lượng xe vượt 35,36% so với năm trước đó. Lưu lượng trung bình hiện đạt 37.000-40.000 phương tiện/ngày đêm.

Lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai cũng xác nhận, qua khảo sát nhận thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Mật độ phương tiện ô tô, xe container rẽ lên cao tốc rất lớn nhưng vòng xoay tại nút giao với cao tốc có diện tích rộng. Mặt khác, đoạn đường dẫn từ QL51 lên cao tốc nhỏ, hẹp dẫn đến xảy ra xung đột giao thông giữa các phương tiện hướng từ Biên Hòa đi Vũng Tàu và hướng từ Vũng Tàu ôm cua lên cao tốc về TPHCM.

Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy, kể từ khi tuyến cao tốc này được thông xe (2/2015) thì lượng hành khách di chuyển tuyến TPHCM-Vũng Tàu chuyển dần sang di chuyển bằng đường bộ. Một phần do thời gian thuận tiện hơn, chi phí rẻ hơn và cũng một phần do người dân lo ngại sau vụ tai nạn cháy tàu cánh ngầm Vina Express chở 92 người trên sông Sài Gòn hồi đầu năm 2014.

Báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho thấy, tàu cao tốc cánh ngầm đã hoạt động tuyến TPHCM-Vũng Tàu hơn 20 năm, kể từ khi Chi cục Đường sông phía Nam mở tuyến vào tháng 2/1996. Vào những năm cao điểm, lượng khách trên tuyến tàu cao tốc này đạt khoảng 500.000 lượt khách/năm với hơn 21 chiếc tàu.

Hệ số ghế trên tàu cánh ngầm chỉ đạt khoảng 30-40% và phần lớn là khách nước ngoài. Ảnh: VGP/Phan Trang

Hệ số ghế trên tàu cánh ngầm chỉ đạt khoảng 30-40% và phần lớn là khách nước ngoài. Ảnh: VGP/Phan Trang

Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn duy nhất Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (Greenlines DP) duy trì hoạt động với 6 chiếc tàu, chạy 6-10 chuyến tàu/ngày, hệ số ghế đạt khoảng 30-40%/chuyến tàu.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Greenlines DP cho biết: “Có thời điểm tàu chúng tôi chạy hơn 20 chuyến/ngày còn không đáp ứng đủ nhu cầu hành khách, chưa kể còn 3 hãng khác nữa. Nhưng hiện nay hoạt động của tàu cánh ngầm chỉ cầm chừng, phục vụ chủ yếu khách du lịch nước ngoài đi ngắm cảnh. Còn người dân Việt Nam du lịch, sống và làm việc tại Vũng Tàu hầu hết lựa chọn đi cao tốc. Giá thành rẻ hơn mà thời gian di chuyển tương đương”.

Nói rõ hơn về việc này, ông Tuấn cho hay, nếu so với việc đi đường bộ hiện nay người dân được lợi hơn rất nhiều. Trong khi giá vé tàu cánh ngầm ở mức tương đối cao (250.000 đồng/khách người lớn) và thời gian hành trình bình quân 1 giờ 20 phút thì giá vé xe khách chỉ khoảng 80.000-90.000 đồng/khách và với đường cao tốc TPHCM-Long Thành, hành khách đi tuyến TPHCM-Vũng Tàu chỉ mất khoảng 1 giờ 45 phút thay vì 2 giờ 30 phút so với trước đó.

“Tuyến này còn phục vụ cả xe limousine ghế ngồi mát xa đưa đón từ sân bay Tân Sơn Nhất đến tận khách sạn mà giá chỉ 150.000/người nên hành khách lựa chọn rất nhiều”, ông Tuấn chia sẻ.

Cần thiết phát triển đường thuỷ để “chia lửa” với cao tốc

Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TPHCM cho biết, sau vụ cháy tàu cánh ngầm hồi tháng 2/2014, người dân không những lo ngại hình thức vận tải này mà còn do UBND TPHCM sau đó tạm đình chỉ tất cả các tàu cánh ngầm hoạt động trên tuyến TPHCM-Vũng Tàu để điều tra vụ việc. Gần 1 năm sau tàu cánh ngầm được hoạt động trở lại thì người dân cũng đã có thêm lựa chọn là cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây nên hình thức vận tải bằng tàu cánh ngầm cũng “sập” kể từ đó.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cao tốc đã quá tải nên thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài

“Hồi đầu mới có cao tốc thì đi lại rất tốt, người dân trước đây nếu đi Vũng Tàu phải đi 2 ngày còn bây giờ thì sáng đi chiều về cũng được nên tuyến này càng ngày càng đông. Còn bây giờ thì cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây có thể ùn tắc bất kể lúc nào, nhất là khoảng thời gian 16-18h, kẹt xe 3-4 tiếng trên cao tốc là bình thường”, ông Nam cho hay.

Chính vì lẽ đó, ông Nguyễn Hải Nam khẳng định: “Cần phải phát triển đường thuỷ để chia lửa với đường bộ, không chỉ với vận tải khách mà còn với vận tải hàng hoá. Bởi lẽ, nếu cứ tình trạng ùn tắc thế này thì có mở thêm bao nhiêu đường cũng không ăn thua”.

Thế nhưng, muốn làm “hồi sinh” lại hình thức vận tải thuỷ bằng tàu cánh ngầm cũng cần phải nhìn lại “quá khứ” của loại hình vận tải này. Nếu không kể đến vụ cháy tàu đầu năm 2014 thì hoạt động vận tải bằng tàu cánh ngầm thường xuyên xảy ra tai nạn, trong đó có nhiều vụ sóng đập vỡ kính tàu làm nước tràn vào bên trong. Thậm chí, nhiều vụ tàu cao tốc bị nạn, chết máy gây ảnh hưởng đến hành khách nhưng thuyền trưởng không báo cáo cho cơ quan chức năng mà có hành vi giấu thông tin và tự xử lý sự cố.

Cuối tháng 12/2016 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc gia hạn thời gian hoạt động của các tàu cao tốc cánh ngầm trên tuyến vận tải thủy TPHCM-Vũng Tàu sắp hết niên hạn sử dụng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo kiểm tra, đánh giá kỹ các điều kiện an toàn, bảo vệ môi trường đối với các tàu cao tốc cánh ngầm, trên cơ sở đó xác định thời gian kéo dài việc sử dụng đối với các tàu cao tốc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, theo quy định của Chính phủ về niên hạn phương tiện thủy, 4 tàu cao tốc cánh ngầm hoạt động tuyến TPHCM-Vũng Tàu phải ngừng hoạt động do hết niên hạn sử dụng vào ngày 31/12/2016, nhưng doanh nghiệp chưa có điều kiện thay thế.

Có thể thấy, với một quốc gia có hàng nghìn kilomet đường biển, sông ngòi chằng chịt, cảng biển, cảng sông dày đặc, hệ thống đường sắt chạy dọc chiều dài đất nước, cộng với hàng không đang phát triển mạnh mẽ thì việc đường bộ oằn mình “gánh” hơn 90% lưu lượng hành khách và hơn 70% tổng khối lượng hàng hóa trên địa bàn cả nước là điều khó chấp nhận. Dù những năm qua, một lượng vốn khổng lồ được đổ vào đường bộ để đầu tư, xây dựng mới hoặc nâng cấp cải tạo hàng loạt tuyến đường, nhưng hệ thống đường bộ vẫn ngày càng trở nên quá tải.

Điều đáng nói là khoảng hai, ba chục năm trở về trước, đường sắt, hàng hải luôn chiếm một tỉ lệ khá lớn trong cơ cấu vận tải nên san sẻ đáng kể cho đường bộ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các lĩnh vực này ngày càng giảm sút về tỉ trọng.

Ngay cả trong Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, đường bộ vẫn phải đảm nhận tới gần 90% lượng hành khách và gần 70% lượng hàng hóa. Đây là bất cập lớn, làm tăng áp lực lên đường bộ và là tác nhân đội giá thành vận tải, đồng thời khó kiểm soát chất lượng dịch vụ.

Đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây chậm tiến độ

Bài viết mới