Công ty đường sắt miền Trung Nhật Bản, đơn vị đang vận hành hệ thống đường sắt cao tốc nối liền Tokyo và Osaka, cho biết, kết quả kiểm định chất lượng cho thấy các đoàn tàu cao tốc không đạt theo tiêu chuẩn mà ngành đường sắt nước này đưa ra. Dù không gây bất cứ rủi ro nào về an toàn nhưng chất lượng của chúng thấp hơn so với quy định. Công ty đường sắt Tây Nhật Bản, khai thác các chuyến tàu cao tốc từ Osaka đến Fukuoka, cũng phát hiện ra những bộ phận không đạt chất lượng trên các toa xe. Chúng được cấu thành từ kim loại Kobe Steel cung cấp.
Ông Haruhiko Tomikubo, người phát ngôn của công ty đường sắt miền Trung Nhật Bản, cho biết, đội ngũ kỹ thuật phát hiện 310 bộ phận bị không đạt tiêu chuẩn trong đợt kiểm tra vừa qua. Dù không gây nguy hiểm nhưng chúng sẽ được thay thế trong đợt kiểm tra định kỳ kế tiếp. Tất cả chúng đều được sản xuất bởi Kobe Steel trong vòng 5 năm qua.
Đã từ lâu, đường sắt cao tốc được coi là biểu tượng vĩ đại của ngành công nghiệp Nhật Bản. Việc phát hiện ra những toa tàu, có thể chạy với vận tốc hàng trăm km/h, được cấu thành từ kim loại không đạt chất lượng có thể là đòn chí mạng với Kobe Steel, công ty sản xuất thép lớn thứ 3 của nước Nhật.
Trong vụ bê bối mới được phanh phui hôm 8/10, phía Kobe Steel thừa nhận họ giả mạo dữ liệu về độ bền và độ cứng của một số kim loại, trong đó có nhôm và đồng do công ty này sản xuất. Ngay lập tức, hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất, bao gồm cả Toyota Motors và General Motors, phải tiến hành kiểm tra xem họ có sử dụng thép của Kobe Steel hay không.
Hiroya Kawasaki, Tổng giám đốc điều hành Kobe Steel.
Để đảm bảo an toàn, người ta đã rà soát lại hàng loạt mặt hàng phổ dụng, chẳng hạn như ô tô, tàu và máy bay để xem chúng có đạt tiêu chuẩn hay không. Các hoạt động kiểm tra, rà soát vẫn đang tiếp tục được tiến hành và có thể tàu cao tốc chưa phải nạn nhân cuối cùng của việc sử dụng kim loại kém chất lượng.
Hiện tại, khoảng một nửa trong số 200 công ty sử dụng các sản phẩm của Kobe Steel đã hoàn tất kiểm tra và lập danh sách những sản phẩm bị ảnh hưởng. Kobe Steel dự kiến sẽ công bố kết quả kiểm tra an toàn sản phẩm trong hai tuần tới và hứa sẽ xác định nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục trong vòng một tháng.
Hiroya Kawasaki, Tổng giám đốc điều hành Kobe Steel, đã lên tiếng xin lỗi vì bê bối làm giả số liệu gây ảnh hưởng tới nhiều người, trong đó có các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Thừa nhận niềm tin mà công chúng dành cho Kobe Steel đã về với con số “0” nhưng ông Kawasaki cam kết sẽ làm tất cả để khôi phục danh tiếng của công ty với tiêu chí “an toàn là ưu tiên hàng đầu”.
Ngay sau bê bối, cổ phiếu của Kobe Steel đã mất tới 1/3 giá trị, tương đương 1,6 tỷ USD bị thổi bay khỏi giá trị thị trường của công ty. Trong ngày 12/10, cổ phiếu của Kobe Steel đã đảo chiều và hồi phục lại 1%. Dù chưa có bằng chứng cho thấy kim loại của Kobe Steel gây rủi ro về an toàn nhưng công ty có thể phải đối mặt với các vụ kiện từ nhà đầu tư, khách hàng hay người tiêu dùng.