Chất lượng dữ liệu có đáng tin cậy?
Chiều qua, 6/9, một nhóm gồm 6 chuyên gia độc lập đã công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam.
Bảng xếp hạng được thực hiện trong gần 3 năm mà theo nhóm tác giả là không có tài trợ, khách quan và không liên quan tới lợi ích nhóm.
Tham vọng của nhóm tác giả là khá lớn khi đặt ra mục tiêu xây dựng một bảng xếp hạng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, mang tính định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế, coi đây như một bảng xếp hạng để chính phủ, phụ huynh, học sinh tham khảo cũng như các trường nhìn lại chính mình.
Tiêu chí của bảng xếp hạng. Theo tiêu chí này, chỉ số về “nghiên cứu khoa học” được chọn làm điểm nhấn (chiếm tới 40% tổng số điểm).
Tại cuộc tòa đàm được tổ chức với các tác giả chịu trách nhiệm chính của báo cáo được tổ chức ngay trong chiều qua, nhiều vấn đề đã được đặt ra.
Tự nhận mình là người “chống xếp hạng”, song TS Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) vẫn bày tỏ sự ủng hộ nhóm tác giả về ý nghĩa tại sao phải có một bảng xếp hạng cho các trường ĐH của Việt Nam. Tuy nhiên, bà Ly cũng nhận định, việc xếp hạng giống như “con dao 2 lưỡi”.
“Khi chúng ta nói con dao hai lưỡi có nghĩa là nếu phương pháp và cách xử lý không khách quan và đúng đắn thì không phản ánh năng lực thực sự của các trường ngay cả trên phương diện chúng ta đo lường”
Theo bà Ly vấn đề của bảng xếp hạng nằm ở dữ liệu mà nhóm sử dụng. “Ai cũng đến đây cũng hỏi là dữ liệu ở đâu ra và kết quả có tin cậy hay không. Tuy nhiên, đó thực sự là một vấn đề của Việt Nam”.
Trong số nguồn dữ liệu quan trọng mà nhóm tác giả thu thập có báo cáo từ các trường. Tuy nhiên, theo một chuyên gia kiểm định thì báo cáo tự đánh giá của các trường “chắc chắn là không đúng”.
“Nếu xây dựng bản báo cáo xếp hạng dựa trên số liệu không đáng tin cậy thì tất nhiên kết quả không đáng tin cậy” – bà Ly lập luận. “Nếu kết quả không đáng tin cậy thì hệ quả là gì? Ta góp thêm vào bức tranh nó đang tốt xấu lẫn lộn, có thể những người làm không tốt nhưng bằng cách nào đó họ có được số liệu tốt và trở thành hàng đầu. Đó là vấn đề phải suy nghĩ và đương đầu”.
TS Phạm Thị Ly phản biện nhóm công bố
TS Tạ Hải Tùng (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng nêu ra những “lo ngại” về chất lượng dữ liệu mà nhóm tác giả sử dụng để xây dựng bảng xếp hạng.
Theo ông Tùng, dữ liệu mà nhóm sử dụng có rất nhiều điểm cần phải lưu ý.
Chẳng hạn như tiêu chí cơ sở vật chất và quản trị, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không lọt vào top 20 trong khi đó, bằng mắt thường cũng biết khuôn viên, thư viện của Trường Bách khoa Hà Nội hơn rất nhiều các trường trong bảng xếp hạng này.
Bên cạnh đó, việc các tác giả tính toán chất lượng giảng dạy dựa trên số lượng giảng viên/sinh viên thì có tính số SV học tại chức không? Các SV hệ này học trong các trạm miền Nam thì có tính không?”
TS Tạ Hải Tùng nêu thắc mắc về Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
“Việc tính toán số bài báo trên giảng viên cũng cần lưu ý. Chẳng hạn như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có tới 2.300 cán bộ nghiên cứu nhưng trong đó có tới 700 cán bộ phục vụ thí nghiệm. Vì vậy, nếu chia số bài báo cho 700 cán bộ này thì không đúng vì họ không thể công bố quốc tế được” – ông Tùng nói.
“Theo như giới thiệu của nhóm tác giả thì sau khi thu thập dữ liệu có gửi lại cho một số trường để xác nhận. Tuy nhiên, sẽ có trường không quan tâm hoặc không cập nhật số liệu đầy đủ. Sau khi đưa ra bảng xếp hạng, báo chí đưa tin, các trường gửi lại thông tin thì sẽ ra sao?” – ông Tùng đặt câu hỏi.
Từ đó, ông Tùng đề xuất, nhóm tác giả nên công bố dữ liệu của các trường để bản thân các trường cũng như xã hội có thể kiểm tra.
TS Lê Quang Hưng so sánh sự tương quan giữa “bảng xếp hạng Việt Nam” với 2 bảng xếp hạng khác.
Trao đổi về “chất lượng dữ liệu” của báo cáo, TS Lê Quang Hưng trong phần giới thiệu về bảng xếp hạng cũng đã thừa nhận, đây là một khó khăn lớn của nhóm nghiên cứu.
Khó khăn đầu tiên chính là hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam có nhiều phần khác với thông lệ chung của thế giới.
Khó khăn thứ hai chính là về sự minh bạch của dữ liệu; cho dù có số liệu nhưng lại 3 không: Không thống nhất, không đáng tin cậy và không cập nhật.
Nhóm nghiên cứu cho biết, dữ liệu mà họ thu thập được phần nhiều từ việc các trường thực hiện chính sách “3 công khai”. Ngân hàng Thế giới đã có một nghiên cứu về “Minh bạch và công khai thông tin trong giáo dục đại học của Việt Nam”, thực hiện với 123 trường ĐH trong cả nước (xem chi tiết ở các đường dẫn trên).
Chẳng hạn, chỉ số về “kết quả việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 6 tháng của trường”, nhóm chỉ thu thập được thông tin của 15 cơ sở đào tạo. Do đó, đây không phải là một tiêu chí dùng để đánh giá trong bảng xếp hạng này.
TS Nguyễn Ngọc Anh, một trong 6 tác giả cho biết, dữ liệu báo cáo sử dụng từ báo cáo “3 công khai” được đăng tải trên chính website của trường.
Tuy nhiên, ông Ngọc Anh cũng thừa nhận, chất lượng báo cáo “3 công khai” tại Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế.
“Mong muốn thì rất nhiều nhưng mình phải cố gắng sống với cái mình có” – ông Ngọc Anh nói thêm.
Khi thực hiện thu thập dữ liệu, nhóm cũng đã có công văn gửi tới các trường để xác minh dữ liệu và có nêu rõ, ngày nào sẽ ngừng nhận thông tin. “Các trường không phản hồi lại là lỗi của các trường, và đây cũng có thể xem như một cách nhìn nhận về khả năng quản trị thông tin của trường”. Trước câu hỏi “Nhóm công bố đã gửi kết quả xếp hạng này cho 49 trường trong danh sách hay chưa và phản hồi của các trường thế nào?”, TS Ngọc Anh cho biết bản xếp hạng này cũng vừa hoàn tất trong đầu tháng 9; và sau ngày công bố, nhóm sẽ tiếp tục đón nhận phản hồi thông tin.
Tuy vậy, ông Ngọc Anh xác nhận, nhóm sẽ công bố dữ liệu gốc của các trường cũng như nguồn dữ liệu để các trường kiểm tra dù “trên thế giới ít có bảng xếp hạng nào công bố dữ liệu của họ”.
Công bố ISI có phản ánh toàn bộ chất lượng nghiên cứu khoa học?
Một vấn đề khác được cũng thu hút được nhiều ý kiến bàn luận là việc nhóm tác giả đo thành tựu nghiên cứu khoa học của các trường bằng số lượng các bài báo đăng trên các tạp chí ISI. Trọng số của tiêu chí này chiếm tới 40% điểm số xếp hạng.
Theo TS. Phạm Thị Ly, các tác giả đã cố gắng chứng minh đó là thước đó khách quan và khả tín song, bản thân tiêu chí này cũng đang có vấn đề của nó.
“Trong cơn sốt xếp hạng các trường đua nhau tăng con số công bố, kết quả là đạo văn, mua bài Cái đó có giúp ích các trường, cho sinh viên không? Rõ ràng là không. Nếu ta nhấn mạnh tiêu chí đó như cái để đo thành quả các trường thì ta sẽ đưa bức tranh sai lệch. Quan trọng hơn nó sẽ thúc đẩy các trường đi con đường sai lệch vì họ sẽ chạy theo thành tích, chạy theo bài báo, làm mọi cách để có những con số thật đẹp thay vì tập trung sứ mạng tạo ra tri thức, phục vụ cộng đồng và đào tạo sinh viên.” – bà Ly phân tích.
“Câu hỏi của chúng ta không phải trường nào công bố nhiều hơn mà trường nào thực sự đóng góp cho việc đào tạo ra những con người có ích cho xã hội, trường nào thực sự tạo ra kiến thức giúp ích cho cộng động, cải thiện đời sống người dân, thay đổi bộ mặt xã hội”.
TS Tạ Hải Tùng thì nêu vấn đề, việc đếm số bài báo ISI của các trường cần hết sức cẩn trọng và nên tham khảo thông tin từ các trường bởi hiện nay việc dùng tên quốc tế của các trường cũng như khi tác giả viết bài dùng tên ĐH lớn hay ĐH con vẫn chưa thống nhất.
TS Nguyễn Ngọc Anh trình bày những khó khăn trong việc thu thập số liệu
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Anh đồng tình rằng, các công bố trên các tạp chí ISI hiện nay cũng thượng vàng hạ cám và “ISI không phải khuôn vàng thước ngọc, nhưng trong điều kiện hiện tại thì chưa có gì hơn”
TS Giáp Văn Dương, thành viên của nhóm nghiên cứu cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, việc thúc đẩy công bố tạp chí ISI đang mang lại nhiều lợi ích hơn là ý nghĩa chạy đua theo các công bố. “Chúng ta trong giai đoạn không định hình, nay cần mạch lạc hơn”.
TS Nguyễn Đức Dũng (Viện AIST, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) nhìn nhận, trong giai đoạn hiện tại, thì việc thúc đẩy công bố quốc tế hiện nay có tác động tích cực, dù trong khối GD ĐH (kể cả trường lớn) cũng đã có hiện tượng “chạy đua công bố”.
“Bảng xếp hạng đầu tiên” trong tương quan với Việt Nam và thế giới
Một điểm cần lưu ý, đây là bảng xếp hạng đại học tổng thể Việt Nam đầu tiên được công bố do một nhóm các chuyên gia độc lập thực hiện.
Còn ở phía Nhà nước, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Theo đó, đại học Việt Nam sẽ được chia làm 3 “tầng” (thực ra là loại hình – PV): Trường đại học định hướng nghiên cứu, trường ĐH định hướng ứng dụng và trường ĐH định hướng thực hành.
Nghị định cũng chia khung xếp hạng thành 3 hạng với cơ cấu: Hạng 1 – 30%, hạng 2 – 40% và hạng 3-30% cùng những tiêu chí để xếp hạng theo từng “tầng”.
Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có bất cứ bảng xếp hạng chính thức nào của các cơ quan chức năng được công bố theo Nghị định đó.
Bình luận về điều này, ông Giáp Văn Dương “cơ cấu xếp hạng” theo nghị định này “không thuyết phục”, do đó, nhóm quyết định đưa ra một “góc nhìn khác”.
Còn trên thế giới, việc xếp hạng đại học đã diễn ra nhiều năm nay. Mới nhất, ngay trong ngày nhóm công bố “bảng xếp hạng đại học Việt Nam”, thì báo chí thế giới cũng đưa tin về “bảng xếp hạng đại học của tổ chức Time Higher Education (xem chi tiết Anh lên ngôi, Mỹ tụt dốc trong bảng xếp hạng đại học thế giới ).
Trong phần giới thiệu báo cáo, ông Lê Quang Hưng cũng cho rằng, hiện nay các bảng xếp hạng phổ biến trên thế giới hiện nay đều không phù hợp với Việt Nam.
Chẳng hạn như bảng xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải, bảng xếp hạng của QS hay bảng xếp hạng của THE thì có tới 60-70% tiêu chí hoàn toàn không thể có ở Việt Nam.
Trong khi đó, những nỗ lực xếp hạng ĐH Việt Nam mới chỉ khu biệt ở một khía cạnh chứ chưa có bảng xếp hạng tổng thể. Chẳng hạn như Webometrics chỉ căn cứ trên xếp hạng website và top chuyên gia của các trường còn nhóm Scientometrics for Vietnam thì chỉ căn cứ trên thống kê công bố khoa học.
Đây là lý do để nhóm quyết định thực hiện bảng xếp hạng riêng mang tính tổng thể và phù hợp với Việt Nam.
Bà Phạm Thị Ly thì cho rằng, bản thân việc xếp hạng ban đầu rất tốt vì nó cung cấp thông tin cho phụ huynh, học sinh nhưng sau đó thì biến dạng, trở thành một trò chơi của giới quản lý, đi quá xa mục đích ban đầu là cung cấp thông tin.
Việc dùng thứ hạng để định hướng trường học khá phổ biến nhưng có phải một phương pháp tốt? GS J. Brenzel (Yale) có viết một bức thư về vấn đề này. Xem nội dung bức thư, được GS Vũ Hà Văn (giáo sư người Việt ở ĐH Yale) giới thiệu.
Từ khi Trung Quốc bước vào thị trường xếp hạng với bảng xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải thì nó trở thành hoạt động chi phối các trường, thành hiện tượng cơn sốt mang lại tác hại nhiều hơn là tích cực. Không ít người trong giới học thuật phản đối việc này, chẳng hạn đã có 65 hiệu trưởng các trường ký văn bản chung phản đối, từ chối cung cấp dữ liệu cho các bảng xếp hạng này.
“Dù được làm tốt tới mức mào, phương pháp đúng đắn, số liệu tin cậy thì bản thân xếp hạng đã có vấn đề vì nó làm cho chúng ta hình dung một trường đại học chỉ dựa trên tiêu chuẩn mà không phải là toàn bộ chất lượng của trường đại học” – bà Ly lập luận. “Không có bảng xếp hạng nào phản ánh được toàn bộ những gì mà một trường ĐH cần làm, nên làm phục vụ cho xã hội”.