Phân bổ 25.000 công an chính quy về xã, ngân sách được cắt giảm hay bị phình to?

Phân bổ 25.000 công an chính quy về xã, ngân sách được cắt giảm hay bị phình to? - Ảnh 1.

Ảnh: Tiến Tuấn. Đồ họa: 7pm

Một trong những điểm chú ý của Dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi là đưa công an xã, thị trấn chính quy hoá theo chủ trương của Đảng.

Theo tính toán của Bộ Công an, số lượng cần điều động khoảng 25.000 cán bộ chính quy trong biên chế hiện có. Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định việc điều chuyển này không hề làm tăng phình bộ máy mà ngược lại giúp cho bộ máy tin gọn, hiệu quả, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Theo đó, địa phương sẽ không phải đứng ra chi trả lương, nguồn tiền này sẽ được dùng để đầu tư cho các hoạt động khác, công an chính quy do Bộ Công an trả lương.

Tại phiên thảo luận ở Tổ về Dự án luật này, chiều 7/6, đại biểu Phương Thị Thanh đã dẫn ra một số điểm chứng minh điều ngược lại, ngân sách Nhà nước chỉ tăng chứ không giảm.

Theo đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn), tại các xã, huyện hiện còn hơn 8.000 trưởng, phó công an đang đảm nhiệm mà theo Dự thảo Luật sẽ được điều chuyển, nhận vị trí công tác khác. Trong khi đó, các vị trí tại xã, huyện đã có quy định cứng. Nghĩa là việc điều chuyển này sẽ khiến tăng biên chế tại các cấp chính quyền khác.

“Không tăng biên chế của ngành Công an nhưng lại tăng biên chế ở chỗ khác. Về cơ bản là biên chế trong hệ thống chính trị vẫn tăng”, đại biểu này đưa ra nhận xét thứ nhất.

Đại biểu của tỉnh Bắc Kạn cũng nhấn mạnh ngân sách quốc gia cũng không hề giảm cho dù biên chế không tăng nếu sắp xếp được. Bởi lẽ tiền từ Bộ Công an cũng là tiền từ ngân sách Nhà nước.

“Một cái do Bộ Công an điều hành, một cái do chính quyền địa phương phân cấp điều hành, nên nói là giảm ngân sách Nhà nước thì tôi không đồng thuận”, đại biểu Phương Thị Thanh nói.

Bên cạnh đó, dẫn ra ý kiến của Uỷ ban Quốc phòng an ninh, đại biểu này cho biết nếu lực lượng công an xã là chính quy thì bắt buộc phải có các điều kiện đảm bảo kèm theo. Đơn cử như là trụ sở làm việc.

Vị này cho biết nếu như trước đây chỉ có một Trưởng công an xã, là công chức thì có thể sắp xếp công an – quân sự sử dụng chung một phòng làm việc nhưng nay có thể thay đổi, gây ra một loạt vấn đề tác động.

Hơn nữa, trước đề xuất về chính sách đặc biệt cho các sĩ quan, hạ sĩ quan đang công tác tại các sở, huyện, đồn đã đào tạo chính quy khi được điều động về các xã đặc biệt khó khăn, đại biểu cũng đặt câu hỏi về gánh nặng ngân sách.

“Biên chế không tăng nhưng có một loạt chính sách kèm theo. Về quan điểm chính quy hoá công an xã, thị trấn, tôi đồng ý nhưng về đánh giá tác động thì chưa có tính thuyết phục”, đại biểu Phương Thị Thanh nhận xét.

Một đại biểu khác của Bắc Kạn – ông Hoàng Duy Chính cũng nhận xét việc đưa công an chính quy về xã sẽ làm tăng ngân sách: “Ban soạn thảo nói ngân sách không tăng nhưng tôi nghĩ chắc chắn tăng, ít nhất là cơ sở vật chất. Bộ không lo thì chính quyền địa phương phải lo, như phải có nhà cho anh em: nơi làm việc, nơi ở, rồi phương tiện…”. Tuy nhiên, ông Hoàng Duy Chính cho rằng, xã nào được tăng cường công an chính quy thì an ninh trật tự sẽ tốt hơn.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội (đại biểu Nghệ An) thì nêu một băn khoăn khác khi thực hiện việc đưa công an chính quy về xã: “Nhiều anh em làm hàng chục năm rồi, có vị trí rồi mà xuống xã cơ chế làm việc không đảm bảo, thời gian đầu chưa vào được ủy ban, chưa vào được thường vụ thì sẽ rất tâm tư”. Theo đại biểu này, việc thực hiện Luật Công an Nhân dân sửa đổi, đưa công an chính quy về xã phải có lộ trình và tính toán đến tình hình thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội ngành công an tâm tư chuyện phong tướng cho Giám đốc công an tỉnh

Bài viết mới