Phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN chấp nhận mất hàng nghìn tỷ đồng?

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ( PVN ) mới có báo cáo về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của PVN gửi Bộ Công Thương .

Đề cập đến Dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất, liên quan đến phương án tái cơ cấu DQS, PVN cho biết, ngày 25/7/2017 Tập đoàn đã có văn bản số 278 báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ Công Thương về phương án xử lý các khó khăn đối với Công ty THNN MTV Công nghiệp tàu thủ Dung Quất (DQS).

Theo đó, PVN đưa ra 4 kiến nghị. Cụ thể, phương án thứ nhất, cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bán doanh nghiệp theo hành lang quy định của Nghị định 128 ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản đấu giá tài sản.

Thứ hai, uỷ quyền cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai thực hiện phương án được duyệt.

Thứ ba, có cơ chế giao cho DQS thực hiện các công việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của DQS khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị trong PVN có nhu cầu, để đảm bảo đời sống, việc làm và ổn định tư tưởng, tâm lý cho cán bộ, công nhân viên chức của DQS.

Thứ tư, Bộ Công Thương sớm có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán hồ sơ đối với tàu 104.000 DWT để xác định giá trị bàn giao nhằm xử lý dứt điểm việc bàn giao giữa PVN và Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam.

Tại văn bản này, PVN cho biết, hiện PVN đang chờ các chỉ đạo tiếp theo.

Về việc quyết toán hợp đồng EPC Dự án đầu tư, xây dựng nhà máy đóng tàu Dung Quất, ngày 31/7/2018 SBIC đã có công văn gửi Bộ Công Thương và PVN về việc kinh phí thực hiện kiểm toán, kiểm định thiết bị của Hợp đồng EPC dự án đầu tư xây dựng nhà máy.

“Đến thời điểm báo cáo PVN đã chỉ đạo DQS thực hiện trong đó yêu cầu Người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại DQS chỉ đạo đơn vị phối hợp với SBIC để thống nhất thuê đơn vị tư vấn và chờ các chỉ đạo tiếp theo của Bộ Công Thương”, văn bản của PVN cho hay.

Liên quan đến việc xử lý các tài sản không cần dùng, chờ thanh lý theo quy định, PVN cho biết, Hội đồng thành viên Tập đoàn đang xem xét phê duyệt kế hoạch thanh lý, dự kiến trong tháng 8/2017 sẽ hoàn thành.

Tại một báo cáo trước đó được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý DQS, Bộ này từng đề cập đến phương án phá sản nhà máy. Theo Bộ Công Thương, trên thực tế, DQS đã lâm vào tình trạng phá sản, việc thực hiện thủ tục phá sản là phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó PVN sẽ không phải tiếp tục chịu rủi ro trong tương lai khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS.

Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS. Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí thực hiện thủ tục phá sản. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế trong khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động khi mất việc cũng là vướng mắc.

“Như vậy, phương án phá sản có nhiều khó khăn nhất định và gây ra thiệt hại về tài chính. Tuy nhiên, nếu các phương án khác không khả thi thì đây là phương án cuối cùng có thể xem xét, trình Thủ tướng quyết định”, văn bản của Bộ Công Thương nêu.

PVN và Vinatex phối hợp tiêu thụ xơ sợi của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

Bài viết mới