Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) vừa thông báo về việc PENM Partners, quỹ đầu tư vốn tư nhân với nhiều khoản đầu tư thành công vào các công ty tăng trưởng cao tại ViệtNam, sẽ mua trên thị trường thứ cấp khoảng 2% số cổ phiếu MSN đã phát hành và đang niêm yết tại HOSE.
Cùng với đó, PENM cũng sẽ đầu tư 16 triệu USD để mua lại 0,8% vốn điều lệ của Masan Nutri-Science (mã chứng khoán MNS) từ Masan Group, với mức định giá MNS là 2 tỷ USD.
Ông Hans Christian Jacobsen, Tổng Giám đốc của PENM, cho biết: “Chúng tôi đặt niềm tin lớn vào chiến lược và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Masan trong ngành hàng tiêu dùng. Cụ thể hơn, chúng tôi háo hức về triển vọng hợp nhất thị trường thịt hiện vẫn còn manh mún và không thương hiệu, bằng việc mang đến cho người tiêu dùng thịt và các sản phẩm từ thịt có thương hiệu, an toàn, truy xuất được nguồn gốc và giá cả hợp lý. Mười năm trước, chúng tôi đầu tư vào Masan và đã chứng kiến cách Công ty nâng giá trị thị trường nước mắm, và hôm nay chúng tôi tin vào năng lực của Masan để làm điều tương tự với thị trường thịt, với quy mô 9 tỷ USD, lớn hơn 30 lần so với thị trường nước mắm. Ngoài ra, tôi tự tin rằng những khoản đầu tư đã thực hiện trong năm 2017 của Masan nhằm chuyển đổi mô hình hoạt động sẽ mang đến những kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2018”.
Theo nguồn tin từ Masan, Masan Nutri-Science hướng tới mục tiêu đưa ra thị trường các sản phẩm thịt tươi sống có thương hiệu vào Quý 4/2018 với việc đưa vào hoạt động trang trại kỹ thuật cao tại Nghệ An và nhà máy chế biến thịt tại Hà Nam.
Ông Danny Lê, Giám đốc Chiến lược và Phát triển của Masan Group và Phó Chủ tịch của Masan Nutri-Science tin tưởng rằng với sự hợp tác với PENM thì Masan có thể xây dựng các sản phẩm thực phẩm – đồ uống, thịt và dịch vụ tài chính hàng đầu nhằm đạt mục tiêu chiến lược năm 2020”.
Cũng theo Masan thì PENM sẽ bán lượng cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết tại Masan Resources cho Masan Horizon, một công ty con trực thuộc Masan Group, với trị giá 22,9 triệu USD, tương đương giá trị đầu tư ban đầu của PENM. Như vậy, tỷ lệ sở hữu của Masan tại Masan Resources (bao gồm cả cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết) sẽ tăng từ 93,8% lên 96% sau khi mua lại.
Việc mua lại số cổ phiếu của PENM mang đến khả năng linh hoạt tài chính trong trường hợp Masan Group cần huy động vốn đầu tư chiến lược cho Masan Resources, nhà sản xuất và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ vonfram. Masan Resources dự kiến sẽ tạo ra dòng tiền lớn trong những năm tới nhờ sự phục hồi của thị trường vonfram toàn câu, giảm các khoản vay có lãi suất cao và phát triển thành nhà sản xuất và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ vonfram với quy mô toàn cầu.
Trong tháng 12, Masan cũng đã tất toán khoản vay chuyển đổi trị giá 30 triệu USD với Goldman Sachs, tránh việc phải phát hành thêm 13,6 triệu cổ phiếu. Hiện tại, số lượng cổ phiếu quỹ của Công ty là 109.899.932 cổ phiếu.
Tuy nhiên, tất cả các giao dịch này đang chờ sự phê chuẩn của Công ty và các cơ quan quản lý nhà nước.