OPEC mới đây đã nâng mức dự báo nhu cầu dầu thô trong năm 2018 do lượng tiêu thụ trên toàn cầu đang tăng cao. Đồng thời tổ chức này cũng chỉ ra dấu hiệu của thị trường dầu đang dần mạnh trở lại.
Trong một báo cáo hàng tháng, OPEC nhận định thế giới sẽ cần khoảng 32,42 triệu thùng dầu của họ mỗi ngày trong năm tới, tăng 220.000 thùng so với mức dự báo trước đó. OPEC cũng kỳ vọng rằng trong năm 2018, lượng tiêu thụ dầu thô trên thế giới sẽ tăng khoảng 1,28 triệu thùng/ngày.
OPEC cho hay thị trường dầu mỏ ở châu Âu và Nam Phi đang vững trở lại và giá dầu Brent giao ngay tăng cao hơn so với giá dầu kỳ hạn đã chứng tỏ lượng dầu thừa đang dần được rút.
Cuối năm ngoái, OPEC và một số nước xuất khẩu dầu thô khác trong đó có Nga đã ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày nhằm mục đích tái cân bằng thị trường dầu thô và đẩy giá dầu lên cao. Trong đó, OPEC cam kết cắt giảm 1,2 thùng/ngày và các nước còn lại cắt giảm 600.000 thùng/ngày.
Thỏa thuận ban đầu chỉ kéo dài từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2017. Tuy nhiên, sau khi cuộc họp được tổ chức hồi tháng 5 kết thúc, các nước đã đồng thuận quyết định kéo dài thời hạn cắt giảm nhưng vẫn giữ nguyên mức hạn ngạch 1,8 triệu thùng/ngày.
OPEC cho biết trữ lượng dầu thô của một số nước phát triển trong tháng 6 đã giảm khoảng 87 triệu thùng.
OPEC nhận định thêm “Rất có thể trữ lượng dầu thô của Mỹ sẽ giảm hơn nữa do hoạt động lọc dầu của nước này đang được tăng cường”. Theo dữ liệu chính thức công bố hôm thứ 4 cho thấy lượng tiêu thụ các sản phẩm tinh lọc từ dầu thô đã lên ngưỡng kỷ lục trong vòng 12 năm.
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cắt dự báo sản lượng dầu thô Mỹ trong năm 2018. Theo đó, cơ quan này dự báo rằng sản lượng khai thác của Mỹ trong năm 2018 sẽ tăng khoảng 560.000 thùng/ngày lên mức 9,91 triệu thùng/ngày. Tháng trước, EIA dự báo sản lượng khai thác của Mỹ sẽ tăng khoảng 570.000 thùng/ngày lên mức 9,9 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, EIA còn dự đoán nhu cầu dầu mỏ của Mỹ trong năm 2017 sẽ tăng khoảng 340.000 thùng/ngày so với 310.000 thùng/ngày trước đó. Còn đối với năm 2018, nhu cầu dầu mỏ có thể tăng 330.000 thùng/ngày.
Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh dữ liệu của chính phủ cho thấy trữ lượng dầu thô Mỹ giảm 6,5 triệu thùng vào tuần trước, giảm sâu hơn so với kỳ vọng trước đó là 2,7 triệu thùng. Các nhà máy lọc dầu cũng xử lý khoảng 17,6 triệu thùng, vượt ngưỡng kỷ lục kể từ năm 1982 được lập vào hồi tháng 5.
Việc trữ lượng dầu thô Mỹ giảm đồng thời dấy lên hy vọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ giúp trữ lượng lượng dầu thô toàn cầu được tái cân bằng trở lại.
Tuy nhiên, sản lượng của OPEC trong tháng 7 tăng 173.000 thùng/ngày lên mức 32,87 triệu thùng/ngày- ngưỡng cao nhất kể từ tháng 12/2016, chủ yếu là do Nigeria, Libya (hai quốc gia thành viên được miễn ký thỏa thỏa thuận cắt giảm sản lượng). Sản lượng khai thác của Libya trong tháng 7 tăng 150.000 thùng/ngày lên ngưỡng trên 1 triệu thùng/ngày. Cùng lúc đó, sản lượng khai thác của Nigeria tăng 34.000 thùng lên 1,75 triệu thùng. Nước này cam kết sẽ cân nhắc hạn chế khai thác khi sản lượng trong nước đạt 1,8 triệu thùng/ngày.
Sản lượng khai thác của Ả-rập Saudi trong tháng 6 vượt trên mức hạn định mà họ đã cam kết mùa đông năm ngoái là 10,058 triệu thùng/ngày, lên ngưỡng 10,07 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên đến tháng 7, Ả-rập Saudi giảm sản lượng khai thác xuống còn 10,01 triệu thùng/ngày.
Con số này khiến thị trường nghi ngờ khả năng tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC. Hiện mức độ tuân thủ của tổ chức này giảm xuống còn 86% so với mức 96% hồi đầu năm.
Sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC cũng tăng 1,1 triệu thùng/ngày.
Nếu OPEC tiếp tục giữ mức năng suất khai thác bằng với tháng 7, thị trường dầu thô sẽ thừa khoảng 450.000 thùng dầu vào năm tới mặc dù con số này thấp hơn so với dự báo hồi tháng trước.
Điều này khiến nhà đầu tư nghi ngờ khả năng thị trường có khả năng tái cân bằng trở lại trong khi OPEC dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng.