Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết có 2 yếu tố khiến ngân hàng quyết định niêm yết ở thời điểm này.
Thứ nhất, VPBank đang ở năm cuối cùng của giai đoạn phát triển 5 năm từ 2012 – 2017 và đã đạt được các chỉ tiêu đề ra về kinh doanh. Lợi nhuận ngân hàng liên tục tăng, năm 2016 đã tăng gấp 5 lần so với 5 năm trước.
Những gì đạt được cho thấy VPBank đã thành công, đem lại lợi ích cho khách hàng và cổ đông, đưa ngân hàng từ nhóm trung bình của 7 năm trước lên nhóm ngân hàng có quy mô và hiệu quả hoạt động tốt nhất trên thị trường. Đây cũng là giai đoạn ban lãnh đạo ngân hàng xem xét đánh giá lại chiến lược của mình, để xác định ra ưu tiên, sáng kiến và hoạch định con đường phát triển trong 3-5 năm tới.
Ngoài ra VPBank còn đang trong giai đoạn phát triển mạnh nhất của khoa học công nghệ và lĩnh vực ngân hàng vài năm, đó là cơ hội để VPBank tiếp tục đi lên theo đúng kế hoạch cải tổ, cấu trúc lại hệ thống mà Chính phủ đã đề ra, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, VPBank cũng đề ra kế hoạch phát triển, tăng trưởng để đưa ngân hàng sang giai đoạn mới là phát triển dựa trên chất lượng và chiều sâu, tạo ra những giá trị cho nhân viên, nhà đầu tư và toàn xã hội.
Đó là các lý do khiến VPBank đi đến quyết định niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cũng thông qua việc niêm yết, ngân hàng hi vọng sẽ thu hút được thêm các nhà đầu tư mới có tiềm lực tài chính, có chuyên môn, có hỗ trợ quan trọng vào sự phát triển của ngân hàng.
Ông Vinh cho biết thêm, thời gian qua VPBank cũng đã thành công trong việc thuyết phục nhà đầu tư chia sẻ chiến lược kinh doanh, hiểu những khó khăn thách thức của ngân hàng, cũng như bỏ tiền đầu tư vào ngân hàng. Sự phản ứng tích cực của nhà đầu tư là một động lực với ngân hàng, nhưng cũng là áp lực để ngân hàng tiếp tục đảm bảo phát triển đúng định hướng và đạt mục tiêu để củng cố thêm lòng tin của nhà đầu tư, của cổ đông đã đặt vào ngân hàng.