Ông Hoàng Khải không còn làm sếp của Tập đoàn Khải Silk

Ngày 11/12, Bộ Công Thương đã ban hành kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức, sau hơn 1 tháng kiểm tra công ty này về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chỉ 3 ngày sau khi kết luận được công bố, thượng tầng Công ty TNHH Khải Đức đã có sự thay đổi. Theo đó, doanh nhân Hoàng Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Khải Đức đã không còn là người đại diện theo pháp luật của công ty này. Từ ngày 14/12, người đại diện theo pháp luật của Khải Đức là bà Nguyễn Thu Nga.

Đồng thời, bà Nga cũng nhận quyền sở hữu 1% vốn của Khải Đức, tương ứng 465 triệu đồng, trong đó 100 triệu đồng từ ông Hoàng Khải và 365 triệu đồng từ Hoàng Phi Phi. Bà Nguyễn Thu Nga sinh năm 1974, hộ khẩu thường trú tại Ba Đình, Hà Nội.

Không còn là người đại diện theo pháp luật của Khải Đức, nhưng ông Hoàng Khải vẫn nắm 99% vốn tại công ty này, tương ứng số vốn góp trị giá 46,035 tỷ đồng.

Công ty Khải Đức được thành lập từ tháng 8/2002, là doanh nghiệp hạt nhân chi phối lĩnh vực lụa và chuỗi nhà hàng cao cấp của hệ thống Tập đoàn Khải Silk.

Theo kết luận kiểm tra của Bộ Công Thương tại Công ty TNHH Khải Đức, một số mẫu sản phẩm của công ty hoàn toàn không có thành phần silk (lụa), khác so với thông tin công bố trên nhãn hàng hóa, là “100% silk”.

Điều này trái ngược hoàn toàn so với những gì mà doanh nhân Hoàng Khải từng trả lời trên báo chí, rằng công ty của ông nhập lụa từ Trung Quốc về bán lẫn với lụa Việt Nam từ giữa những năm 90 đến nay nhưng lụa bán tại cửa hàng không phải là sản phẩm kém chất lượng, mà đã được duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập.

Cũng theo kết luận của Bộ Công Thương, suốt từ năm 2009 đến giữa tháng 10/2017, công ty Khải Đức không hề nhập khẩu các mặt hàng thời trang.

Từ năm 2012 đến nay, Công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước.

Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.

Căn cứ trên kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Từ chuyện Khải Silk nhập nhèm bán lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ tiết lộ thực trạng buồn ngành tơ tằm

Bài viết mới