Kinh tế tư nhân vẫn bị bủa vây bởi rào cản
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2017, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phác thảo bức tranh về DN tư nhân Việt Nam.
Theo ông, hiện có khoảng 600 nghìn DN đang hoạt động, dự kiến đến năm 2020 con số này sẽ lên đến 1 triệu. Tuy nhiên, đại đa số DN được thành lập từ năm 2000 trở lại đây là DN nhỏ hoặc siêu nhỏ. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, xây dựng, công nghiệp.
Ông Tuấn cho biết từ khảo sát cho thấy các DN đang gặp khó khăn ở rất nhiều phương diện, từ khách hàng, thị trường, tiếp cận vốn vay, lao động và chất lượng lao động đến thanh tra, kiểm tra, tiếp cận đất đai…
Nhấn mạnh về thủ tục hành chính, ông Tuấn nói rằng Thuế, phí, lệ phí, đất đai, quản lý thị trường….vẫn là những khó khăn của DN tư nhân. Về thanh tra, kiểm tra thì các DN càng lớn thì càng bị thanh tra càng nhiều. “Đây cho thấy nhiều DN càng không muốn lớn, lớn càng rủi ro, càng tốn chi phí” – ông nói.
Ông cũng bình luận khi một DN tại diễn đàn kêu khổ vì thời gian làm thủ tục hành chính với câu nói hài hước: “Chỉ một cán bộ khó ở, Dn cũng gặp rắc rối”.
Vẫn mãi trên nóng dưới thì lạnh
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hoá cho biết bản thân DN rất cảm động trước sự chuyển biến của Chính phủ. Bởi từ Chính phủ bao cấp, quản lý, phân chia đã chuyển đổi thành Chính phủ kiến tạo, đồng hành.
Dù vậy, không phải bộ, ngành địa phương nào cũng hiểu. Họ coi những tinh thần đấy là “hài hước” và muốn bám giữ lấy việc được bao cấp, theo Bầu Đệ. Điều này khiến cho những mong muốn của Thủ tướng, Chính phủ chưa đạt được.
“Nếu các bộ ngành mà thấu hiểu thì Chính phủ sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn nữa. Nhưng hiện tại vẫn còn một bộ phận lớn không chịu chuyển mình, họ làm qua loa, anh nào báo cáo cũng hay, cũng rút ngắn thời gian đấy nhưng đi nhiều vòng hơn thì thời gian cũng dài chẳng kém”, ông nói.
“Mặc dù Chính phủ nói rát hơi bỏng cổ nhưng chuyển biến là do con người”, ông Đệ nói thêm. Bởi hầu hết các DN như ông đều nhận định “nóng ở cấp cao, dưới thì lạnh, kỷ luật kỷ cương kém, hành vẫn là chính”.
Lấy ví dụ ở giấy phép con, ông Đệ cho biết Chính phủ yêu cầu hạn chế, còn các Bộ, cụ thể như ông chỉ ra là Bộ Y tế lại “đẻ” thêm. “Phải rà soát lại, chứ không để tình trạng giảm chỗ này thì phình ra thế kia”.
Hay như một câu chuyện khác được ông kể, DNNN làm ăn thua lỗ được DN tư nhân mua lại, nhưng khi vừa trả hết nợ, xây dựng kinh doanh thì giấy phép hết hạn. Lợi dụng tình thế này, người ta tìm cách thu lại cơ sở của DN tư nhân, bảo phải đấu thầu. “Đấu thầu có minh bạch đâu? Họ thích ai thì cho người đấy”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng nói thêm: “Tỉnh tôi dành 20 tỷ để hỗ trợ DN nhưng đi đến đâu họ cũng bảo không muốn lớn vì sợ”.